90% quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Thứ Sáu, 01/04/2022, 08:38

Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… quảng cáo thực phẩm chức năng, các sản phẩm làm đẹp bị thổi lên quá mức về công dụng, thậm chí còn quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh đó, có người còn được thuê quay các clip quảng cáo mắc đủ các loại bệnh và đã khỏi bệnh nhờ uống “thần dược” thực phẩm chức năng. Những quảng cáo này không những câu like mà còn khiến nhiều người xem tin tưởng mua về sử dụng. Bộ Y tế vừa có động thái mới nhất, đề nghị các bộ liên quan, các địa phương phối hợp chấn chỉnh ngay hoạt động này.

90% quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật -0
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa

Một số loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo và nhiều trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng, thậm chí có quảng cáo giống như thuốc chữa bệnh. Diễn viên, người nổi tiếng là người của công chúng nên dễ dàng thu hút lượng fan cũng như niềm tin của người hâm mộ, người tiêu dùng. Vì vậy, khi những thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp được thực hiện bởi những người nổi tiếng đăng bài viết, video clip trên mạng xã hội giới thiệu, thì mức độ tiêu thụ rất cao bởi niềm tin và danh tiếng của những nghệ sĩ đó. Hoặc đang xem một bộ phim trên mạng, lại nhảy ra một đoạn quảng cáo của một nghệ sĩ về các loại sản phẩm làm đẹp, trẻ hóa làn da, da trắng bóc, căng mịn…giống như một sản phẩm “thần thánh” nhưng sự thực nó không thần kỳ như vậy.

Đã có nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, khán giả khi có clip bị một nhãn hàng lấy về chia sẻ trên kênh Youtube, trong đó nghệ sĩ này giới thiệu và dùng thử sản phẩm đó được quảng cáo có chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, nhưng thực chất công dụng của sản phẩm lại không phải như vậy.

Sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để quảng cáo bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc đã trở nên phổ biến. Họ sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ để thuyết phục người tiêu dùng. Thậm chí, có người còn giả vờ mắc bệnh, quay clip uống thực phẩm chức năng… và khỏi bệnh. Điển hình là các clip quảng cáo của ông Nguyễn Anh Tạo (Thanh Xuân, Hà Nội). Mỗi clip ông Tạo tự giới thiệu mình mắc một loại bệnh và uống thực phẩm chức năng là khỏi.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 90% quảng cáo thực phẩm chức năng là sai sự thật. Tuy nhiên, các quảng cáo sai sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày, thổi phồng công dụng và coi thực phẩm chức năng như “thuốc tiên” để đánh vào tâm lý của người bệnh. 

Vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh tồn tại đã lâu, nhưng xử lý còn nhiều khó khăn. Cần phải có những quy định trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân nghệ sĩ vào những dạng quảng cáo liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nhiều nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình để giới thiệu thực phẩm chức năng không đúng với công dụng. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xử phạt những trường hợp quảng cáo không đúng sự thật và đề nghị cơ quan truyền thông phải phối hợp chấn chỉnh tình trạng đó. Tuy nhiên, việc này đến giờ vẫn chưa xử lý được dứt điểm.

Trước tình trạng loạn quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên, ngày 31/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như: Quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… Các nền tảng quảng cáo trên Google ads như Youtube, Coccoc, Chrome… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Bộ Y tế cũng đề nghị rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty, để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Trần Hằng
.
.
.