Bóng chuyền Việt Nam làm mới với thầy ngoại

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:49
Tháng 6 tới, các giải đấu quốc nội của bóng chuyền Việt Nam sẽ trở lại. Đây là cơ hội tốt để tuyển quân cho hành trình thi đấu của các đội tuyển quốc gia tại SEA Games 31 sẽ diễn ra vào năm 2021 tại Việt Nam. Để hoàn thành mục tiêu là ít nhất giành HCB tại đấu trường này, kế hoạch thuê HLV ngoại cho cả đội tuyển nam, nữ đang được Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ráo riết thực hiện.

Tạm yên tâm với nữ, lo lắng cho nam

Bóng chuyền Việt Nam chưa bao giờ vươn tới ngôi vô địch ở đấu trường SEA Games luôn là câu chuyện đáng chú ý trong làng thể thao. Nếu bóng chuyền là môn thể thao ít được hâm mộ tại Việt Nam thì câu chuyện đã theo hướng khác. Đằng này, bóng chuyền lại trong nhóm môn được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Thế nên trước mỗi kỳ SEA Games lại dấy lên những hy vọng, dù là mong manh, rằng bóng chuyền Việt Nam có thể lên ngôi vô địch ở nội dung nam hoặc nữ.

Gọi là “hy vọng mong manh” cũng bởi thực lực bóng chuyền nữ Việt Nam luôn thua kém đội bóng số 1 khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, trong khi đội nam cũng chỉ ở nhóm 2 cùng với những Indonesia hay Myanmar và thua Thái Lan một bậc. Cũng bởi vậy, từ nhiều kỳ SEA Games gần đây, người ta đã quá quen với việc đội bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ về Nhì. Trong khi đó, thành tích của đội nam không ổn định, liên tục trồi sụt.

Nếu lấy SEA Games 30 là thước đo để tính toán cho mục tiêu tại SEA Games 31 thì rõ ràng đang có sự lo ngại cho đội tuyển nam. Tại SEA Games 30, đội tuyển bóng chuyền nam thua cả 3 trận ở vòng bảng trước Indonesia, Philippines, Campuchia, sớm chia tay mục tiêu giành huy chương. Đáng chú ý nhất là thất bại trước Campuchia, điều chưa từng xảy ra tại các kỳ SEA Games trước đây.

Thất bại này càng trở nên đáng bàn khi trước kỳ SEA Games này, vị trí HLV trưởng đội tuyển đã được trao vào tay HLV Thái Quang Lai. Công cuộc trẻ hóa đội tuyển của vị HLV này từng gây tranh cãi trong giới chuyên môn, cuối cùng lại không như ý.

Còn đội tuyển nữ lại giành HCB ở SEA Games 30 sau một kỳ SEA Games (năm 2017) không giành được vị trí á quân quen thuộc. Tuy nhiên, đấy lại là tấm HCB đầy bất ngờ chứ không thuộc diện “chắc chắn” như những lần giành HCB trước đó tại SEA Games. Khả năng lặp lại thành tích này tại SEA Games 31 vẫn là câu hỏi lớn.

Đội tuyển bóng chuyền nam hy vọng nâng tầm với HLV ngoại.

Tìm HLV ngoại để nâng tầm

Thực tế, chất lượng cầu thủ của bóng chuyền Việt Nam ở cả đội nam và đội nữ đều thuộc diện hàng đầu khu vực. Dù vậy, sự cạnh tranh trong làng bóng chuyền khu vực khoảng 10 năm gần đây đã trở nên quyết liệt hơn. Đương nhiên, bóng chuyền Việt Nam không muốn dừng lại, cũng cần thay đổi để khẳng định vị thế, thậm chí mơ đến ngôi vô địch SEA Games dù đó chưa bao giờ là mục tiêu dễ chinh phục.

Để thực hiện mục tiêu ấy, từ lâu nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã tính đến phương án sử dụng HLV ngoại. Không phải Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không tính đến phương án sử dụng HLV nội cho đội tuyển nhưng rõ ràng, rất khó tìm được những HLV nội sẵn sàng đưa đội tuyển đến ngôi vô địch ở SEA Games.

Thậm chí, có lúc, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã sẵn sàng chi từ 60 triệu đồng – 80 triệu đồng tiền lương trong tháng cho HLV nội đáp ứng yêu cầu trên. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm không như mong muốn. Rõ nhất là ở đội nam khi thành tích thường xuyên trồi sụt dù có lúc từng sở hữu những tay đập hàng đầu Đông Nam Á, trong đó có Từ Thanh Thuận. Vì thế, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mới hướng đến các HLV ngoại để làm mới và nâng tầm các đội tuyển.

Sự thành công của HLV Park Hang-seo ở các đội tuyển bóng đá nam quốc gia càng thôi thúc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đi theo phương án sử dụng HLV ngoại để chinh phục những mục tiêu trước mắt, trong đó có SEA Games 31, và lâu dài.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Ðức Phấn nhận định, việc tìm được HLV ngoại có năng lực và trình độ cao sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam tiếp cận được trình độ của những nền bóng chuyền phát triển trên thế giới.  Còn Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường từng chia sẻ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã thống nhất sẽ thuê chuyên gia ngoại cho bóng chuyền Việt Nam.

Theo ông Lê Trí Trường, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã đề nghị Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, Liên đoàn Bóng chuyền thế giới hỗ trợ tìm HLV cho cả đội tuyển bóng chuyền nam và nữ quốc gia. Từ những hồ sơ ứng viên, Liên đoàn sẽ chọn  HLV phù hợp nhất cho các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia.

Dù vậy, chỉ tìm kiếm HLV ngoại cũng không thể thay đổi được ngay thành tích của các đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia. Bóng chuyền Việt Nam đã đưa ra nhiều thay đổi, từ việc chuẩn hóa hệ thống giải đấu, hoàn thiện quy chế chuyển nhượng, tạo điều kiện cho VĐV đi thi đấu nước ngoài nhằm nâng chất cầu thủ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

Sẽ cần đến nhiều cải cách hơn nữa từ chế độ tập luyện, thậm chí cho phép các CLB được sử dụng 1 VĐV nước ngoài ở các giải đấu quốc nội… Từ đó, sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển chuyên môn của cầu thủ, giúp HLV ngoại thực hiện nhiệm vụ nâng tầm các đội tuyển dễ dàng hơn.

Ông Trần Đức Phấn đã hy vọng, sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới sẽ cải thiện trình độ bóng chuyềnViệt Nam như đội tuyển bóng đá hay bóng rổ Việt Nam đã làm được trong hơn 1 năm qua. Hy vọng ấy là có cơ sở. Nhưng rõ ràng, muốn “có bột để gột nên hồ” thì vẫn cần đến một hệ thống giải quốc nội giàu tính cạnh tranh cùng đội ngũ cầu thủ giàu chất lượng. Có như vậy, bóng chuyền Việt Nam mới có thể hy vọng ít nhất cũng giành cả 2 tấm HCB nam, nữ tại SEA Games 31.

Chọn HLV Trung Quốc và Cuba?

Hiện tại, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đang ưu tiên chọn ứng viên người Trung Quốc cho đội tuyển nữ. Trong khi đó, ứng cử viên người Cuba đang là ưu tiên hàng đầu cho đội tuyển nam.

Việc này cũng nhằm cải thiện điểm yếu về thể lực của đội tuyển nam là thể lực. Việc cải thiện thể lực cho VĐV cũng được đánh giá là điểm mạnh của các HLV Cuba.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.