Đội tuyển điền kinh Việt Nam trước SEA Games 28:

Người tính, nhưng vẫn phải chờ... trời tính

Thứ Tư, 20/05/2015, 09:48
Đội tuyển điền kinh gây ấn tượng ngay từ danh sách đăng ký tham dự SEA Games 28 của Đoàn thể thao Việt Nam với 48 VĐV – đông nhất trong các đội tuyển. Người đông lại sở hữu nhiều gương mặt sáng giá của điền kinh Đông Nam Á nên không khó hiểu khi đội tuyển đặt chỉ tiêu đoạt 11 HCV đến 13 HCV. Nhưng dù sao, phải chờ “thực chiến” mới biết được có hoàn thành chỉ tiêu hay không.

Gần 2 năm qua, điền kinh Việt Nam đã phải chia tay 2 gương mặt sáng giá từng mang về 3 HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 27  là Vũ Thị Hương (100m, 200m), Phạm Thị Bình (marathon). Cả hai phải chia tay vì những vấn đề sức khỏe, cá nhân.

Vũ Thị Hương phải nghĩ đến trách nhiệm làm mẹ nên muốn toàn tâm toàn ý cho việc này. Cô từng kể rằng vẫn có khả năng thi thố ở SEA Games 28, nhưng cái gì cần hơn thì phải làm. Thế nên, Vũ Thị Hương vẫn dự SEA Games 28 nhưng với tư cách là đại sứ thể thao cho một hãng dược phẩm.

Nguyễn Thị Oanh được nhắm thay Vũ Thị Hương vào phút chót

Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng, vị trí của Vũ Thị Hương trên đường  chạy 100m và 200m tại SEA Games 28, mới được trao vào tay Nguyễn Thị Oanh. VĐV Hà Nội này thường được biết đến với những thành tích trên đường chạy 400m cũng như thể hình và khuôn mặt ưa nhìn.

Tại đội 400m hiện nay, Nguyễn Thị Oanh không cạnh tranh được với Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, khi thi cá nhân nên giải pháp đưa cô thay vị trí của Vũ Thị Hương được đánh giá là hợp lý. 

Còn nhà đương kim vô địch SEA Games 27 marathon Phạm Thị Bình cũng đành chia tay đường chạy vì những vấn đề liên quan đến bệnh tim. Lần tranh tài cuối của Phạm Thị Bình trong sự nghiệp VĐV tại ĐH TDTT toàn quốc 2014, đã khiến cả BTC giải lo thon thót vì những tranh cãi về sự an toàn của cô khi thi đấu ở cường độ cao.

Sau khi giành tấm HCV cuối trong nghiệp VĐV ấy, Phạm Thị Bình chính thức chia tay đường chạy và chưa VĐV Việt Nam nào chắc chắn thay được cô trong việc giành tấm HCV SEA Games 28.

Có một trường hợp nổi tiếng khác cũng phải chia tay đường chạy là Trương Thanh Hằng. Tuy nhiên, từ sau khi bị tai nạn giao thông vào năm 2012, Trương Thanh Hằng chưa bao giờ trở lại phong độ tốt nhất, nên quyết định chia tay đường chạy của cô cũng là bình thường.

Đến giờ, hầu hết những VĐV từng giành HCV trong vài SEA Games gần đây của điền kinh đã chia tay đội tuyển. Ngoài những Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Phạm Thị Bình, còn có Vũ Văn Huyện, Nguyễn Đình Cương.

Khi chia tay những người luôn bảo đảm HCV tại các kỳ SEA Games gần đây, điền kinh Việt Nam phải trông vào các gương mặt khác, cả kỳ cựu lẫn trẻ.

Ngoài những gương mặt kỳ cựu có thâm niên dự SEA Games và giành HCV ở đấu trường này như Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m), Đỗ Thị Thảo (800, 1.500m), Dương Văn Thái (800m, 1.500m), Nguyễn Văn Hùng, Trần Huệ Hoa (nhảy xa), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ) thì trong 2 năm qua, điền kinh Việt Nam cũng có những gương mặt đã dần thể hiện được khả năng. Sáng giá nhất trong số này là hai á quân ASIAD 2014 gồm Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo.

2 năm trước, Quách Thị Lan  còn non trong kỳ tham dự SEA Games 27 thì nay đã tiến bộ khá nhanh. Tấm HCB 400m nữ tại ASIAD đã tiếp thêm động lực cho nữ VĐV người Thanh Hóa này để rồi sau đó, cô tiếp tục nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của Tổng cục TDTT (Bộ VH, TT&DL) lẫn ngành thể thao Thanh Hóa. Cho đến trước SEA Games này, Quách Thị Lan cũng là VĐV duy nhất của điền kinh Việt Nam đi tập huấn dài ngày ở Mỹ với kỳ vọng sẽ mang về tấm HCV đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại nội dung 400m nữ ở SEA Games. Ngoài ra, cô cũng được đặt kỳ vọng là đầu tàu giúp đội 4x400m nữ Việt Nam có thể lần đầu vượt qua Thái Lan tại một kỳ SEA Games, để lên ngôi vô địch.

Trong khi đó, Bùi Thị Thu Thảo là bất ngờ lớn nhất của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2014. Tấm HCB nội dung nhảy xa của cô gái Hà Nội này đã khiến các nhà quản lý bộ môn tiếp tục đặt kỳ vọng vào cô, cho việc chinh phục tấm HCV SEA Games 28.

Sau hàng loạt cái tên kể trên, cũng còn những nhân tố khác được hy vọng sẽ giúp điền kinh Việt Nam hoàn tất chỉ tiêu 11 HCV đến 13 HCV như Lê Trọng Hinh (100m), Quách Công Lịch (anh trai Quách Thị Lan, nội dung 400m nam), Nguyễn Thị Oanh  (được nhắm cho vị trí mà Vũ Thị Hương để lại trên đường chạy 100m, 200m nữ) hay Nguyễn Thị Huyền (400m nữ).

Với dàn VĐV nhiều tiềm năng, trẻ trung (nhiều người mới qua tuổi 20) nên không ngẫu nhiên mà lãnh đạo đội điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy từng bày tỏ sự tự tin vào khả năng hoàn thành chỉ tiêu của các VĐV điền kinh Việt Nam.

Ông nói: “Chúng tôi đã biết rằng sẽ phải chia tay một số VĐV nổi tiếng, có tài vì những lý do khác nhau, nên đã có phương án thay thế. Ngoài ra, điền kinh Việt Nam đang sở hữu nhiều VĐV trẻ, có tài nên đấy là cơ sở để chúng tôi tin rằng đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ, nếu không có sai số lớn”.

Sai số ấy đôi khi là sự may rủi, là sự sa sút đột ngột của VĐV, là sự thiếu khách quan của đội ngũ trọng tài mà không ít lần điền kinh Việt Nam mắc phải. Không kể, cũng có không ít lần, điền kinh Việt Nam được hưởng lợi vì sự sa sút của đối thủ như lần đoạt HCV môn ném lao của VĐV Nguyễn Trường Giang tại SEA Games 26. Vì vậy, người đã tính rồi nhưng đôi lúc vẫn phải đợi... trời tính cho dù điền kinh là môn ít chứa đựng sự may rủi so với nhiều môn thể thao khác.

Đoàn thể thao Việt Nam xuất quân dự SEA Games 28

Tối 19/5, đoàn thể thao Việt Nam đã tổ chức lễ xuất quân dự SEA Games 28. Tham dự Đại hội lần này, đoàn Việt Nam có 570 thành viên trong đó có có 392 VĐV và 178 HLV, chuyên gia do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm trưởng đoàn.

Đoàn Việt Nam sẽ thi đấu 28/36 môn với mục tiêu giành từ 56 đến 70 HCV và xếp Top 3 Đại hội. Các bộ môn được giao trọng trách huy chương lớn là đội tuyển điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, pencak silat, đấu kiếm, wushu…

Hiện tại, Tổng cục TDTT đã huy động được số tiền gần 2 tỉ đồng từ các nhà tài trợ để thưởng nóng cho các VĐV giành HCV. Theo đó, mỗi chiếc HCV tại Đại hội lần này có thể được thưởng tới hơn 100 triệu đồng.

K.Vy

Minh Thùy
.
.
.