Thua thảm U16 Iran, bóng đá Việt Nam thêm “bồ kinh nghiệm”
Ở trận đấu vừa kết thúc tối nay, U16 Iran đã dễ dàng “đè bẹp” U16 Việt Nam với 5 bàn không gỡ. Điều đáng nói là trước trận đấu, truyền thông đã tung hô như thể các cầu thủ áo đỏ đã đủ sức sánh ngang với những đối thủ mạnh ở đấu trường châu Á.
Cùng thời gian U19 Việt Nam dự giảitại Hà Nội, các tuyển thủ U16 dưới sự dẫn dắt của HLV Đinh Thế Nam cũng tranh tài giải châu Á tại Ấn Độ. Rơi vào bảng đấu gồm Nhật Bản, Úc và Kyrgyzstan, nhiều người nhận định thầy trò Đinh Thế Nam khó lọt qua vòng bảng. Ngay trận ra quân, U16 Việt Nam đã đại bại trước Nhật Bản với tỷ số 0-7. Những tưởng đó sẽ là dấu chấm hết, tuy nhiên ở hai lượt trận còn lại, các chàng trai áo đỏ lần lượt vượt qua Úc và Kyrgyzstan để giành vé vào vòng 2.
U16 Iran tỏ ra quá mạnh |
Đến lúc này, từ chỗ chỉ đưa quân đi mang tính cọ xát, học hỏi, truyền thông đã tung hô U16 Việt Nam như những thiên thần. Trước trận tứ kết với U16 Iran, hầu hết các bài báo đều chung nhận định, Iran mạnh nhưng U16 Việt Nam không có gì phải dè chừng, hoàn toàn đủ sức đá ngang ngửa, thậm chí tấn công dồn ép đối thủ để tước vé vào bán kết, đồng nghĩa một suất dự giải U17 thế giới vào năm sau. Có người viện dẫn việc U23 Việt Nam từng đè bẹp U23 Iran tới 4-1 tại Asiad 17 để tung hô các chàng trai áo đỏ thừa sức “nhấn chìm” Iran thêm một lần nữa.
“Bóng chưa lăn chưa thể nói trước điều gì”, “Hạ gục kẻ ngáng đường Iran”, “VCK u17 thế giới chỉ còn cách 90 phút”, “Bắn hạ” Iran để lên đỉnh vinh quang”, “World Cup là đây chứ đâu”, “U16 Việt Nam không ngán đối thủ nào”... Thậm chí, có bài báo tung hô U16 bằng cách mỉa mai U19 là “hãy xách dép” cho U16!
Rõ ràng, kiểu truyền thông như trên là quá đà, vô tình khiến dư luận không biết đâu thực hư và có thể các em U16 cũng bị ngộ nhận sức mạnh thực chất của mình. Trên thực tế, phải nói thầy trò Đinh Thế Nam đã rất cố gắng, tuy nhiên không thể vì một hai trận thắng mà ngỡ rắn thành rồng. Trong bảng đấu, chỉ có U16 Nhật Bản thể hiện đúng sức mạnh còn U16 Úc đã không còn là chính mình khi thua cả Kyrgyzstan - một đối thủ hạng trung bình thấp ở châu Á. Thế nên việc U16 Việt Nam đánh bại hai đối thủ trên cũng không có gì ghê gớm, không thể dựa vào đó để cho rằng, đánh bại Úc thì đương nhiên đánh bại Iran, UAE và hơn thế nữa. Ngay việc so sánh, mỉa mai với lứa đàn anh U19 cũng là điều rất tối kỵ bởi mỗi giải đấu có tính chất khác nhau, không nên miệt thị đội này để tung hô đội kia. Ngay như U19 Việt Nam trước trận bán kết cũng ngỡ mình đã là “đại gia”, đến khi bị Úc hạ 5-2 thì đổ lỗi sai lầm hàng thủ, rồi thì HLV Hoàng Anh Tuấn “giấu bài”.
Kỳ thực, U19 Úc ở vòng bảng chỉ thi đấu với thái độ thăm dò đối thủ và họ bắt đầu tăng tốc khi vào bán kết. Đến chung kết, họ nốc ao Thái Lan tới 5-1, đúng bằng tỷ số từng thua người Thái ở vòng bảng. Rõ ràng, người Úc đã thể hiện sức mạnh đúng thời điểm để ra đòn quyết định, biến Thái Lan, Việt Nam thành rổ đựng bóng!
Cả trận, U16 Việt Nam thi đấu hoàn toàn lép vế, chỉ thi thoảng có đợt lên bóng với vài cú sút hơi hơi hướng về khung thành Iran |
Chúng ta cũng đã quá quen với lối viết rằng, bị thủng lưới là do sai lầm hàng thủ, do hậu vệ, thủ môn; còn khi ghi được bàn thắng thì do đá hay, tiền đạo chạy chỗ tốt, là đẳng cấp... Thua thì đổ lỗi sai lầm hàng thủ mà không chịu nhận đối phương chơi hay, thắng thì lại không phải đối phương sai lầm hàng thủ mà do... ta xuất sắc. Cứ theo lối đó, hẳn đá với Đức, Brazil mà ta không sai lầm hàng thủ, chắc vũ công sam ba cũng thua Việt Nam!
Trở lại với giải U16 châu Á, chúng ta vào tứ kết là thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, trong bóng đá, không phải cứ lọt vào vòng này thì lại ngạo nghễ nghĩ vòng sâu hơn. Đội mạnh có thể thua đội yếu trong một trận đấu nào đó, còn tổng thể, họ vẫn là đội khó bị đánh bại. U23 Iran từng thua U23 Việt Nam cách đây hai năm nhưng đó là khi mà các cầu thủ Iran có mâu thuẫn với Liên đoàn bóng đá nước này khiến họ thi đấu rệu rã, thua cả 3 trận vòng bảng.
Còn khi trở lại chính mình, chỉ có thể Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, UAE, Ả rập xê út hay những đội mạnh khác mới hoạ chăng xứng tầm so bì với Iran. U16 Việt Nam định áp đảo từ đầu bằng những pha lên bóng nhanh nhưng điều đó chỉ diễn ra ít phút đầu. Còn lại gần như cả trận, U16 Iran đá thong dong nhưng rất chắc chắn, họ cầm trịch trận đấu và thoải mái ghi bàn với rất nhiều miếng tấn công. Tỷ số 5-0 còn là ít nếu không có sự xuất thần của thủ môn Hữu Tuấn. Phía ngược lại, các cầu thủ Việt Nam chỉ có vài đợt lên bóng và vài cú sút có hơi hướng về hướng khung thành U16 Iran. Cả trận, thủ môn Iran nhàn nhã, gần như không phải cứu nguy pha bóng nào.
Rõ ràng, U16 Việt Nam cũng như bóng đá Việt Nam nói chung, khi ra đấu trường châu Á, chúng ta vẫn chỉ là “hạt tiêu” của những ông lớn như Nhật, Hàn, Iran, Ả rập Xê út, UAE, Qatar, Oman, Iraq, Triều Tiên... Đừng vì một hai trận thắng có tính bất ngờ kiểu ngựa ô mà ngộ nhận sức mạnh của mình. Và với thực lực như vậy, chúng ta giả như có điều thần kỳ để lọt vào VCK U17, U20 hay ở cấp độ nào ccủa giải thế giới cũng chỉ là “rổ bóng” cho các anh tài bắn phá!
Thêm một giải đấu là thêm “bồ kinh nghiệm”, vấn đề là ta đúc rút, học hỏi được đến đâu mà thôi.