600 kg tôm được bơm tạp chất “phù phép” tươi to, căng mẩy

Thứ Bảy, 18/03/2023, 15:41

Tài xế vận chuyển 600kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất Agar đi tiêu thụ thì bị Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện, bắt quả tang. 

Lúc 16h ngày 17/3, trên tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp (đoạn qua xã Tân Phong, thị xã Giá Rai), Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện xe tải BKS 94C-056.32 do tài xế Nguyễn Xanh Em (SN 1988, ngụ huyện Phước Long) điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên dừng, kiểm tra phương tiện.

Bắt quả tang tài xế vận chuyển 600kg tôm chứa tạp chất đi tiêu thụ  -0
Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu thu giữ 600kg tôm nguyên liệu chứa tạp chất. 

Kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên xe tải có nhiều thùng xốp chứa 600kg tôm nguyên liệu có tạp chất Agar nên tiến hành lập biên bản thu giữ. Làm việc với cơ quan Công an, tài xế Em khai nhận chở thuê số tôm trên từ Bạc Liêu về Cà Mau để tiêu thụ.

Bột Agar là một sản phẩm được chiết xuất từ tảo đỏ. Với khả năng tạo sự kết dính thực phẩm, bột Agar được sử dụng trong chế biến thạch rau câu, giò chay, bánh và một số món ăn khác. Vì giá thành rẻ, không màu, không mùi nên Agar thường được các gian thương sử dụng để tăng trọng lượng và đồng thời "phù phép" cho tôm trở nên bắt mắt hơn.

Thông thường, các đối tượng sẽ hòa bột Agar với nước nóng, sau đó dùng bình và bơm tự chế để tiêm vào tôm. Con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo, 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 - 1,3kg. Kích cỡ tôm cũng được nâng lên, loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23-24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên.

Agar được chiết xuất từ thực vật, tự thân nó hoàn toàn không gây độc hại. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích sai trái này thì lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, trong trường hợp gian thương "phù phép" những con tôm đã bị ươn, hỏng nhưng lại trở nên bắt mắt, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa và đối mặt với nguy cơ ngộ độc cao.

V.Đức - T.Nguyễn
.
.
.