Cái gì cũng có phạm vi của nó

Thứ Hai, 14/07/2014, 18:16
Đừng nên nhìn vào một trận thất bại ở chung kết hay bán kết World Cup để quy kết một đội tuyển vội vã.

L.Trung: Anh Minh, hôm nay tôi muốn "chất vấn" anh về hình ảnh Hà Lan. Nếu không có một trận bán kết hơi dở thì mọi thứ với họ đã rất hoàn hảo rồi?

NS. Hà Quang Minh: Tôi không cho rằng họ chơi dở ở bán kết. Họ chơi bán kết cũng hay nhưng Argentina đã chơi hay hơn. Với tôi, năm nay Hà Lan để lại một hình ảnh đẹp, đặc biệt là thế hệ tương lai. Ở EURO 2016 và World Cup 2018, họ sẽ đáng gờm lắm đấy.

L.Trung: Liệu có phiến diện quá không khi dù sao họ cũng chỉ đứng thứ ba, chỉ thắng một đội bóng đã tê liệt như Brazil? Hơn nữa, trong chặng đường trước đó, Hà Lan luôn thể hiện 2 mặt trong 1 trận đấu: Có điểm nhấn, có đường nét, nhưng luôn phải khổ sở đến kiệt quệ?

NS. Hà Quang Minh: Chẳng có chiến thắng nào là dễ dàng cả. Argentina cũng chẳng nhàn nhã trước các đối thủ của mình. Trong khi đó, Hà Lan đã có những trận chơi xuất thần, như trước ĐKVĐ Tây Ban Nha. Họ là tác nhân chính khiến Tây Ban Nha bị loại.

Vả lại, World Cup là một cuộc cạnh tranh tính từng trận. Chức vô địch cũng được quyết định trong hơn 120 phút là cùng và nhà vô địch chưa chắc là đội có đủ năng lực để thắng tất cả các đội còn lại. Thế nên, suất chung kết, hạng ba hay hạng hai, kể cả là vô địch đi, cũng chỉ là một thứ hạng tương đối. Nó đánh giá kết quả của thời điểm thôi, chứ không đánh giá được kết quả của quá trình.

L.Trung: Điều đó có nghĩa, ở góc nhìn cá nhân, anh đánh giá và đổ đồng giá trị trận chung kết với giá trị của Hà Lan? Quá trình của Hà Lan là quá trình nào ạ, khi Van Gaal chỉ có 2 năm cầm quyền?

NS. Hà Quang Minh: Quá trình ở đây là quá trình của một liên đoàn bóng đá xây dựng những giá trị mới của mình. Van Gaal chỉ là người làm thuê, và ông ta phải phục vụ quá trình ấy. Đó là trẻ hóa, với những gương mặt như Blind, Depay... Tôi không đánh đồng giá trị nào hết. Với tôi, chức vô địch của những giải đấu chơi tập trung trong 1 tháng như này chỉ là khái niệm vô địch tương đối. Người vô địch không hẳn là người mạnh nhất mà chỉ là người giải quyết tốt nhất 7 trận của giải đấu ấy thôi.

Và Hà Lan, dù không vô địch nhưng họ vẫn thể hiện mình là kẻ có khả năng lớn để vô địch. Một đội bóng thể hiện cái khả năng có thể vô địch trong 2 kỳ World Cup liên tiếp chắc chắn không phải là một đội bóng vớ vẩn.

L.Trung: ĐT Đức đã từng qua 2 kì World Cup liên tiếp có thể vô địch, nhưng vẫn thua (2006, 2010) và vẫn tự coi đó là thất bại. Anh nên nhớ trong lịch sử, Hà Lan từng 5 lần vào bán kết và toàn thua. Như thế, Hà Lan chỉ có thể là một đội bóng mạnh, chứ chưa hẳn là một đội bóng có tiềm lực thực sự.

NS. Hà Quang Minh: Khi chức vô địch cũng chỉ được coi là tương đối thì thất bại tất nhiên cũng chỉ là tương đối. Sau 2 kỳ World Cup liên tiếp, Đức không lên ngôi vô địch, nhiều người nói đó là đội bóng THẤT BẠI TẠI WORLD CUP nhưng vẫn thừa nhận họ là đội bóng THÀNH CÔNG trong cách xây dựng, duy trì và tạo giá trị riêng. Hà Lan chưa một lần vô địch World Cup nhưng họ vẫn được coi là một nền bóng đá thành công, với một đội tuyển đáng kính nể.

Đừng nên nhìn vào một trận thất bại ở chung kết hay bán kết World Cup để quy kết một đội tuyển vội vã.

L.Trung: Đó không quy kết, mà là kết luận rõ ràng nhất cho một quá trình như anh nói. Bởi nếu như xét trên "thuyết tương đối" của anh, Brazil cũng thành công đấy chứ. Họ vào bán kết, chỉ thiếu may mắn và mất tập trung nên mới thủng lưới nhiều đến thế.

Còn chuyện Hà Lan là đội bóng đáng nể thì tôi chưa bao giờ phủ nhận, thậm chí đánh giá cao những gì họ thể hiện. Nhưng để nói rằng, họ đang có sự chuẩn bị tốt cho tương lai, đã tạo ra một nền tảng vững chắc với chiến lược dài hơi thì tôi không tin lắm.

NS. Hà Quang Minh: Tôi không muốn bàn về Brazil nữa. Tôi muốn nói "Cái gì thuộc về thời điểm thì đánh giá trên thời điểm. Cái gì thuộc về quá trình thì đánh giá trên quá trình. Viết một bài báo hay không đủ để nói ta là nhà báo giỏi. Một nhà báo giỏi không hẳn là người năm nào cũng phải đoạt giải Pulitzer". Cái gì cũng có phạm vi của nó!

HQM (ghi)
.
.
.