Bí mật của những băng đảng ma túy Mexico khét tiếng
Khi Mỹ nỗ lực đóng cửa các đường dây ma túy qua Caribe, việc vận chuyển lái sang Trung Mỹ và Mexico. Hiện đường dây này tải vào nước Mỹ đến 90%, mỗi năm 900 tấn cocain. Chính vị trí thuận lợi giữa nơi sản xuất đến chỗ tiêu thụ đã biến Mexico thành “thủ đô cocain” của thế giới.
Điểm mặt các ông trùm ở "thủ đô ma tuý"
Ở Trung Mỹ, đường hàng không hoặc hàng hải vận chuyển ma túy từ Colombia và Peru thẳng tới Venezuela và Ecuador, chứ đường bộ thì không thể, vì phải qua vùng Darién ở Panama có lắm đầm lầy.
Những chiếc xuồng máy cao tốc cho phép chạy trốn cảnh sát biển của các nước thường chỉ có tàu tuần tra cũ kỹ, mỗi xuồng tải trung bình 600 kg. Hoặc dùng tàu đánh cá cỡ trung kéo theo những container ngầm có chứa ma túy, gặp nguy cơ bị bắt giữ thì lập tức cắt cáp, bỏ lại “hàng” để tẩu thoát.
Còn nữa: để ma túy lẫn trong những container trên tàu viễn dương đồng thời mua chuộc nhân viên hải quan; hoặc dùng “tàu ngầm” tự chế, tuy nó “lặn” không sâu, dễ bị phát hiện từ trên cao, nhưng chở được tới 15 tấn “hàng”...
Theo đường hàng không: trên những máy bay công suất nhỏ, sức chở hạn chế nhưng dễ lọt, vì các quốc gia trong vùng yếu kém về trang bị kỹ thuật. Ví dụ, cả nước Goatemala có tới 800 đường băng cất hạ cánh cho máy bay nhỏ, nhưng chỉ có một trạm radar đủ phủ sóng 1/3 không phận quốc gia. Từ các bang Lara, Falcon, Trujillo, Zulia, Mérida, Taschira, Apure (Venezuela) vào các nước Trung Mỹ hay dùng cách này.
Từ Trung Mỹ, ma túy được chuyển sang Mexico theo tuyến chính là Thái Bình Dương. Các băng đảng ma túy hàng đầu là “Sinaloa”, “Juárez”, “Golfo”, “Tijuana”, chỉ trong vài năm chúng đã biến thành cộng đồng tội phạm xuyên quốc gia, có một cơ cấu vận tải phát triển: 30 cảng biển ở cả hai đầu và hệ thống đường bộ dày đặc.
Theo các cơ quan phòng chống ma tuý của Mexico và của Mỹ, mỗi năm tội phạm ma tuý Mexico rửa hàng chục tỷ “tiền bẩn” từ ma túy tại hai thành phố Monterrey và Ciudad Juárez.
Cảnh sát Mexico thu giữ ma túy. |
“Sinaloa” luôn luôn là “No1” trong buôn bán trái pháp luật ma túy, có chân rết ở các bang Sinaloa, Durango, Sonora, Chihuahua (Mexico) và các chi nhánh ở 12 nước Mỹ Latin, có mạng lưới tiêu thụ ở nhiều thành phố Mỹ cũng như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và ở cả Áo.
Cựu thủ lĩnh của “Sinaloa” là Joaquín Guzmán (sinh năm 1957) biệt danh El Chapo (Gã lùn), đã bị bắt và dẫn độ về Mỹ đầu năm 2017, phiên xử kết án gã dự kiến diễn ra vào ngày 25-6-2019. Băng đảng này vững chân ở trong nước, sở hữu nhiều bất động sản khổng lồ dùng để rửa “tiền bẩn”, kiểm soát tới 1.500 hãng và xí nghiệp ở ngoài lãnh thổ Mexico.
Chiến lược của “Sinaloa” là nhẫn nại chuẩn bị để cắm thật sâu, tính chuyện lâu dài ở lãnh thổ đã chọn; thiết lập mối quan hệ với giới làm ăn và giới hoạt động chính trị – xã hội, mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với tổ chức tội phạm ở địa phương; tăng cường thỏa thuận và mua chuộc, trong trường hợp hãn hữu mới dùng đến bạo lực, cố gắng giữ mình trong bóng tối để khỏi thu hút sự chú ý của xã hội.
Còn “Los Zetas” - tổ chức tội phạm bị chính phủ Mỹ đánh giá là "tinh vi, sử dụng công nghệ cao, và nguy hiểm nhất ở Mxico" - thành lập vào quãng 2007-2008, mới đầu chỉ là một nhánh cơ hữu của “Golfo”, với thành phần chủ chốt toàn cựu lính đặc nhiệm.
Chia tay “Golfo”, nó nhanh chóng mở rộng vùng hoạt động bao gồm 12 bang trong nước. Chiến thuật của nó khác hẳn của “Sinaloa”: hoặc thuần phục, hoặc tiêu diệt kẻ nào cạnh tranh và thiết lập sự thống trị hoàn toàn trên lãnh thổ vừa chiếm được.
Cảnh sát Mexico tiêu hủy 2,5 tấn ma túy. |
Những cuộc chiến đẫm máu tranh giành lãnh địa
Lợi nhuận khổng lồ làm tăng mâu thuẫn giữa các băng nhóm ma túy Mexico, dẫn đến tranh giành quyền lực, chia rẽ và hình thành băng đảng mới. Kể từ năm 2006, khi ông Felipe Calderón giữ nhiệm kỳ Tổng thống 2006-2012, tuyên chiến với nạn buôn bán ma túy và huy động nhiều đơn vị quân đội vào việc mở những đợt tấn công quy mô vào các băng đảng, nhưng chẳng ăn thua gì, và trong nước bùng nổ một cuộc chiến tranh hình sự.
Những năm 2000, các băng đảng Mexico bắt đầu bành trướng sang nhiều nước Trung Mỹ, đầu tiên là Goatemala và Honduras, nơi có cả những vùng rộng lớn chính quyền không kiểm soát được. Đến đó, chúng nhanh chóng củng cố vị trí, thu phục những băng đảng ở địa phương, siết chặt kiểm tra việc vận chuyển ma túy. Vị trí thống trị vẫn nằm trong tay “Senaloa”.
Năm 2008, “Los Zetas” vào Goatemala tấn công các băng đảng địa phương và giết chết những ông trùm tai mặt của nước ấy. Trong thời gian ngắn “Los Zetas” chiếm giữ các tuyến đường vận chuyển ma túy ở miền bắc nước đó, đặt bàn đạp tại Al Péten và Alta Verapaz. Hễ thủ lĩnh của “Los Zetas” coi ai là kẻ thù thì kẻ đó liền bị khủng bố.
Băng đảng này thu nạp vào hàng ngũ những người từng phục vụ trong đặc nhiệm “Kaibiles” của lực lượng vũ trang Guatemala, mở ra những trại huấn luyện đặc biệt để đào tạo những kẻ đánh thuê theo đơn đặt hàng.
Năm 2011, quân của “Los Zetas” chiếm 2 làng, đặt trạm kiểm soát khắp các ngả đường, tàn sát đẫm máu 27 người của băng đảng cạnh tranh, khống chế chính quyền địa phương suốt cả ngày rồi biến mất. Nhưng “Los Zetas” không trụ được lâu, chiến thuật thô bạo của nó có tác dụng ngược: những băng đảng ma túy địa phương liên minh lại với nhau, cộng với căm uất của công chúng, trong hai năm 2011-2012 đã có hơn 60 đầu đảng bị tóm cùng với bọn dưới trướng từ các cơ quan bảo vệ pháp luật Goatemala.
Không loại trừ trong việc chống lại “Los Zetas”, chính quyền có nhận được sự ủng hộ của “Sinaloa” và các trùm ma túy địa phương. “Los Zetas” bị tổn thất nặng và hiện nay, tuy vẫn còn bám lại Mexico, Goatemala và Honduras, nhưng không còn uy lực.
Các ông trùm ma túy Mexico đã đặt được sự kiểm soát ở không chỉ những trạm trung chuyển Trung Mỹ, mà còn bảo trợ cho việc trồng cây coca và sản xuất cocain, kiểm soát những điểm then chốt trên đường vận chuyển. “Sinaloa” cắm chốt ở các cảng Chimbote, Paita ở Peru và ở miền nam Ecuador.
Quân của "Los Zetas" tra khảo quân của "Golfo". |
"Tấn công" vào Mỹ và châu Âu
Từ Mexico ma túy vào thẳng nước Mỹ chủ yếu bằng tuyến dọc bờ biển Thái Bình Dương với các điểm chính là các cảng Manzanillo, Guaymas, Puerto Pecasco, Ensenada, Rosario. Chúng cũng sử dụng những đường hầm kiên cố có trang bị đủ ánh sáng, điều hòa nhiệt độ... dưới biên giới Mexico – Mỹ.
Nước Mỹ áp dụng những phương tiện của công nghệ cao vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu ma túy, nhưng không mang lại kết quả mong muốn. Ở một số đoạn đường biên, Mỹ đặt hàng rào thép gai với cảm biến có độ nhạy cao tưởng ruồi không bay qua được. Nhưng trùm ma túy Mexico cũng không vừa: họ dùng vũ khí thô sơ, kiểu máy bắn đá, phóng qua biên giới những quả “đạn ma túy” để đồng bọn ở bên Mỹ thu lượm.
Phần cocain được chuyển sang châu Âu qua đường Tây Phi, cụ thể là Guiné-Bissau, chủ yếu đến Tây Ban Nha và quan trọng là Italy, nơi các trùm ma túy Mexico biết bắt tay với cơ cấu của mafia sở tại.
Trong chục năm gần đây, sự hợp tác giữa những cơ quan phòng chống ma túy của Mỹ, Mexico và Colombia được tăng cường, trước hết là có sự trao đổi thông tin kịp thời, nên bắt được nhiều vụ hơn trước. Để tránh thất thoát, chúng cố gắng đặt chỗ sản xuất ở gần Mexico hơn.
Tại Honduras, chúng cho trồng coca và mở phòng thí nghiệm sản xuất cocain, nhưng thổ nhưỡng và khí hậu khác hẳn ở Mexico và Peru nên thu hoạch không tốt. Năm 2018 tại bang Alta Verapaz (Goatemala), cảnh sát phát hiện cả một đồn điền mấy hecta trồng cây coca, cạnh đó có phòng thí nghiệm sản xuất cocain.
Năm 2009-2010 dân nghiện Mỹ bắt đầu chuyển hướng sang heroin. Ở Mexico trồng cây thuốc phiện lại dễ, “Sinaloa” và các băng đảng khác chuyển sang sản xuất heroin. Hiện nay, 95% lượng heroin ở Mỹ được sản xuất trước hết là tại Mexico. Đã qua cái thời các tay trùm bằng lòng với việc buôn hàng từ Colombia có chất lượng không cao.
Ở Guerrero, đất trồng thuốc phiện chiếm 40% toàn bộ diện tích canh tác của bang, họ trồng ở đất công cộng, ngộ nhỡ bị nhà chức trách phát hiện cũng không biết phần đất “phạm tội” thuộc về ai.
Nhu cầu heroin ở Mỹ tăng, giá cả ổn định 900 USD/ kg quả thuốc phiện, mà mỗi ha có thể thu hoạch đến 8kg quả, đủ để chế ra cả một kg thuốc phiện. Mỗi kg heroin có giá 35.000 USD, sang đến Mỹ thành 71.000 USD. Cho nên các băng ma tuý Mexico tìm cách móc nối với các vệ tinh, như Afghanistan chẳng hạn.
Nhưng trong hai năm gần đây, heroin không còn ăn khách, dân nghiện Mỹ, dân nghiện Âu - Á không thích ma túy tự nhiên nữa mà tìm đến ma túy tổng hợp, Mexico lại chiếm vị trí quan trọng trong vòng quay này. Những chất cần thiết để chế tạo ma túy xuất phát từ một số nước châu Á tuồn vào Mexico, cụ thể là Lázaro Cárdenas và Manzanillo, nơi có những phòng thí nghiệm đặc biệt làm ra thành phẩm để chở ngược về châu Á.
Thời gian gần đây, các lò sản xuất lại đưa ra loại ma túy mới chứa chất Fentanyl mạnh khủng khiếp, nó khá phổ biến ở Mỹ, mỗi năm giết chết hàng chục ngàn người. Ông Dmitri Morozov – chuyên gia Nga về Mỹ Latin - nhận định: khỏi phải nghi ngờ, các trùm buôn ma túy Mexico sẽ mau chóng nhúng tay vào.