Đội tuyển nữ Việt Nam - những khoảnh khắc vàng!

Chủ Nhật, 23/10/2011, 11:26
Xúc động khi Kiều Trinh đẩy được quả đá của Suphaphon Kaeobaen và Nisa Romyen ở lượt đá luân lưu khiến tôi chợt nhớ ra và thốt lên: "2 chân của Kiều Trinh đều đã bị đứt…" và sau đó 2 giây mới tiếp tục "…đứt cả dây chằng đầu gối. Nhưng cô vẫn đứng đó và giúp khung thành của Đội tuyển Việt Nam đứng vững".

LTS: Những ngày tháng 10 này, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang thi đấu giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup 2011 tại Lào. Không còn sự sôi động như hồi đăng cai SEA Games cách đây 2 năm, nhưng không khí tại Vientiane lúc này có thể khiến nhiều người hoài niệm về những "khoảnh khắc vàng" khó quên của bóng đá nữ tại SEA Games 25. Một trong những người như vậy là BTV Tiểu Huyền của Đài Truyền hình VTV 3 - người đã theo sát diễn biến của bóng đá nữ Việt Nam cả chục năm nay, cũng là người đã tường thuật trực tiếp trận chung kết lịch sử, đưa ĐT nữ Việt Nam lên ngôi vàng. Tiểu Huyền gửi tới Báo CAND một bài viết đầy cảm xúc của mình về ĐT nữ Việt Nam, đặc biệt là về cô thủ môn Kiều Trinh dũng cảm - xin giới thiệu cùng bạn đọc.  

1. Thủ đô Vientiane của nước bạn Lào là nơi Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã lên ngôi vô địch sau những loạt đá luân lưu 11m cân não với đối thủ Thái Lan trong trận chung kết. Hẳn là nhiều người vẫn chưa thể quên thời điểm các tuyển thủ của chúng ta thực hiện thành công cả ba quả đá 11m, để rồi sau đó ùa ra sân chia vui với người hâm mộ lặn lội từ Việt Nam sang trong bầu không khí đỏ rực ngay tại SVĐ.

Khi đó, người ta đâu có nghĩ về những khoản tiền thưởng lớn được hứa hẹn hay những tấm huy chương, tất cả đều cùng giơ cao ảnh Bác Hồ, hát vang bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", và cùng giơ cao chiếc Cúp vô địch làm bằng giấy thủ công mà người hâm mộ đã trao tặng -  phần thưởng đó mới thật là cao quý!

Riêng với tôi, người đã trải nghiệm trực tiếp khoảnh khắc đó khi bình luận trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, giây phút đó thật là xúc động. Tôi nhớ là từ tín hiệu ở cầu Vientiane truyền về, anh Khắc Cường đã đọc một câu thơ đầy cảm xúc: "Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ". Đó có thể cũng là cảm xúc của nhiều người khi nghĩ về chiến thắng của đội tuyển nữ, và nó lại càng trở nên đối lập với thất bại của Đội tuyển U23 Việt Nam năm đó. Một chiến thắng của lòng quả cảm và sự cống hiến, còn một  chiến bại của những người đã cầm vàng rồi lại để vàng rơi.

2. Chiến thắng lớn lao của Đội tuyển bóng đá nữ là công sức của cả một tập thể, một thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam. Nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh của "lão bà" Kim Chi dù phải băng đầu chảy máu vẫn xung phong thi đấu trong trận đấu với Myanmar ở vòng đấu bảng, rồi hình ảnh của những Mai Lan, Đào Thị Miện và thế hệ sau đó với những Văn Thị Thanh, Kim Hồng, Lê Thị Thương, Kim Tiến -  những người đã khiến tôi nể phục nhất khi bình luận trực tiếp các trận đấu của SEA Games 25.

Kiều Trinh với khoảnh khắc chiến thắng trong trận chung kết lịch sử trên đất Lào.

Và dĩ nhiên nói về những cái tên oanh liệt ấy không thể không nói đến hình ảnh của thủ môn Kiều Trinh trong trận chung kết cân não với Thái Lan. Sau 90 phút thi đấu chính thức và thời gian đá hiệp phụ hòa không bàn thắng, hai đội bước vào lượt đá luân lưu 11m. Sự kịch tính và hồi hộp của trận đấu được đẩy lên qua từng lượt đá, khi lần lượt Kim Hồng, Văn Thị Thanh và Kim Tiến thực hiện thành công những cú đá của mình, còn cả 3 lượt đá của Đội tuyển Thái Lan đều không vào, một phần vì không may mắn và một vì thủ môn Kiều Trinh của chúng ta quá xuất sắc.

Xúc động khi Kiều Trinh đẩy được quả đá của Suphaphon Kaeobaen và Nisa Romyen ở lượt đá luân lưu khiến tôi chợt nhớ ra và thốt lên: "2 chân của Kiều Trinh đều đã bị đứt…" và sau đó 2 giây mới tiếp tục "…đứt cả dây chằng đầu gối. Nhưng cô vẫn đứng đó và giúp khung thành của Đội tuyển Việt Nam đứng vững". Vâng, hình ảnh của một thủ môn Kiều Trinh xuất sắc mà tôi đã từng thấy từ sau khi kế thừa chiếc găng ở đội tuyển của đàn chị Kim Hồng đã tỏa sáng rực rỡ như thế tại Vientiane.

Kiều Trinh với khoảnh khắc chiến thắng trong trận chung kết lịch sử trên đất Lào.

Ở Việt Nam ngày trước, nhiều người biết đến bộ phim "Cô thủ môn tội nghiệp" với nhân vật chính là một cô thủ môn "bất đắc dĩ" có tài chụp dưa và bắt bóng. Không lâu sau đó, bóng đá nữ Việt Nam bắt đầu hội nhập với khu vực vào năm 1997. Từ màn ảnh ra cuộc đời, kể từ khi bóng đá nữ bắt đầu phát triển ở nước ta, vẫn luôn có những cô thủ môn xuất sắc như thế. Cho dù là công cuộc mưu sinh còn nhiều vất vả vì sự đãi ngộ của xã hội với bóng đá nữ còn thua xa các đồng nghiệp nam thì những cống hiến của họ - những Kim Hồng thuở trước và Kiều Trinh bây giờ đều khiến nhiều người người nể phục.

Riêng với Kiều Trinh, liệu có ai biết rằng kể từ sau khi bị chấn thương tại giải vô địch Đông Nam Á năm 2006 rồi sau đó là SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan, suốt gần 6 năm nay, Kiều Trinh vẫn đang thi đấu với hai đầu gối bị đứt dây chằng chéo? Nhìn hình ảnh Kiều Trinh cắn răng để các bác sĩ băng lại cái gối lỏng lẻo của mình để có thể tiếp tục thi đấu, tôi đã nhiều lần tự hỏi: Đó có phải là hình ảnh điển hình cho sự quật cường truyền thống của người phụ nữ Việt Nam?

Mà kể cũng lạ, suốt nhiều năm qua Kiều Trinh luôn là thủ môn số 1 của đội tuyển quốc gia, được sự thừa nhận của các đối thủ ở khắp các đấu trường khu vực và châu lục, nhưng cũng phải tới giải Vô địch quốc gia năm 2011, cô thủ môn người Đồng Tháp mới được bình chọn là người xuất sắc nhất trong khung thành. Với Kiều Trinh đó có thể là một niềm vui nhỏ, nhưng với ai đã được chứng kiến nỗ lực vượt khó, để đứng vững như ngày nay của Trinh thì đó lại là một chiến tích cực kỳ lớn lao.

3. Mới đây, ở vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2011 tại Đức hồi tháng 7, cô thủ môn Hope Solo của Mỹ đã để lại dấu ấn lớn trong màu áo của đội tuyển xứ cờ hoa. Đến với World Cup khi mang trong mình những chiếc đinh ở vai, Hope Solo vẫn tả xung hữu đột trong khung thành đội Mỹ với vô số những pha cứu thua trước các chân sút Brazil, Pháp và Nhật Bản.

Dù Đội tuyển Mỹ không đi tới chức vô địch, nhưng Hope Solo đã trở thành người hùng trong lòng nhiều người hâm mộ trên toàn thế giới, cùng sự tưởng thưởng là danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất. Trông người lại nghĩ đến ta, mong sao đến một ngày nào đó, Kiều Trinh cũng sẽ được thế giới biết đến, không phải là với tư cách một cô thủ môn "tội nghiệp", mà là một cô thủ môn dũng cảm! Có thể lắm chứ, vì Kiều Trinh đã bảo là sẽ chơi bóng đến ngoài 30, nếu còn sức...

Chúc cho Kiều Trinh và các đồng đội sẽ tiếp tục thi đấu thành công tại Vientiane - một địa điểm tràn đầy những kỷ niệm đẹp của bóng đá nữ Việt Nam, để từ bệ phóng AFF Cup, những thành công lớn hơn sẽ không còn xa nữa!.

"Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua"

SEA Games 26 chưa khởi tranh, nhưng "dự báo thời tiết" cho thấy sắp có "một cơn mưa tiền thưởng" cho U23 Việt Nam, nhưng với các tuyển thủ nữ đang thi đấu thành công tại AFF Cup bên Lào thì mọi thứ chỉ dừng lại ở cái nhiệm vụ thắng để tạo đà cho bóng đá nam thi đấu thành công tại SEA Games 26, và thành tích tại AFF Cup sẽ được báo cáo tại Đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vào cuối năm nay. Có sao đâu, dù sao đi nữa họ cũng đã quen với "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua" rồi.

Tái ngộ Thái Lan trên đất Lào?

Năm 2008, giải bóng đá nữ Vô địch Đông Nam Á - AFF Cup tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ĐT Việt Nam giành ngôi á quân do thua ĐT Australia trong trận chung kết. Năm nay, đội Australia không tham dự và đối thủ chính của đội tuyển Việt Nam vẫn là Thái Lan và Myanmar. Ngày 23 tháng 10, ĐT Việt Nam đá bán kết với Myanmar. Trận bán kết còn lại là cuộc đối đầu giữa chủ nhà Lào và Thái Lan. Nếu không có những bất ngờ quá lớn, nhiều khả năng ĐT nữ Việt Nam sẽ vào chung kết và tái ngộ Thái Lan trên đất Lào. Nếu vậy, đó sẽ tiếp tục là một trận chung kết đầy khôn lường, kịch tính.

"Đổi đời" tại SEA Games 25

SEA Games 25, tấm HCV mà ĐT bóng đá nữ Việt Nam giành được tưởng như sẽ trở thành động lực thi đấu cho các đồng nghiệp nam trong trận chung kết sau đó 1 ngày. Khi ấy, ĐT U23 Việt Nam đã được hứa thưởng rất nhiều với số tiền tỷ nếu vô địch. Nhưng rốt cuộc thì giấc mơ vàng SEA Games vẫn dang dở, và thế là PCT VFF Lê Hùng Dũng đã quyết định chuyển số tiền 200.000 USD dự định dành cho U23 Việt Nam về đội nữ để… bõ tức! Cũng vì thế mà lần đầu tiên, bóng đá nữ "đổi đời", được thưởng cao hơn các đồng nghiệp nam.

Tiểu Huyền (Biên tập viên VTV3)
.
.
.