Bi kịch “Bò tót”? Không, bi kịch của loài người!
Với những người yêu ĐT Tây Ban Nha và cả những người ủng hộ quy luật các đội bóng mạnh phải tiến xa nhất tại lễ hội bóng đá 4 năm mới có 1 lần như World Cup, việc nhà quán quân thế giới 2010 bị loại chỉ sau 2 trận tại giải đấu đang diễn ra càng lúc càng hấp dẫn trên mảnh đất linh thiêng của túc cầu giáo quả là bi kịch.
Dẫu biết rằng bóng đá hấp dẫn bởi tính chất khó lường, bởi những đặc tính rất “đời” của nó, tuy nhiên sự ra đi quá sớm của “Đàn bò tót” vẫn để lại khoảng trống mênh mang như một bãi cỏ trơ trụi giữa một thế giới xanh tươi luôn được chăm bẵm cẩn thận.
Buồn cho Tây Ban Nha, tiếc cho tiền đạo Diego Costa về lựa chọn chuyển quốc tịch đầy khó khăn để rồi nhanh chóng nhận ra quê hương mới là chùm khế ngọt (ít nhất đến lúc này, ĐT Brazil vẫn đang nuôi hy vọng kế thừa chiếc cúp mà thầy trò Vicente del Bosque vừa đánh rơi). Nhưng xét một cách công bằng, chiến thắng của Chile là hoàn toàn xứng đáng.
Khác hẳn màn lột xác mang nhiều vết gợn của Hàn Quốc 2002, Chile 2014 đã tạo ra niềm vui bằng chính đôi chân khéo léo và trái tim khao khát của mình. Ở một góc độ nhất định, sự quật khởi của một kẻ thuộc “tầng lớp lao động” như Chile chính là thứ bi kịch cần thiết để hàn gắn một thế giới đang phẳng về tư duy nhưng lồi lõm về thu nhập con người.
Bóng đá, so với cách đây đôi ba thập kỷ, đã thay đổi quá nhiều. Từ sự biến mất của quy định mỗi CLB chỉ được tung vào sân cùng lúc 3 cầu thủ ngoại cho đến sự xuất hiện của công nghệ goal-line tại kỳ World Cup thứ 20, tất cả đều có tác dụng đem lại công bằng cho... kẻ mạnh hơn.
Không còn là cuộc chơi vô tư dành cho mọi đối tượng, bóng đá trong kỷ nguyên “dầu mỏ hóa” đã trở nên quá cục cằn, kén chọn và vô tình. Khi PSG tiếp đón Lens trong một trận đấu thuộc giải Ligue 1 cách đây không lâu, nhóm CĐV “quý tộc” của CLB thủ đô nước Pháp đã chào đón các fan đội khách với tấm băng rôn ghi dòng chữ: “Bọn khố rách, thất nghiệp, đói ăn”.
Chelsea trước đây từng là đội bóng của “tổ hưu trí” đúng như biệt danh “The Pensioners”. Nhưng dưới thời Abramovich, sân Stamford Bridge đã biến thành CLB giải trí cao cấp của các tay chơi chứng khoán, các doanh nhân thành đạt.
Trở lại với World Cup 2014. Tây Ban Nha bị loại rồi à? Chuyện nhỏ. Châu Âu vẫn còn 12 đại diện nữa để buộc những “kẻ nổi loạn” như Chile phải quy hàng. Xứ sở Samba không phải là nơi để bàn về chữ bi kịch, dù bên ngoài các SVĐ ầm ỹ kia vẫn xảy ra biểu tình, bạo động.
Bi kịch thực sự đang rải rác khắp nơi, ở mọi thời điểm. Nếu có thể, hãy chờ đến Qatar 2022, nơi nhiệt độ ngoài trời khi các trận đấu diễn ra là trên 40 độ C.
Đừng sốc, đá đi. FIFA bảo thế là bình thường