Bình luận:

Shakespeare, World Cup và “Thuyết âm mưu”

Thứ Tư, 25/06/2014, 11:27
William Shakespeare là ai? Ông là nhà văn, nhà soạn kịch lừng lẫy nước Anh chứ ai. Ấy thế mà chưa chắc đâu nhé. Một bộ phận rất đông cho rằng Shakespeare là một ai đó, có thể là Sheikh Zubair, một nhà thơ Iraq, hoặc ông chính là triết gia Francis Bacon nổi tiếng thế kỉ 16. Hàng trăm cuộc khảo cứu được tiến hành chỉ để khẳng định William Shakespeare... không phải là William Shakespeare. Nó là kết quả của cái gọi là "Thuyết âm mưu".

Đến một vĩ nhân như Shakespeare, người ta còn hồ nghi, huống chi mấy trận đấu ở World Cup. Cả thế giới đã chứng minh rằng, chắc chắn có một âm mưu móc ngoặc phía sau trận hòa 1-1 giữa Đức và Áo tại World Cup 1982 để cùng nhau đứng đầu bảng. Rồi ở EURO 2004, trận chiến đầy kịch tính giả tạo giữa Thụy Điển và Đan Mạch (2-2) cũng bị lật tẩy, bất chấp cả hai đều phủ nhận.

Và bây giờ, trong 2 ngày tới chúng ta sẽ cùng xem hàng loạt trận đấu diễn ra với kịch bản mang đầy hồ nghi như vậy. Thật trùng hợp khi ở bảng F và G, hai đội đang dẫn đầu mỗi bảng phải đụng nhau ở lượt trận cuối. Thông thường, đó sẽ là những trận quyết chiến, nhưng ngược đời ở chỗ, nếu tất cả kết thúc với tỷ số hòa, cả 4 đội dẫn đầu đều cùng nhau vào vòng 1/16. Argentina gặp Nigeria, Đức đối mặt Mỹ của HLV Klinsmann. Bi kịch chắc chắn xảy ra, dù họ có hòa hay không!

Những nghi ngờ đã được đặt ra. Mặc dù Klinsmann đã nổi đóa khi bị đặt vào vị trí một mắt xích quan trọng trong “kế hoạch hòa Đức”, nhưng rất ít người tin rằng đây sẽ là trận đấu sòng phẳng để “cứu” một kẻ hùng mạnh đang sa cơ như Bồ Đào Nha. Ở phía Argentina, chính huyền thoại Maradona cũng cho rằng đội nhà nên giữ sức ở trận cuối, cất bớt trụ cột khi gặp Nigeria. Nếu như vậy, Argentina có thể đang chủ động tìm một trận hòa, đủ để họ giữ ngôi đầu bảng. Ở một giải đấu căng thẳng và cần sự toan tính đến từng chi tiết, cụ thể đến từng bữa ăn, giấc ngủ, nếu Argentina tự lo cho bản thân theo cái cách ấy cũng hoàn toàn hợp lí.

Trong buổi phỏng vấn trực tiếp của Kênh Truyền hình Telesur (Venezuela), sau khi trả lời về trận đấu, về cách Argentina ứng xử với trận gặp Nigeria, Maradona không quên đưa “ngón tay thối” lên màn hình, dành cho Chủ tịch LĐBĐ Argentina (Julio Grondona) vì cho rằng ông này đã nói: Maradona chỉ “ám quẻ” đội nhà nếu đến sân. Cùng với ngón tay trên màn hình, Maradona tuyên bố ông vẫn sẽ đến sân cổ vũ đội nhà. Khi tuyên bố như vậy, Maradona cũng tạo nên một “Thuyết âm mưu” nữa thuộc về “tâm linh” để cho rằng, Argentina sẵn sàng hé mở cơ hội cho đối thủ Nigeria.

Học thuyết âm mưu được tạo dựng như một tấm lá chắn bảo vệ cho những niềm tin đang bị sứt mẻ bởi những hồ nghi. Nó có thể tạo ra những tranh cãi, nhưng giá trị cơ bản nhất mà "Thuyết âm mưu" mang lại là những liên tưởng có logic. Ở đây, mọi sự liên tưởng cả về lí trí và tâm linh đều mang đến một chuỗi logic hợp lí. Và nếu như thế giới còn đi tìm kiếm lời giải cho câu hỏi Shakespeare là ai thì tại sao không hồ nghi về một trận đấu đã được số phận sắp định từ trước nhỉ?

L.Trung
.
.
.