Myanmar trong cuộc chiến chống sản xuất ma túy tổng hợp

Thứ Sáu, 22/05/2020, 19:30
Tại khu vực bang Shan, chỉ trong thời gian 3 tháng, nhà chức trách Myanmar đã phát hiện và thu giữ lượng ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước tới nay tại Đông Nam Á.


Gồm: 200 triệu viên ma túy tổng hợp (còn được gọi là yaba) với trọng lượng lên 17,5 tấn - gần bằng lượng ma tuý thu được trong vòng 2 năm trước ở nước này; 500kg ma túy đá dạng tinh thể, khoảng 300 kg heroin và 3.700 lít fentanyl lỏng, tiền chất để sản xuất ma tuý tổng hợp nhóm opiod, để lộ ra hoạt động sản xuất chất gây nghiện opioid "chưa từng thấy" tại khu vực vốn nổi tiếng với heroin và ma túy đá (methamphetamine).

Số lượng lớn chưa từng có

Vụ thu giữ ma túy được tiến hành trong một chiến dịch triệt phá kéo dài 3 tháng, tập trung quanh làng Lwe Kham, thị trấn Kutkhai, bang Shan của Myanmar.

Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã mô tả vụ bắt giữ trên là một trong những chiến dịch chống ma túy lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử khu vực này. Đồng thời cảnh báo "Những gì vừa được phát hiện thông qua chiến dịch này thực sự chưa từng thấy, một dấu hiệu cho thấy xu hướng mới của hoạt động sản xuất chất opioid tổng hợp ở quy mô mà không ai có thể tưởng tượng".

Các thùng hóa chất tiền chất được sử dụng để sản xuất methamphetamine, ketamine, heroin và fentanyl bị cảnh sát và quân đội Myanmar ở bang Shan thu giữ.

Từ nhiều năm nay, Myanmar bị coi là nơi sản xuất heroin lớn thứ 2 thế giới sau Afghanistan và hiện được cho là nguồn ma túy đá lớn nhất toàn cầu, nhờ nguồn cung các chất tiền ma túy từ Trung Quốc. Ma túy dưới dạng tinh thể dễ gây nghiện hơn, được nhập lậu đến Tokyo, Seoul hoặc Sydney, nơi nó được bán với giá khoảng 150.000 USD/1kg.

Các loại ma túy sản xuất ở Myanmar sau đó được buôn lậu từ phía Nam qua Thái Lan, từ phía Bắc vào Trung Quốc và phía Tây tới Bangladesh - áp đảo các nỗ lực kiểm soát chính sách khu vực và gieo rắc khủng hoảng nghiện ngập, tham nhũng và rửa tiền.

Methamphetamine sau đó được vận chuyển tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc ước tính các băng nhóm tội phạm Myanmar thu về hơn 60 tỷ USD mỗi năm từ ma túy, thậm chí cao hơn do chúng áp dụng phương thức buôn lậu và rửa tiền tinh vi nhằm qua mặt giới chức địa phương.

Phần lớn các cơ sở điều chế ma tuý nằm tại bang Shan, nơi các ngọn đồi trồng đầy cây anh túc giúp che giấu hàng loạt xưởng điều chế ma túy. Bang Shan là một cạnh của khu vực Tam giác vàng. UNODC đánh giá Tam giác vàng hiện là đầu mối sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Quá trình sản xuất ma túy ở bang Shan được chia làm ba giai đoạn chính.

Từ thập niên 1950-1990, bang Shan là nguồn cung ứng thuốc phiện và heroin. Từ cuối thập niên 1990, sau khi bị Afghanistan qua mặt, các băng nhóm ma tuý ở bang Shan bắt đầu chuyển sang điều chế methamphetamine. Đến đầu thập niên 2010, bang Shan tập trung sản xuất methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá) để xuất khẩu.

Hiện nay, bang Shan đứng thứ hai thế giới về sản xuất heroin sau Afghanistan nhưng mặt hàng chủ lực là ma túy đá. Do sản xuất hàng loạt, giá một viên yaba (methamphetamine có độ tinh chế thấp trộn với bột cà phê) từ 5-15 USD vào năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1 USD.

Những năm gần đây, quân đội và cảnh sát Myanmar đã liên tiếp mở các chiến dịch tấn công các băng nhóm sản xuất ma tuý ở khu vực này và thu được số lượng lớn.

Một lượng lớn ma túy bị thu giữ ở bang Shan.

Đầu năm 2018, quân đội Myanmar phối hợp với cảnh sát bao vây một căn nhà hoang ở Kutkai (bang Shan), tịch thu 30 triệu viên yaba, 1.750kg ma túy đá, 500kg heroin và 200kg cà phê bột. Tổng giá trị ma túy lên đến 54 triệu USD. 

Một tháng sau, quân đội và cảnh sát tiếp tục đột kích hai xưởng điều chế ma túy đá, tịch thu số thiết bị trị giá 7 triệu USD cùng với số tiền chất ma túy và bao bì đủ để sản xuất 10 tấn ma túy. Đầu tháng 3-2020, quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch đột kích tại thị trấn Kutkai ở bang Shan sau khi nhận được tin mật báo. Họ tìm thấy tổng cộng 33 kg heroin, 18 triệu viên ma túy tổng hợp, 281 thùng axit cùng nhiều trang thiết bị điều chế chất gây nghiện dưới một hầm ngầm…

Dù liên tục bị quân đội, cảnh sát tấn công nhưng các xưởng sản xuất ma tuý ở đây vẫn hoạt động mạnh. Các xưởng sản xuất thường được bố trí nơi hẻo lánh, lý tưởng nhất là thuộc khu vực do các nhóm vũ trang không thuộc quân đội kiểm soát.

Các khu vực này cũng không được quá bất ổn để dễ làm ăn. Ngoài ra còn cần có cơ sở hạ tầng giao thông tốt để vận chuyển nguyên liệu và ma túy thành phẩm. Trên thực tế đối với ma túy yaba, cách sản xuất ở bang Shan hết sức đơn giản, có khi bọn sản xuất chỉ cần một máy ép viên nén là đủ.

Riêng năm 2019, lực lượng chức năng Myanmar đã thu giữ tổng lượng ma túy có trị giá 374 triệu USD.

Ma túy tổng hợp từ Myanmar đang đe dọa thế giới

Theo Reuters, đây là một phần trong vụ bắt giữ kỷ lục ma tuý đá ở châu Á và cũng là một dấu hiệu cho thấy các băng nhóm tội phạm ở khu vực Tam giác Vàng đã bước chân vào lĩnh vực sản xuất và buôn bán ma tuý tổng hợp - loại ma tuý đã huỷ hoại cuộc sống của nhiều người ở Bắc Mỹ.

Phương tiện sản xuất ma túy bị tịch thu.

Sự bùng nổ ma túy tổng hợp methamphetamine là một trong những khủng hoảng ma túy lớn nhất thế giới. Sự bùng nổ này được thúc đẩy bởi các tập đoàn tội phạm quy mô lớn. Những năm gần đây, chúng chuyển từ sản xuất ma túy dựa trên trồng cấy (cần diện tích đất đai và phụ thuộc thời thiết) sang sản xuất các loại ma túy tổng hợp rẻ tiền, dễ điều chế như methamphetamine.

Hậu quả là sự bùng nổ chưa từng có tiền lệ của nạn mua bán ma túy tổng hợp. UNODC tuyên bố cuối tuần qua rằng, thị trường methamphetamine ở Đông Á và Đông Nam Á trị giá tới 61,4 tỷ USD/năm.

Vũ khí, đạn dược và túi đựng methamphetamine tinh thể bị cảnh sát Myanmar thu giữ.

Thị trường này lớn tới mức đại dịch COVID-19 cũng không ảnh hưởng việc sản xuất, buôn bán ma túy tổng hợp. “Trong khi cả thế giới chuyển sự chú ý sang đại dịch COVID-19, tất cả chỉ dấu cho thấy việc sản xuất, buôn bán ma túy tổng hợp và hóa chất (tiền chất ma túy) trong khu vực tiếp tục diễn ra ở mức kỷ lục”, ông Jeremy Douglas, điều phối viên khu vực của UNODC, nói. Bản tuyên bố chung của UNODC và giới chức Myanmar đưa ra hôm 18-5 không nói rõ số ma túy thu được trị giá bao nhiêu tiền.

Trong chiến dịch vừa qua, 130 đối tượng đã bị bắt, ngoài ra cảnh sát còn thu giữ nhiều vũ khí trong đó có súng trường tự động. Tuy nhiên, điều đặc biệt lo ngại là sự xuất hiện của fentanyl. Mạnh gấp 50 lần so với heroin và mạnh gấp 100 lần so với morphin, fentanyl có thể gây chết người chỉ với 2 miligam - tương đương một vài hạt cát.

Fentanyl là loại opioid được sử dụng như thuốc giảm đau và cùng với các thuốc gây mê khác; cũng được tổng hợp bất hợp pháp và được sử dụng như một loại thuốc giải trí, thường trộn lẫn với heroin hoặc cocaine.

Các tác dụng của thuốc khởi phát nhanh và hiệu ứng thường kéo dài ít hơn một hoặc hai giờ. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng fentanyl bao gồm nôn mửa, táo bón, an thần, lú lẫn, ảo giác và chấn thương liên quan đến phối hợp chân tay kém. Tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm giảm khả năng thở (suy hô hấp), hội chứng serotonin, huyết áp thấp, bị nghiện hoặc hôn mê.

Tiền chất ma túy dùng để sản xuất ma túy này dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Mỹ Trong năm 2016, Mỹ có hơn 20.000 ca tử vong do quá liều các chất tương tự fentanyl và chính fentanyl và số người chết vì fentanyl vẫn tiếp tục tăng trong những năm gần đây. Fentanyl và các dẫn xuất của nó đã gây ra hơn 130.000 ca tử vong vì dùng thuốc quá liều ở Mỹ và Canada trong vòng 5 năm qua.

Loại ma tuý này hiện chưa phổ biến ở châu Á, châu Âu hay châu Úc nhưng đã có dấu hiệu cho thấy đây là một đe doạ mới với các khu vực này. "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về khu vực rằng fentanyl có thể trở thành vấn đề nhưng điều này là vượt quá sự tưởng tượng", ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC ở khu vực Đông Nam Á, bày tỏ lo ngại.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.