Philippines: Sắp hết tội phạm ma túy?
- Phiến quân Maute tấn công đoàn xe Tổng thống Philippines Duterte
- Cánh tay phải của Tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống ma túy
Theo ông Rodrigo Duterte, Philippines có khoảng 4 triệu con nghiện. "Nếu không diệt chúng thì chúng ta sẽ ở trong tình trạng tồi tệ. Từ 4 triệu người sẽ lan ra 10 triệu người và không kịp cứu quốc gia nữa.
Chúng ta sẽ giống như Mỹ Latinh", ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh. Đồng thời tái khẳng định, ông không thấy vui khi phải chứng kiến người dân thiệt mạng và cũng không hài lòng khi phải đặt mua vũ khí cho cảnh sát, lực lượng sẽ dùng chúng trong chiến dịch chống tội phạm ma túy.
Thi thể các nạn nhân không có người nhận được chôn tại một ngôi mộ tập thể ở Manila. |
Cũng trong ngày 12-12, hãng CNN dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines công bố cho thấy, từ ngày 1-7 đến ngày 12-12, đã có 5.927 đối tượng liên quan đến ma túy thiệt mạng trong chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines.
Trong đó 2.086 người bị tiêu diệt trong các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do cảnh sát Philippines tiến hành và 3.841 người thiệt mạng trong các vụ giết người không qua xét xử hoặc do biệt đội sát thủ tại Philippines tiêu diệt.
Ngoài ra, hơn 40.000 nghi phạm khác đã bị bắt vì có liên quan tới việc buôn bán hoặc sử dụng ma túy. Lực lượng cảnh sát cũng cho biết, đã gõ cửa hơn 5 triệu căn nhà để truy bắt các đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy.
Cùng ngày 12-12, hãng Kyodo dẫn lời giới chức Nhật Bản cho biết, Tokyo đã cử một nhóm chuyên gia đến Philippines để nghiên cứu trong 5 ngày. Đây là một trong những biện pháp hợp tác trong chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động kể từ khi ông nhậm chức (30-6) đến nay.
Nhóm chuyên gia gồm 15 thành viên đến từ Bộ Ngoại giao, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Bộ Tư pháp và các bộ ban ngành liên quan của Nhật Bản.
Về phần mình, nhà báo người Mỹ Daniel Berehulak, phóng viên ảnh của tờ The New York Times, từng đoạt giải Pulitzer, đã chụp ảnh 41 vụ giết người, với 57 người chết trong 35 ngày có mặt tại Phillippines.
Và trong số những người kể trên, nhà báo Daniel Berehulak (làm việc với Rica Concepcion, phóng viên Philippines có 30 năm kinh nghiệm) đề cập tới Tigas, biệt danh của Romeo Joel Torres Fontanilla, 37 tuổi, bị bắn chết bởi 2 người đàn ông đi xe máy, theo lời kể của nhân chứng. Ngoài Romeo Joel Torres Fontanilla còn có một vài cái tên được nhắc tới.
Theo nhà báo Daniel Berehulak, họ đi cùng cảnh sát đến những hiện trường án mạng hoặc nơi thi thể được tìm thấy. Và người thân hoặc hàng xóm của nạn nhân thường kể chuyện mâu thuẫn với những gì được ghi lại trong hồ sơ của cảnh sát.
Giới truyền thông đưa tin, công việc chưa bao giờ bận rộn như vậy đối với người tổ chức tang lễ Alejandro Ormeneta bởi chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines đã đạt con số kỷ lục - trong hơn 5 tháng đã có gần 6.000 đối tượng liên quan đến ma túy bị chết.
Theo lời kể của ông Alejandro Ormeneta, mỗi đêm họ phải xử lý trung bình 5 xác chết, hầu hết đến từ những khu ổ chuột. Ông Alejandro Ormeneta cho biết, tuy công việc làm ăn bận rộn hơn nhưng số tiền kiếm được không lớn bởi đa phần người nhà nạn nhân bị giết đều rất nghèo, có người thậm chí không trả nổi chi phí tang lễ.
Giới truyền thông đưa tin, thi thể không người nhận còn khá nhiều trong các nhà xác ở Philippines. Chiến dịch chống tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động tuy nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, nhưng lại vấp phải sự phản đổi mạnh mẽ của nhiều nước và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 11-12, khi phát biểu tại lễ nhận giải thưởng Nobel Hòa bình ở Oslo, Na Uy, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã kêu gọi thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến chống ma túy trên thế giới bởi sau nhiều thập kỷ thực hiện, các nước vẫn chưa thu được những thành công to lớn.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Theo ông Juan Manuel Santos, sẽ không có bất cứ tác dụng gì khi những người nông dân canh tác cây thuốc phiện bị bắt giam, trong khi tại 8 bang ở Mỹ việc sử dụng ma túy là hợp pháp.
Đồng thời nhấn mạnh, Colombia là quốc gia có nhiều người bị chết nhất vì cuộc chiến chống ma túy và nước này có quyền tuyên bố, thế giới chưa có bất cứ thành công nào sau nhiều thập kỷ "động thủ". Tuy nhiên, ông Juan Manuel Santos vẫn cam kết tiếp tục đấu tranh chống ma túy tại Colombia và đây là cuộc chiến để lại hậu quả tồi tệ nhất trong các loại chiến tranh.
Theo thống kê, trong 15 năm qua, kể từ khi "Kế hoạch Colombia" ra đời với mục đích triển khai cuộc chiến chống ma túy và giúp phát triển kinh tế, Mỹ đã tài trợ cho Colombia 10 tỷ USD, nhưng thực tế không như mong đợi.