UEFA đưa sáng kiến thành lập lực lượng cảnh sát thể thao

Thứ Năm, 13/12/2007, 09:40
Tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ) Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Michel Platini bình luận về vấn đề bạo lực xảy ra bên trong lẫn bên ngoài sân vận động đồng thời kêu gọi châu Âu thành lập lực lượng cảnh sát đặc biệt bảo vệ thể thao. Ủy ban châu Âu (EC) hoan nghênh sáng kiến này, song các quốc gia thành viên của EC vẫn đang lưỡng lự.

Vào đầu tháng 11/2007, ở Italia một fan bóng đá đã bị bắn chết trong cuộc xung đột giữa những người hâm mộ môn thể thao vua này. Gabriele Sandri, 26 tuổi, bị bắn chết tại trạm dịch vụ đường cao tốc khi đang trên đường đến sân bóng.

Tháng 2/2007, một cảnh sát Italia bị bắn chết trong cuộc bạo động ở trận đua ngựa ở Sicily. Theo nhận định của ông Platini, bạo lực là vấn đề của xã hội và bóng đá là trung tâm của đời sống xã hội, cho nên hiện tượng bạo động trong bóng đá là điều không thể tránh khỏi.

Michel Platini nói: “Thế nên chúng ta phải hành động để bảo vệ thể thao và thực thi luật pháp. Bây giờ đã đến lúc các tổ chức thể thao, chính quyền và cảnh sát hợp tác với nhau”.

Franco Frattini, Ủy viên Tư pháp của EU, ủng hộ sáng kiến của Platini vì cho rằng “không quốc gia nào có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết vấn nạn hooligan và bạo lực trong thể thao”.

William Gaillard, người phát ngôn của UEFA, cho biết sự đi lại tự do giữa các quốc gia trong Liên hiệp châu Âu càng góp phần cho bạo lực trong thể thao gia tăng. Ví dụ, tháng 11/2006, các fan của Câu lạc bộ bóng đá Hà Lan, Feyenoord, đã gây rối trong trận hòa giữa Feyenoord và Nancy sau trận vòng bảng Cúp UEFA.

Gaillard nói: “Khi Feyenoord lên đường sang Pháp vào mùa giải năm ngoái, Cảnh sát Hà Lan đã cảnh báo cảnh sát nước này rằng có khoảng 2.000 người nguy hiểm nhưng Cảnh sát Pháp đã không làm gì được khi bạo lực nổ ra”.

Gaillard cho biết UEFA đã có sơ đồ tổng thể về các sân vận động không có hàng rào chắn, cơ cấu quản lý tốt và sự giám sát bí mật. Trong khi một số quốc gia hầu như đã hội đủ các điều này, thì tại số quốc gia khác vẫn hoàn toàn chưa có hệ thống quản lý. Thậm chí, tại Romania người ta không hề thấy bóng dáng lính cứu hỏa trong sân bóng!

A.D.(theo BBC)-ANTG số 713
.
.
.