‘Huyền thoại’ bắn súng và kỉ lục 500 huy chương vàng

Thứ Bảy, 29/08/2015, 13:41
Người ta gọi anh là “huyền thoại” quả không ngoa. Với hơn 500 HCV các loại, trong đó có 18 HCV SEA Games, anh trở thành người giữ kỉ lục về số lượng HCV SEA Games của làng thể thao Việt Nam. Sau 18 năm thi đấu chuyên nghiệp, anh quyết định lui về làm công tác huấn luyện. Anh là Thượng tá Nguyễn Mạnh Tường - HLV trưởng kiêm Trưởng bộ môn bắn súng CAND.

Mỗi năm giành 30 HCV và sự khổ luyện

Sinh năm 1960 tại Như Hoà (Kim Sơn – Ninh Bình) trong một gia đình thuần nông, con đường đến với nghiệp thể thao với anh cũng thật tình cờ. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan An ninh B, anh về công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Tại đây, tài năng bắn súng của Nguyễn Mạnh Tường đã được phát hiện và bồi dưỡng.

Giải đấu đầu tiên anh tham dự là giải đấu toàn lực lượng (năm 1980) tại trường bắn Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ở giải này, anh giành HCĐ nội dung súng ngắn thể thao 25m. Năm sau, cũng ở giải đấu toàn lực lượng, anh giành chiếc HCV đầu tiên. Thế nhưng, phải tới 13 năm sau, anh mới được triệu tập lên đội tuyển bắn súng quốc gia với vai trò là VĐV kiêm HLV. Khi đó, anh đã 34 tuổi – cái tuổi được coi là “già” đối với một VĐV thành tích cao. 

Xuất phát muộn nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh đã chứng tỏ được vị trí xạ thủ số 1 Việt Nam. SEA Games 19 đánh dấu lần đầu tiên anh tham dự đấu trường lớn nhất khu vực, cũng là đại diện duy nhất của thể thao CAND ở môn bắn súng. Ở giải này, anh đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 2 HCV, 1 HCĐ ở các nội dung súng ngắn hơi, súng ngắn bắn chậm tự do 50m và súng ngắn ổ quay. Kể từ đó cho đến SEA Games 25 (2009), anh liên tục tham gia thi đấu, giành tổng cộng 18 HCV, trở thành người giữ kỉ lục về số lượng HCV qua các kì SEA Games.

Trải qua 7 kì SEA Games liên tiếp, anh bảo, anh hài lòng nhất là SEA Games 22 (2003) tổ chức tại Việt Nam. Tại kì Đại hội này, anh giành tổng cộng 5 HCV các nội dung súng ngắn tự do 50m, súng ngắn tiêu chuẩn, súng ngắn ổ quay, súng ngắn hơi. Với thành tích này, anh cũng trở thành người giữ kỉ lục về số lượng HCV giành được trong một kì SEA Games. Kỉ lục này kéo dài suốt 12 năm và chỉ bị phá vỡ bởi kình ngư trẻ 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên khi VĐV này giành được 8 HCV tại SEA Games 28 vừa qua.

Trải qua nhiều vinh quang, song cuộc đời thi đấu của anh cũng có những kỉ niệm buồn. Kì SEA Games khiến anh “đau” nhất cũng chính là kì SEA Games cuối cùng anh tham dự - SEA Games 25. Đau vì anh đã trượt mất HCV trong tầm tay.

“Sau khi bắn xong loạt 40 viên, tôi vẫn đang hơn người đứng thứ 2 tới 9 điểm. Tới loạt bắn tiếp theo, bỗng dưng súng của tôi bị gãy lò xo của hộp tiếp đạn. Đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra nên tôi khá lúng túng. Theo quy định của Ban tổ chức, nếu VĐV bắn hỏng lần 1 thì được bắn lại. Nhưng nếu bắn hỏng lần 2 thì tất cả những loạt bắn sau đó sẽ không được tính điểm. Do bị ảnh hưởng tâm lí nên tôi đã bắn hỏng. Vậy là mất luôn HCV cá nhân, chỉ giành được HCB nội dung đồng đội. Ở kì SEA Games này, tôi đặt mục tiêu 4-5 HCV nhưng rút cuộc chỉ giành được 3 HCV” – xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ.

Sau giải đấu này, anh nói lời chia tay SEA Games để tập trung vào công tác huấn luyện. Tuy nhiên, anh chỉ thực sự chấm dứt sự nghiệp thi đấu sau giải vô địch châu Á (2012) tổ chức tại Qatar. Tại giải này, anh giành 1 HCB, 1 HCĐ. Với thành tích này, anh cũng trở thành VĐV Việt Nam cao tuổi nhất giành huy chương ở đấu trường châu lục.

Cho đến nay, Nguyễn Mạnh Tường cũng là số ít gương mặt VĐV Việt Nam có đến 2 lần liên tiếp dự Thế vận hội Olympic các năm 2004 tại Athens (Hy Lạp) và 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Khi Liên đoàn bắn súng quốc tế quyết định trao suất đặc cách dự Olympic thì cái tên Nguyễn Mạnh Tường đã được lựa chọn. Qua 18 năm thi đấu chuyên nghiệp, anh đã giành tổng cộng hơn 500 HCV, trong đó nổi bật là HCV tại Đại hội thể thao Á – Phi tổ chức tại Ấn Độ (2003), HCĐ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) tổ chức tại Hàn Quốc (2002), HCĐ ASIAD 2006 tại Qatar, xếp hạng 6 tại Cúp bắn súng thế giới tại Hàn Quốc (2009)…

Với những đóng góp cho thể thao Việt Nam, anh đã 2 lần được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (2001 và 2003), 6 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 17 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, 3 lần được bình chọn là 1 trong 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc… Ấy vậy mà anh không muốn nói nhiều về thành công của mình. Anh bảo, VĐV nào khi bước vào thi đấu cũng đều cố gắng hết sức mình. Thế nhưng, để đoạt HCV thì ngoài chuyên môn còn cần đến yếu tố may mắn. “Tuần trước rảnh rỗi, tôi đem 3 thùng huy chương ra đếm, quả thực rất nhiều, riêng HCV đã trên 500 chiếc. Tính ra mỗi năm, tôi giành trung bình 30 HCV. Với tôi, chúng bây giờ là kỉ niệm” – anh chia sẻ.

Chuyến du đấu một mình

Là VĐV chuyên nghiệp, đã từng tham gia nhiều giải đấu quốc tế quan trọng nhưng với xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường, kỉ niệm sâu sắc nhất là lần tham dự Đại hội thể thao Á – Phi tổ chức tại Ấn Độ (2003). 

Khi đó, do thiếu kinh phí nên anh phải đi một mình, trong khi các đoàn khác đều có cả ekip đi theo hỗ trợ VĐV. Anh lên đường với 1 túi xách và 1 vali đựng súng. Để đến được địa điểm thi đấu, anh phải di chuyển 3 chặng bay. Dù đã có kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhưng cảm giác đơn độc khiến anh có chút lo lắng. 

“Tôi phải tự lo mọi thứ trong suốt một tuần, từ ăn ở, đi lại, thi đấu… Nhưng đáng ngại nhất là ngôn ngữ, trình độ tiếng Anh của tôi không đủ để hiểu những vấn đề chuyên môn trong thi đấu. Vậy là tôi lại phải tự mày mò, trong khi các VĐV khác đều có phiên dịch. Trong suốt tuần đó, tôi chỉ mong được gặp người Việt, được nói tiếng Việt. Nhưng phải đến khi về nước, chuyển chặng tại Singapore, tôi mới gặp được mấy vị khách Việt. Lúc ấy, tôi mừng lắm” – anh kể lại. 

Một mình du đấu trên đất khách nhưng anh đã giành được chiếc HCV duy nhất ở nội dung súng ngắn. Với anh, đó là chiếc HCV quý giá nhất.

Dù là xạ thủ số 1 Việt Nam, tuy nhiên việc thiếu cơ hội tham gia cọ xát quốc tế đã khiến anh không ít lần bị “choáng” khi bước ra những đấu trường lớn của thế giới. Tại Olympic Athens 2004, anh chỉ đạt 568 điểm, xếp thứ 41/47 VĐV tham dự nội dung 10m súng ngắn hơi. Thành tích này kém xa thành tích anh giành được tại các giải đấu trong nước và khu vực. 

Lí giải về điều này, anh nói: “Thành tích thi thử ngày trước đó của tôi rất tốt. Điều này khiến tôi tự tin rất nhiều. Thế nhưng, không hiểu sao khi bước vào thi thật, tôi lại cảm thấy căng thẳng. Chính áp lực tâm lí đã khiến tôi thi đấu không đạt được phong độ như mong muốn”. Câu chuyện VĐV bị choáng ngợp tại các giải đấu lớn cũng đang là thực tế của thể thao Việt Nam do thiếu cơ hội cọ xát.

Người thầy tận tụy

Giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 52, anh lui về làm công tác huấn luyện cho đội tuyển bắn súng CAND. Không còn Nguyễn Mạnh Tường trong vai trò VĐV thi đấu, đội tuyển bắn súng quốc gia mất đi trụ cột lớn nhất. Suốt thời gian dài, “bộ tứ huyền thoại” gồm các xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Cao Sơn, Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường đã tạo nên đỉnh cao cho bắn súng Việt Nam. 

Quyết định giải nghệ đối với Nguyễn Mạnh Tường không phải vì phong độ sụt giảm mà đơn giản chỉ vì anh cảm thấy đã đến lúc phải nhường lại cơ hội cho lớp trẻ. Hàng ngày, anh vẫn cặm cụi đi về giữa trường bắn khu vực hồ Tây và Trung tâm thể thao CAND.  

Dưới sự hướng dẫn của anh, nhiều học trò đã trở thành những xạ thủ nòng cốt của đội tuyển bắn súng quốc gia, tham dự nhiều giải đấu lớn trong và ngoài nước. Một trong những học trò xuất sắc nhất là xạ thủ Nguyễn Thu Vân. Tại các giải vô địch quốc gia, Vân đã giành được khoảng 30 HCV. Riêng đấu trường SEA Games, xạ thủ này cũng có tới 4 HCV.

Hiện tại, đội tuyển bắn súng CAND do anh làm HLV trưởng đang có khoảng 50 VĐV tham gia tập luyện thường xuyên. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, thành tích của đội tuyển có dấu hiệu sụt giảm. Theo anh, thực trạng này là do “thiếu nhân tài” bởi lẽ các VĐV thể thao thành tích cao vẫn chưa được trọng dụng, môn bắn súng lại chưa được đầu tư xã hội hoá. Vì thế, việc tuyển chọn, đào tạo VĐV gặp nhiều khó khăn. 

“Bắn súng là môn đòi hỏi VĐV phải có tố chất, luôn có trạng thái thần kinh vững vàng, bản lĩnh thép và sự khéo léo trong xử lí từng thao tác sao cho chính xác nhất. Trong khi đó, VĐV phải mất thời gian đào tạo từ 4-5 năm mới có thể tham gia thi đấu quốc tế. Điều này khiến cho rất ít VĐV có đủ kiên nhẫn và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp” – anh chia sẻ. 

Sau khi Phạm Cao Sơn và Nguyễn Mạnh Tường cùng giải nghệ, bắn súng Việt Nam chỉ còn trông chờ vào cặp đôi Hoàng Xuân Vinh – Trần Quốc Cường tỏa sáng ở các đấu trường quốc tế. Một vài VĐV trẻ khác cũng nổi lên như thế hệ kế cận nhiều tiềm năng, tuy nhiên phong độ thi đấu lại không ổn định. Có lẽ phải rất lâu nữa, bắn súng Việt Nam mới lại có thể tìm ra nhân vật có thể thay thế cái tên Nguyễn Mạnh Tường.
Khánh Vy
.
.
.