Bàn “kế” tiêu thụ vải thiều trong mùa dịch
- Vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử
- Nhật Bản ủy quyền cho Việt Nam giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật
- Cách ly 164 thương nhân Trung Quốc đến Bắc Giang mua vải thiều
Vải chưa chín, siêu thị đã đặt hàng gần 5.000 tấn
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19”, do Bộ NN&PTNT chủ trì, ngày 14/5, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, diện tích cây vải tiếp tục giảm 1,45 nghìn ha so với năm 2020 (54,55 nghìn ha). Theo thống kê, vải được trồng tập trung tại các tỉnh miền Bắc (chiếm 97,4%), trong đó các tỉnh chủ yếu gồm: Bắc Giang (28.100ha), Hải Dương (9.168ha), Quảng Ninh (1.635ha), Hưng Yên (1.400ha)...
Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thu hoạch đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. Trong đó, trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn (chiếm khoảng 26,5% tổng sản lượng), vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn (73,5%). Hiện các tỉnh sản xuất vải, nhãn chủ lực như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải, nhãn.
Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thu hoạch đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. |
Ông Cường cho biết, Trung Quốc đã chấp thuận thêm 11 cơ sở đóng gói mới tại tỉnh Bắc Giang. Trong đó, huyện Lục Ngạn 7, Yên Thế 4, nâng tổng số cơ sở đóng gói toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay lên 300 cơ sở. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã mời gọi được 5 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản (Chánh Thu, Ameii, Rồng Đỏ, Toàn Cầu, Bamboo).
Đối với thị trường Mỹ, Úc, EU.., tiếp tục duy trì 18 mã số vùng trồng, diện tích 218ha tại huyện Lục Ngạn, sản lượng 1.850 tấn. Dự kiến doanh nghiệp Chánh Thu sẽ là đơn vị xuất khẩu lô vải đầu tiên sang thị trường EU (vải sớm Tân Yên). Đến nay công tác chuẩn bị về sơ chế, đóng gói, xử lý lưu huỳnh phục vụ thị trường này được đặt tại Công ty Toàn Cầu đang được các doanh nghiệp chuẩn bị.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên thông tin, cơ quan này đã đặt sản xuất trên 10 nghìn bao bì đựng và trên 200 nghìn tem truy xuất nguồn gốc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, diện tích trồng vải được cấp mã số vùng trồng tại tỉnh này phục vụ xuất khẩu khoảng 10.000ha.
Trong đó: 45 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Nhật Bản, diện tích 500ha; 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan, diện tích gần 100ha; 77 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, diện tích gần 1.000ha. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 75 cơ sở đóng gói được cấp mã số (trong đó, 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Mỹ, 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Úc; 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Thái Lan; 3 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Nhật Bản và 70 cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc); 4 buồng hun trùng vải xuất khẩu đi Nhật Bản (cả nước có 6 buồng hun trùng vải xuất khẩu đi Nhật Bản).
Từ đầu vụ đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã làm việc với trên 200 doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải trong và ngoài nước. Trong đó, một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải để xuất khẩu đi thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU, Thái Lan…). Một số tập đoàn bán lẻ cũng đã đặt hàng gần 5.000 tấn vải để bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống cửa hàng nông sản sạch trên toàn quốc. Các đầu mối thu mua vải cũng đã lên kế hoạch thu mua trên 40.000 tấn vải để xuất khẩu đi Trung Quốc và các chợ đầu mối trên toàn quốc.
Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm nay vải thiều được mùa, có sản lượng tốt nhất từ trước đến nay, với 28.100ha, sản lượng ước 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn…, trong đó sản lượng chính vụ khoảng 130.000 tấn. Tỉnh đã lên 3 kịch bản tiêu thụ vải. Dự kiến, thời gian thu hoạch vải sớm, từ 20/5 và chính vụ từ 10/6 đến 20/7.
Dù đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, nhưng tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các vùng trồng vải không bị ảnh hưởng dịch đã lập chốt, trạm các tuyến cửa ngõ ra vào để kiểm soát, phòng, chống dịch trong suốt thời gian thu hoạch, tiêu thụ. Đồng thời tuyên truyền người trồng vải không ra khỏi vùng, tập trung cho công tác chế biến, tiêu thụ.
Ông Tuấn cũng thông tin, hiện tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã rà soát các trường hợp F0 (nếu có), lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ công nhân vùng vải đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và truy vết, tầm soát các trường hợp F1, F2. Với F1 sẽ đưa về khu cách ly tập trung ở tỉnh. Ngành nông nghiệp, các huyện cũng lập hồ sơ, xét nghiệm xác nhận các lô vải thiều xuất đi các thị trường trong và ngoài nước bảo đảm an toàn dịch COVID-19.
"Để xúc tiến tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào ngày 8/6 với 21 điểm cầu trong nước, 4 điểm cầu Trung Quốc, 2 điểm cầu tại Nhật Bản, 1 điểm cầu tại Singapore và 1 điểm cầu tại Úc. Đây là hội nghị xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế nên tỉnh xem đây là cơ hội để đàm phán, xúc tiến, hợp tác tiêu thụ vải thiều Bắc Giang với các nước. Đồng thời, tổ chức lễ xuất lô vải sớm Tân Yên đi Nhật Bản vào ngày 26/5", ông Tuấn nói.
Hiện tỉnh Bắc Giang cũng xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều với từng tình huống dịch COVID-19. Kịch bản thứ nhất khi dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Sản lượng vải thiều sẽ được tiêu thụ trong nước khoảng 50% (90.000 tấn), 50% xuất khẩu. Kịch bản thứ 2 là dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, khi đó 70% (130.000 tấn) tiêu thụ trong nước, 30% (50.000 tấn xuất khẩu). Kịch bản thứ 3 là dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện, xuất khẩu đóng băng, vải thiều sẽ chủ yếu được tiêu thụ nội địa.
Để thực hiện tốt các phương án tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã phối hợp Đại sứ quán Trung Quốc để sớm đưa thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua vải và có văn bản báo cáo Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất tham mưu và Thủ tướng đồng ý giải quyết cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh. Hiện Bắc Giang đã sẵn sàng các phương án đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Lào Cai về tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.
Với thị trường trong nước, đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh và đưa vải thiều lên các trang, sàn thương mại điện tử để tăng sản lượng tiêu thụ vải thiều. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cũng cho biết, địa phương này đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cử chuyên gia về Bắc Giang giám sát xông hơi, khử trùng và thực hiện kiểm dịch thực vật… quả vải để phục vụ việc xuất khẩu sang Nhật Bản.