Calisto và Miura:

Khác nhau một trời, một vực

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:05
Đấy là hai thầy ngoại gần nhất với bóng đá Việt Nam. Người thứ nhất từng đưa ĐTVN vô địch AFF Suzuki Cup 2008, còn người thứ hai bước đầu đang tạo ấn tượng lớn với một tác phong huấn luyện hiện đại, bài bản. Nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy, hai con người này điển hình cho hai mô típ hoàn toàn khác biệt.

Thời Calisto, trong lòng ĐT gần như không tồn tại "lệnh giới nghiêm".

Ông "Tô" công khai cho biết mình không quan tâm đến chuyện các cầu thủ ăn gì, uống gì, chơi gì và trở về đại bản doanh lúc nào, vấn đề là khi ở trên sân tất cả đều phải đủ thể lực để nuốt trọn các bài tập nặng.

Thoạt đầu, khi chưa quen kiểu quản quân vừa mềm vừa chặt này, nhiều tuyển thủ có biểu hiện sinh hoạt thái quá, nhưng sau này, khi ai cũng sợ thầy "Tô" nổi cáu trên sân tập thì tự thân họ đều biết phải sinh hoạt sao cho phù hợp.

Nhưng đến thời Miura thì lệnh giới nghiêm được ban bố rõ ràng (22h) và những quân lệnh khác như không được hút thuốc, không được đi xe máy (đề phòng tai nạn) trước khi bước vào sân chơi chính thức đã liên tiếp được đưa ra.

Ông Miura có một thời gian dài tu nghiệp bóng đá tại Đức, nên không khó thấy phong cách quản quân của ông chịu ảnh hưởng bởi tính kỷ luật điển hình của bóng đá Đức.

Khác nhau trong nghệ thuật quản quân, hai ông thầy Calisto - Miura còn khác nhau một trời một vực trong phương pháp tập luyện và triết lý tổ chức đội bóng.

Vẫn là cái đích nâng nền thể lực, trong khi ông "Tô" thường chia đôi đội hình đá đối kháng, kết hợp tập thể lực với tập cùng bóng thì ông Miura lại chia ra những giai đoạn và những bài vở tập luyện rất rõ ràng.

Ông Miura đang thị phạm cầu thủ. Ảnh: H.M.

Chẳng hạn như trong tuần đầu hội quân ĐT Olymic vừa qua, ông Miura chủ yếu "ép" các cầu thủ tập chạy, tập di chuyển không bóng, rồi sau đó mới dần dần tập những mảng miếng chiến thuật cùng bóng.

Về lối chơi, Calisto yêu thích đặc biệt sơ đồ 4-2-3-1 với những miếng phối hợp nhỏ, nhuyễn theo đúng phong cách Latin.

Và những người kế nhiệm ông "Tô" ở ĐTQG như những ông thầy nội Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc cũng đều áp dụng triệt để tư tưởng chơi bóng này.

Song đến thời Miura thì cái hệ thống 4-2-3-1 lập tức được thay thế bằng 4-4-2, và trong triết lý vận hành chiến thuật của mình, Miura đòi hỏi tất cả các học trò hạn chế tối đa rê dắt, biểu diễn kĩ thuật cá nhân, mà phải đá bóng ít chạm, theo đúng tư tưởng càng tấn công nhanh càng tốt.

Từ góc độ con người đến góc độ bóng đá, dễ có cảm giác trong khi Calisto rất "phủi", rất "bụi" và rất biết điều chỉnh phương pháp của mình để phù hợp với văn hoá Việt Nam thì Miura lại là kiểu người khoa học, bài bản, và cảm giác như trong mọi chuyện, mọi vấn đề,  ông thầy Nhật Bản  đều đi theo tư tưởng cứ "đúng sách mà làm".

Điều giống nhau duy nhất giữa hai nhà cầm quân này có chăng nằm ở tần suất phát ngôn. Hình ảnh HLV Calisto hò hét đến cháy giọng trong các buổi tập và trong các trận thi đấu của ĐTVN đã trở thành một hình ảnh quen thuộc của giới mộ điệu bóng đá Việt Nam.

Còn với ông Miura, mới đây ông đã thừa nhận với báo giới việc mình đang bị đau họng cấp vì... hò hét, chỉ đạo quá nhiều.

Vẫn cần thêm nhiều thời gian và nhiều sự trải nghiệm để xem phương pháp Miura sẽ tiếp tục được thể hiện như thế nào, nhưng dự cảm ban đầu cho hay có vẻ ông đang làm mọi cách để ép các cầu thủ vào khuôn khổ và muốn họ phải luôn thi đấu đến cháy mình theo đúng tác phong chuyên nghiệp.

Trước đây, ông Miura cũng từng đốt cháy tâm lý cầu thủ bằng phương thức này, nhưng phương thức hiệu quả nhất mà ông từng đạt được lại là việc kể lại những câu chuyện lịch sử để các cầu thủ biết "quá khứ vẻ vang của cha ông mình, từ đó không thể thi đấu hời hợt được" - chia sẻ của ông với chúng tôi.

Khi Calisto tại vị, và giúp ĐT Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup 2008 thì nhiều người bảo chúng ta không thể tìm được một thầy ngoại phù hợp với bóng đá Việt Nam hơn ông.

Còn bây giờ, khi thầy Nhật Miura cũng bước đầu tạo ấn tượng bởi cách làm việc khoa học, lớp lang của mình thì nhiều người cũng đánh giá sự xuất hiện của ông có vẻ cần thiết cho bóng đá Việt Nam. 

Chờ xem hai ông thầy với hai hình ảnh và hai phương pháp huấn luyện khác nhau rồi có tạo ra những cái đỉnh giống nhau?

Một sự tích luỹ khủng khiếp

So với những cựu thầy như Riedl, Calisto trước đây, HLV trưởng ĐT Việt Nam Toshiya Miura hiện tại trẻ hơn khá nhiều (trên 50 tuổi).

Nhưng cái chính là người đàn ông 50 này đã có một quá trình tĩnh luỹ thể lực đáng nể, mà bằng chứng là trong các buổi tập thể lực của ĐT, nhiều lần ông đã xỏ giày chạy cùng toàn đội, thay vì khoanh tay đứng nhìn.

Nghịch lý là trong những lần chạy như vậy ông Miura thường về ở vị trí số 1, trong khi nhiều cầu thủ 22, 23 tuổi lại kêu... mệt bởi hơi tai.

Chắc chắn các cầu thủ Việt Nam phải nhìn vào tư tưởng bóng đá chuyên nghiệp của Miura để tự rút ra những bài học quý cho mình.

Diệp Xưa
.
.
.