Độ vênh chiến lược!

Thứ Bảy, 27/06/2015, 11:01
Ngày họp báo VCK giải U.17 Báo Bóng Đá diễn ra 2 hôm trước, giới phóng viên liên tục "xoáy" Ban tổ chức và đại diện VFF về việc: Tại sao giải đấu không có sự góp mặt của U.17 Hoàng Anh Gia lai?

Phải hỏi thế là bởi cách đây ít lâu, đại diện HA.GL cũng không tham gia giải U.13 toàn quốc, và như thế, nhìn về mặt hình thức rõ ràng công tác đào tạo trẻ của Hoàng Anh đang có rất nhiều lỗ hổng. Thậm chí còn có những ý kiến cho rằng đội bóng này ỷ thế của ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Phó Chủ tịch Tài chính VFF để thoái thác trách nhiệm ở các giải trẻ.

Cần nhắc lại, theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một CLB tại V.League phải tham dự 4/5 giải trẻ hàng năm, từ U.11, U.13, U.15 đến U.17 và U.21. Nếu vắng mặt tại một giải đấu CLB sẽ bị phạt 200 triệu đồng, và như thế HA.GL sẽ bị phạt tổng cộng 400 triệu đồng vì đã vắng mặt ở hai giải U.13, U.17.

Nghe thật nghịch nhĩ bởi ai cũng biết cùng với Sông Lam Nghệ An, HA.GL những năm qua nổi đình nổi đám với một Học viện Bóng đá trẻ được liên kết với CLB danh tiếng Arsenal, và lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... đã từng có một năm 2014 gây "sốt" trong lòng người.

Giải thích vấn đề nghịch nhĩ này, Giám đốc điều hành HA.GL Huỳnh Mau cho biết: "Đừng nghĩ là chúng tôi dựa hơi bầu Đức để từ chối tham gia các giải trẻ, mà vấn đề là sự khác biệt trong công tác đào tạo trẻ của chúng tôi so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam hiện tại".

Cụ thể là chương trình đào tạo của HA.GL JMG quy định các cầu thủ chỉ chính thức xỏ giày thi đấu khi bước sang lứa U.19, còn trước đó chủ yếu là tập chân trần. Những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... chỉ ra sân đấu trận khi đạt tuổi U.19, và những cầu thủ lứa sau cũng vậy. Vì thế theo ông Huỳnh Mau, nếu để các đội U.13, U.17 tham gia các giải trẻ quốc gia thì kế hoạch đào tạo cầu thủ theo tiêu chuẩn châu Âu của họ sẽ bị phá vỡ.

Tuy nhiên, có một chi tiết cần nhấn mạnh: đội U.15 HA.GL vẫn tham gia giải U.15 toàn quốc, và theo lý giải của ông Huỳnh Mau thì: "Riêng đội U.15 lại do chúng tôi chủ động đào tạo, độc lập hoàn toàn so với giáo trình đào tạo của Học viện".

Các cầu thủ HA.GL chỉ xỏ giày tập luyện, thi đấu khi đạt tuổi U.19. Ảnh: H.M.

Từ câu chuyện này có thể thấy đang tồn tại một độ vênh chiến lược về việc đào tạo cầu thủ trẻ ở chính lò Hoàng Anh và giữa lò Hoàng Anh với các lò đào tạo còn lại. Thật khó đòi hỏi VFF giải quyết độ vênh này bằng cách thay đổi quy chế bóng đá, để những cầu thủ U.13, U.17 chân trần của lò Hoàng Anh nghiễm nhiên không phải tham dự các giải đấu toàn quốc.

Cũng thật khó để những đội trẻ của ông PCT VFF được hưởng một đặc cách, một ưu đãi riêng. Viễn cảnh dễ hình dung nhất là trong những năm tới đây, các đội trẻ Hoàng Anh tiếp tục vắng mặt và tiếp tục phải nộp phạt, bất chấp điều ấy có thể làm thương hiệu của bầu Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng xét cho cùng thì bóng đá Việt Nam còn nhiều cái vênh đáng nói hơn, mà ví dụ điển hình là việc nhiều cầu thủ chơi ở CLB một kiểu nhưng lại chơi ở ĐTQG một kiểu khác. Mà ngay cả ĐTQG, qua mỗi thời HLV, phụ thuộc vào quốc tịch và phong cách của mỗi ông HLV thì chúng ta lại thi đấu với một trường phái khác nhau. Tất cả bắt nguồn từ việc bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có một bộ phận chuyên môn thực hiện công việc hoạch định chuyên môn, từ cấp độ CLB đến cấp độ ĐTQG một cách xuyên suốt và đúng nghĩa.

Bộ phận chuyên môn ở đây không nhất thiết phải là sự xuất hiện của một ông giám đốc kĩ thuật, vì chúng ta còn có những vị trí khác như ông phó chủ tịch chuyên môn VFF rồi chủ tịch hội đồng HLV quốc gia - vị trí mà hiện tại ông Trần Quốc Tuấn đang cùng lúc đảm nhiệm. Nhưng rõ ràng đấy là những vị trí chưa bao giờ giúp độ vênh chuyên môn của nền bóng đá được san bằng.

Lại phải học người Nhật

Theo cố chuyên gia bóng đá Tanabe - cố vấn đặc biệt của TGĐ VPF Võ Quốc Thắng vài năm trước thì ở thời kỳ đầu của bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá nước này đã phải đi thuyết phục các CLB cùng thực hiện một quy chuẩn đào tạo cầu thủ để tạo ra tính đồng bộ chuyên môn cho cả nền bóng đá. Đấy rõ ràng là điều mà bóng đá Việt Nam cần tham khảo và học tập.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.