Siết đầu tư ngoài ngành để doanh nghiệp phát triển đúng hướng:

Bài 2: Nắn dòng vốn đi đúng hướng

Thứ Hai, 26/10/2015, 08:34
Trước đây, khi DNNN đầu tư ngoài ngành, nhiều DN đã “chân ngoài dài hơn chân trong”, đầu tư tiền tràn lan, nhưng chuyên môn chính của mình thì lại bị bỏ bê. Chính vì kiểu bỏ trống sân nhà, khiến cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chính của DN trở nên èo uột, trong khi các lĩnh vực “hot” bị đẩy lên quá mức, trở thành bong bóng như bất động sản, và cuối cùng khi bong bóng vỡ, cả nền kinh tế phải hứng chịu và hậu quả của nó đã kéo dài gần chục năm trời, cho đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Vì thế, việc thoái vốn đầu tư trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trả lại cho DN đúng về vị trí của mình.

Rút đầu tư ngoài ngành chậm vì đâu?

Yêu cầu các DNNN thoái vốn khỏi ngân hàng và các lĩnh vực đầu tư khác, được đưa ra từ năm 2012, cùng thời điểm với yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Mặc dù chịu sức ép từ đó cho đến nay, tình hình thoái vốn vẫn chỉ mới đi được một quãng ngắn, trong khi hạn định cuối năm 2015 đã gần tới. 

Cập nhật tình hình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết đến ngày 24/9, vẫn còn gần 18.000 tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái được. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực nhạy cảm là NH với 11.000 tỷ đồng và bất động sản 6.000 tỷ đồng. Cho đến nay, thị trường chỉ ghi nhận số ít thương vụ rút lui của các DNNN khỏi ngân hàng. 

Bất động sản là lĩnh vực cấm đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.

Trước tiến độ thoái vốn chậm, TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước là một bước đi rất thích hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, dù hô hào tái cơ cấu DNNN, nhưng hiệu quả vẫn hết sức khiêm tốn. Câu hỏi đặt ra là liệu lộ trình thoái vốn đã thực sự quyết liệt, hay chỉ là giải pháp mang tính tình thế? 

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng do nhiều nơi, thoái vốn sẽ dẫn tới mất vốn, không đạt hiệu quả, nên người lãnh đạo DN sẽ phải chịu trách nhiệm, phải xem xét cách chức. Vì sợ “mất ghế”, nên tiến độ thoái vốn càng thêm chậm. Hơn nữa, việc thoái vốn nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào sự điều hành quyết liệt của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ quản trong vấn đề chỉ đạo rồi tổ chức, thẩm định, phê duyệt, cũng như tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn, tổng công ty. 

Bên cạnh đó cũng cần đề cập yếu tố khách quan là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, vì khi chứng khoán tuột dốc, không có đối tác mua lại cổ phần, thì DN cũng không biết bán cho ai. Đấy là chưa kể, việc thoái vốn cũng không hề đơn giản, vì rất nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN, lợi nhuận rất thấp, thua lỗ, thậm chí mất trắng. 

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết để hoàn thành tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa, trách nhiệm của người đứng đầu DN rất lớn và phải xử lý nghiêm những lãnh đạo chưa làm tốt. Thực tế, đã có trường hợp như Tổng công ty Đường sắt quyết định thay người đại diện vốn tại công ty con, khi đơn vị này không hợp tác trong quá trình thoái vốn và kinh doanh thua lỗ nhiều năm. Song song với việc thoái vốn, theo chỉ đạo của Chính phủ, tất cả DNNN buộc phải cổ phần hóa. 

Các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ đốc thúc cổ phần hóa một cách thực chất, đi kèm với ngăn chặn tái diễn tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện Chính phủ đã chỉ đạo không thoái vốn bằng mọi giá, nhưng phải theo kế hoạch, lộ trình, những DN tốt và có xu hướng phát triển tiếp thì tạo điều kiện, còn nếu để lại càng lỗ thì buộc phải bán, sau đó sẽ xét đến nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai.

DNNN không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (Nghị định 91) của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, có hiệu lực từ ngày 1/12/2015. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực thiết yếu. Phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập DN gồm 4 ngành, lĩnh vực sau:

Thứ nhất, DNNN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm: Dịch vụ bưu chính công ích; xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm); hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, bảo đảm an toàn bay, an toàn hàng hải; trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên, bao gồm: Hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhà máy thủy điện có quy mô lớn đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; in, đúc và sản xuất vàng miếng; xổ số kiến thiết. Thứ ba, DNNN có chức năng đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, mua, bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, DNNN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Ngoài ra, Nghị định 91 cũng quy định rõ việc đầu tư vốn Nhà nước để mua lại một phần, hoặc toàn bộ DN thuộc thành phần kinh tế khác.

Liên quan đến hoạt động đầu tư vốn ra ngoài DN, Nghị định nêu rõ: DNNN được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của DN để đầu tư ra ngoài DN, trong đó bao gồm đầu tư ra nước ngoài của DNNN thực hiện theo quy định tại Điều 28, Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Tuy nhiên, việc đầu tư ra ngoài DN phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triến vốn đầu tư.

Đặc biệt, DNNN không được góp vốn, hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp DNNN đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên, mà không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư thì phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Nghị định cũng quy định rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài DN. DN không được sử dụng tài sản do DN đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi đế đầu tư ra ngoài DN. Ngoài ra, DNNN còn phải tuân thủ các quy định về bảo toàn vốn...

“Nghị định 91 được đánh giá là một lần nữa thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ khi nắn dòng vốn nhà nước đi đúng trọng tâm. Chủ trương này đã có từ lâu và đây chỉ là quy định mang tính pháp lý để thực hiện. Khoảng 20 năm trước, vốn nhà nước trong các DN là lớn nhất, không có tư nhân nhiều nên Chính phủ cho đầu tư vào ngành khác, để phát triển kinh tế. Giờ kinh tế đã phát triển sang một mức khác rồi, nên phải trả lại các ngành nghề này cho tư nhân”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.
Hà An
.
.
.