Người thường thôi, "người hùng" sợ lắm!

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:02
Hôm qua, nghe một tờ báo dẫn lời một nhân vật trong Hội cổ động viên Việt Nam cho biết "sẽ đón U.23 trở về như những người hùng" mà sợ quá. Chẳng biết chữ "người hùng" đã được hội CĐV nghĩ tới hay là sản phẩm của báo giới?
Theo bạn, người hùng là người như thế nào? Đấy chắc hẳn phải là một người phi thường, người làm được những việc mà số đông không làm được. Nếu đấy không phải là những việc cỡ "đội đá vá trời" thì cũng phải là những việc tày đình vang danh thiên hạ. Vậy thì U.23 Việt Nam đứng thứ hai bảng I để lọt vào VCK giải U.23 châu Á năm tới có phải là thành tích cỡ "người hùng" hay không? Xin được trả lời ngay là không.

Xem lại toàn bộ hành trình của U.23 Việt Nam tại giải này không thể không thừa nhận sự tiến bộ trông thấy của thầy trò ông Miura. Đầu tiên là những tiến bộ về thể lực, khi cái cảm giác cầu thủ Việt Nam có thể chạy tốt khoảng 8 - 10km trong một trận đấu là cảm giác có thật, khác hẳn với cái kết luận "cầu thủ V.League chỉ chạy trung bình 5,6km" mà cựu trưởng BTC V.League, đồng hương của ông Miura là ông Koji Tanaka tổng kết hồi nào.

Tiếp nữa là những điểm sáng về lối chơi và tính mục đích của từng lối chơi khi chúng ta "chơi" 4-4-2 khá cân bằng giữa công và thủ với chủ nhà Malaysia, rồi lại chơi 5-4-1 nghiêng hẳn về phòng ngự với kèo trên Nhật Bản trước khi vung kiếm chơi tất tay 3-4-3 với kẻ yếu đuối Macau.

Công Phượng và ĐT U.23 đã có một giải đấu thành công. Ảnh: H.M.

Và kết quả chúng ta nhận lại là gì: Chiến thắng 2-1 trước một Malaysia không quá mạnh, thua 0-2 trước một Nhật Bản mà sau khi ăn được một bàn đã chủ động chùng xuống đá đúng theo kiểu "nếu tiện thì ăn thêm, không thì giữ nguyên tỷ số", và dội một cơn mưa gôn vào lưới Macau với rất nhiều cầu thủ mang gương mặt sinh viên. Nói một cách khách quan thì chúng ta đã thành công với mục tiêu đã định của mình, nhưng nếu đẩy sự thành công ấy lên mức chiến công, và coi các cầu thủ như những người hùng thì bất ổn.

Có một chi tiết vẫn phải nhắc đi nhắc lại, đó là sau mỗi trận đấu, HLV trưởng Miura luôn bị báo giới đề nghị đánh giá về Công Phượng - một trong những cầu thủ để lại nhiều dấu ấn nhất trong ĐT đợt này, và ông thầy Nhật Bản không giấu được sự bực tức của mình khi ấy. Ông hỏi lại báo giới: "Tại sao các anh cứ hỏi tôi về Công Phượng mãi thế? Đội bóng của chúng tôi có 11 người, chứ không chỉ có một mình Công Phượng".

Còn với ông bầu Đoàn Nguyên Đức - một người cha nghề nghiệp, người cha tinh thần của Phượng thì những nhận định về Công Phượng lại đi theo hướng: "Cậu ấy chơi chưa tốt như tôi nghĩ. Mà theo tôi, Tuấn Anh, chứ không phải Công Phượng mới là cầu thủ giàu triển vọng". Không khó "ngửi" thấy ông Đức cũng đang tìm cách giảm tải sức ép cho cầu thủ của mình.

Sau một trận đấu hoặc một giải đấu thành công, một cầu thủ cũng như một đội bóng sẽ gặp phải rất nhiều áp lực nếu cứ bị dư luận ca ngợi, đề cao quá đà. Và thực tế bóng đá Việt Nam cho thấy có rất nhiều tài năng đã phải gặp khó, rồi cuối cùng gãy đổ với sự đề cao quá đà như vậy. Thế nên với ĐT U.23 sau vòng loại giải U.23 châu Á vừa rồi, hãy dành cho họ một lời khen, một lời vỗ tay, chứ tuyệt đối đừng vội gán cho họ cái mác người hùng hoặc bất cứ mĩ từ tương tự.

Lúc này, nghe hai chữ "người hùng" mà cứ run run!

Trở lại vòng quay V.League

Chiều qua, các thành viên ĐT U.23 Việt Nam đã trở lại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), kết thúc thành công chiến dịch vòng loại giải U.23 châu Á. Nhóm cầu thủ phía Nam về ngay các CLB, còn nhóm cầu thủ phía Bắc bay tiếp ra sân bay Nội Bài trước khi trở về CLB. Ngày 12 tháng 4 tới vòng 9 V.League 2015 sẽ tiếp diễn nên lúc này các HLV của các CLB sở tại đòi hỏi các tuyển thủ phải trở lại nhịp đập CLB thật nhanh.

Trả lời báo chí, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không giấu được sự hài lòng về màn trình diễn của ĐT, và cho biết, với lứa cầu thủ này, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng ở sân chơi SEA Games 28 diễn ra vào tháng 6 tới đây. (Ngọc Anh)

Phan Đăng
.
.
.