Ba năm thực thi CPTPP: Doanh nghiệp Việt đang tăng tốc trên xa lộ

Thứ Hai, 26/12/2022, 16:02

Ngày 26/2, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề Tận dụng ưu thế của người đi đầu” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức.

Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tận dụng ưu thế của người đi đầu trong thực thi Hiệp định CPTPP -0
Các diễn giả chia sẻ về tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua.

Tại 2 phiên tọa đàm và đối thoại trực tiếp với chủ đề “Tự tin chinh phục thị trường” và “Tăng tốc trên xa lộ”, các diễn giả đã chia sẻ về những tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp của Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ hiệp định, đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường mới của khu vực châu Mỹ. Bên cạnh đó là những câu chuyện kinh nghiệm của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường các nước trong CPTPP; sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, kết nối của cơ quan thương vụ và vai trò chủ động của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. 

Cùng với đó, các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội đã thảo luận và trao đổi về những cơ hội, thách thức từ thị trường và những điểm mới cần lưu ý trong việc thực thi CPTPP thời gian tới; đề xuất về chính sách và khuyến nghị cho doanh nghiệp để khai thác tối đa các thị trường đối tác trong CPTPP cũng như các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới.

Trong năm 2023, trước những khó khăn từ thị trường, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đều cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các nước chưa có các mặt hàng của Việt Nam để thâm nhập, đi theo ngách của thị trường sẽ cạnh tranh tốt hơn. Để có thể thâm nhập tốt vào thị trường trong khối CPTPP nói riêng và FTA khác nói chung, trước hết doanh nghiệp cần phải chú trọng quảng bá hình ảnh sản phẩm của mình tới các đối tác, đầu tư nhiều hơn trong quy trình sản xuất, nâng cao hàm lượng chế biến sâu và nâng cao giá trị hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, kết nối các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khối CPTPP để tận dụng được hiệu quả về ưu đãi thuế quan. 

Lưu Hiệp
.
.
.