Iran: Bế tắc trong cuộc chiến chống ma túy

Thứ Sáu, 15/03/2019, 10:23
DK ngày 13-3 cho hay, 3 thập kỷ qua, hơn 3.700 binh sĩ, cảnh sát Iran đã chết trong cuộc chiến chống ma túy. Số người nghiện ở quốc gia Trung Đông là 2,2 triệu và cuộc chiến chống cái chết trắng đang bế tắc khi ma túy thường được nấu tại bếp mỗi gia đình, "thuốc an thần" của nhiều người, đặc biệt là người trẻ mỗi khi gặp khó khăn cuộc sống.


Cảnh sát Iran vừa tịch thu hơn 11 tấn ma túy của bọn tội phạm ở vùng đông-nam của nước này.  Đây là phi vụ buôn lậu ma túy với khối lượng kỷ lục trong lịch sử Iran.

Chiến dịch đặc biệt triển khai vào ban đêm đã kết thúc bằng màn đọ súng của các nhân viên cảnh sát với bọn buôn lậu, trong đó 1 tên tội phạm ma túy đã trúng đạn và tử vong, còn những đối tượng khác bị thương.

Một phụ nữ sử dụng ma túy đá vào lúc nửa đêm ở Tehran, Iran.

Bọn tội phạm vận chuyển lô hàng cấm bằng lạc đà và lừa từ Pakistan sang. Iran nằm trên một trong những hành trình cơ bản cung cấp ma túy từ Afghanistan đến châu Âu. Cơ quan an ninh quốc gia Iran thường thực hiện các hoạt động tịch thu số lượng lớn những  chất ma túy lưu thông bất hợp pháp.

Các quan chức Iran nói rằng, sản xuất và lạm dụng methamphetamine đang tăng vọt ở nước này, mặc dù án phạt hình sự nặng nề nhất đối với tội phạm có thể là tử hình. Ghazal Tolouian, một nhà tâm lý học đang điều trị cho hàng chục người nghiện meth tại một trung tâm cai nghiện ở một ngôi làng miền núi phía tây bắc của Tehran.

Cho biết, hầu hết các bệnh nhân của cô rơi vào hai loại: học sinh "những người muốn vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học thành công", và "những người cần tăng ca 2, thậm chí ca 3 khi làm việc để kiếm đủ và kiếm nhiều tiền hơn nữa".

Quan chức của cơ quan y tế và phòng chống ma túy cho biết, hơn 2,2 triệu trên tổng số 80 triệu dân Iran nghiện ma túy, trong đó có 1,3 triệu người đã đăng ký chương trình điều trị.

Con số người nghiện tiếp tục gia tăng hàng năm, mặc dù việc sử dụng hình phạt tử hình đối với những kẻ buôn lậu ma túy đã tăng lên, và hiện nay 9/10 vụ hành quyết ở Iran là án ma túy. Quốc gia Trung Đông này cũng đứng đầu thế giới về án tử hình.

Parviz Afshar, một quan chức chống ma túy. Cho biết, những phòng thí nghiệm chất meth bị phát hiện, thường có quy mô nhỏ, những "đầu bếp" nấu ma túy ở trong nhà nên rất khó phát hiện.

Người nghiện ngủ vật vờ trên ghế.

Năm 2018, cảnh sát Iran phát hiện ít nhất 416 phòng thí nghiệm meth, năm 2017 là 350 phòng. Trong khi đó, Bộ Y tế của Iran khá chậm chạp cung cấp nguồn tài chính cho các bệnh viện phục hồi chức năng toàn quốc, nhưng các trại cai nghiện tư nhân lại mọc lên khá nhiều.

"Khi tôi thiết lập nơi này, nhà chức trách đã không ủng hộ tôi. Nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động, họ đã bị thuyết phục rằng, nó có chất lượng khá tốt để cung cấp dịch vụ chăm sóc và nơi trú ẩn cho những người nghiện" - Majid Mirzaei, quản lý của một trại tại Tehran nói.

Cơ sở của ông này cung cấp thực phẩm miễn phí, bơm kim tiêm, bao cao su, chăm sóc y tế và một nơi để ngủ cho người nghiện trong một khu phố đông đúc ở phía nam Tehran. "Nghiện ma túy là một thực tế. Nó không thể được loại bỏ hoàn toàn mà bạn chỉ có thể quản lý nó một cách chính xác," Mirzaei nói.

Các quan chức nói rằng, lạm dụng ma túy ở Iran tăng cao chỉ vì Iran là tuyến đường chính cho xuất khẩu từ nước láng giềng Afghanistan, vốn là quốc gia sản xuất 3/4 số ma túy trên thế giới. Một nhà xã hội học nổi tiếng tại Iran cho hay, các vấn đề xã hội và tâm lý đẻ ra nhu cầu tiêu thụ ma túy rất lớn.

Việc tiêu thụ không giới hạn ở một giai cấp xã hội. Cũng chẳng phải ở thành phố lớn. Hậu quả của cái nghèo phổ biến, nó có mặt ở khắp nơi. Dĩ nhiên, người nghèo là khổ nhất. Nhưng người ta có vô số phòng thí nghiệm bí mật để chế tạo ra cái thứ cặn bã đó.

Tại Iran, người ta dễ nghiện ngập hơn bất kỳ đâu. Giá sinh hoạt rất rẻ, hàng càng dễ kiếm hơn. Một gram thuốc phiện giá 10USD, nhưng heroine lại rẻ hơn. Mặc dù rượu và ma túy bị cấm ở Iran nhưng mỗi năm, có khoảng 3.000 người chết vì dùng ma túy quá liều.

Khu vực Lưỡi liềm vàng nằm ở nút giao Trung, Nam và Tây Á, gồm: Afghanistan, Iran và Pakistan. Nơi đây, núi non tạo thành hình lưỡi liềm.

Các nghiên cứu cho thấy các con đường vận chuyển ma túy ra khỏi khu vực này. Trên đường đến châu Âu, có hơn 2.000 tấn heroin từ Nam Á vào lãnh thổ Iran mỗi năm. Chính phủ Iran cho biết, họ mất hơn 3.700 binh sĩ trong cuộc chiến với ma túy hơn 3 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ ở Tehran lại rất ấn tượng. Ở phía nam thành phố, các nhân viên cứu trợ chăm sóc cho nhiều người nghiện sống trên đường phố. Các tình nguyện viên cung cấp bữa ăn. Họ đã tiếp cận với người nghiện theo cách này và nỗ lực giúp họ thoát khỏi cảnh sống trên đường phố.

Nguyễn Lai
.
.
.