Chiến dịch chống lại việc "trấn áp tội phạm ma tuý quá mạnh tay" ở Philippines

Chủ Nhật, 15/12/2019, 16:18
Leni Robredo, phụ nữ đứng đầu chiến dịch chống tội phạm ma túy ở Philippines tuyên bố "việc giết người vô tội" phải chấm dứt.


Robredo là một nhân vật đối lập hàng đầu lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte đồng thời cũng là Phó Tổng thống đương nhiệm Philippines.

Ông Duterte bổ nhiệm Robredo sau khi bà tức giận phê phán chính sách chống tội phạm ma túy của ông "rõ ràng là không hiệu quả" và đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng về việc đàn áp gây tranh cãi. 

Sau cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Duterte đã phát động chiến dịch cứng rắn chống lại "các cá nhân ma túy bất hợp pháp" vừa tuyên bố Philippines đã trở thành một "quốc gia ma túy".

Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống nói: "Chính phủ không muốn giết người - đó không phải là ý định".  Tuy nhiên, bản thân tổng thống nói rằng ông sẽ đích thân cướp đi mạng sống của hàng triệu người sử dụng ma túy.

Các nhóm nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) mô tả chính sách của ông Duterte là giết người hàng loạt, buộc tội cảnh sát đang chủ động nhắm vào những người nghi ngờ sử dụng ma túy.

Leni Robredo.

Theo bình luận từ các nhóm nhân quyền, đã có rất nhiều tranh luận về số người chết đối chiếu với những tuyên bố được đưa ra bởi các quan chức cảnh sát. Các cuộc điều tra độc lập hiện đang được Liên hợp quốc (LHQ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thực hiện. LHQ cũng đang xem xét vấn đề giết người phi pháp và ICC đang tiến hành điều tra sơ bộ về Tổng thống Duterte trước cáo buộc "tội ác chống lại loài người". 

Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát Philippines chính thức khẳng định họ chỉ giết người để tự vệ - ví dụ, trong các hoạt động buôn bán ma túy. Năm 2017, chính phủ của ông Duterte phát động một chiến dịch tiết lộ con số tử vong thực sự trong chương trình chống ma tuý ở Philippines - dưới biểu ngữ RealNumbersPH. 

Con số mới nhất của chiến dịch được công bố vào tháng 6-2019 là 5.526 cái chết của "tội phạm ma túy". Tuy nhiên, trong cùng tháng đó, một cựu sĩ quan cảnh sát công khai nâng tổng số người chết liên quan đến ma túy lên tới 6.700. 

Khi nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa hai con số, người phát ngôn của tổng thống nói rằng đó có thể là một "lỗi vô ý". Tuy nhiên, những con số này không bao gồm các vụ giết người liên quan đến ma túy được cho là do các nhóm phòng vệ tư nhân thực hiện lấy cảm hứng từ những lời hoa mỹ chống tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte.

Tháng 12-2018, Ủy ban Nhân quyền (CHR) Philippines ước tính số vụ giết người trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy có thể lên tới 27.000. Có thêm sự nhầm lẫn xung quanh một số người chết khác, được gọi là "cái chết đang được điều tra" (DUI). 

Tháng 3-2019, cảnh sát nói với truyền thông địa phương số người chết là hơn 29.000 - và con số được đưa vào các báo cáo chính thức của chính phủ về "cuộc chiến chống ma túy". Như thế, con số này có thể được phân loại là giết người liên quan đến ma túy? 

Cơ quan truyền thông địa phương Rappler của Philippines bình luận rằng con số DUI là "cách phân loại cái chết của cảnh sát trong cuộc chiến chống ma túy mà các quan chức cảnh sát không thể giải thích vì chúng nằm ngoài 'hoạt động của cảnh sát hợp pháp'". 

Tháng 8-2019, quan chức Ủy ban Nhân quyền Philippines Karen Gomez ước tính con số ngày càng tăng đã trở thành "nguyên nhân của mối quan tâm nghiêm trọng" và các đồn cảnh sát khu vực đã ngăn chặn hoặc trì hoãn việc tiết lộ thông tin. 

Hàng trăm ngàn người bị nghi ngờ liên quan đến buôn bán ma túy bất hợp pháp đã bị bắt giữ.

Tổng thống Duterte đã khuyến khích người dân Philippines lùng sục và tiêu diệt những con nghiện ma túy và các báo cáo về các nhóm dân quân giết chết những người nghi ngờ sử dụng ma túy đã được ghi nhận. Năm 2018, ông Duterte công khai thừa nhận "tội lỗi duy nhất" mà ông đã phạm phải trong thời gian đương nhiệm là "những vụ giết người ngông cuồng".

Các nhóm nhân quyền chỉ trích lực lượng cảnh sát nhắm mục tiêu chủ yếu là các cộng đồng nghèo, đưa nghi phạm vào "danh sách ma túy" do các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương soạn lập.

 Michelle Bachelet, quan chức LHQ được giao nhiệm vụ đưa ra báo cáo chính thức về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Philippines cho biết, ngay cả số người chết chính thức được công bố bởi chính phủ cũng sẽ là "vấn đề quan tâm nghiêm trọng nhất đối với bất kỳ quốc gia nào". 

Leni Robredo hứa hẹn sẽ thực hiện một cách tiếp cận dựa trên sức khỏe: "Chúng tôi sẽ thay đổi các số liệu - không phải về số người chết mà bởi chất lượng cuộc sống được thay đổi để tốt hơn".

Thiên Minh
.
.
.