Bi kịch vì ngáo đá

Thứ Tư, 04/03/2020, 11:29
Leo cột điện, nhảy múa khỏa thân giữa đường hay kinh khủng hơn là trở thành những kẻ sát nhân, đó là những biểu hiện đã từng ghi nhận được của người “ngáo đá”.

Nhưng vì sao những người sử dụng ma túy đá lại có hành vi như vậy, họ đã nghe, đã nhìn thấy những gì trong cơn ngáo ấy? Đáp án cho câu hỏi ấy chỉ có thể tìm được ở chính họ, những người hằâng ngày sống chung với “ngáo đá”.

Chuyện của một người từng “ngáo”

Là người từng sử dụng ma túy đá trong nhiều năm, anh M .(SN 1992, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội), một trong số nhiều học viên từng “tốt nghiệp” thành công tại Trung tâm Tư vấn và điều trị cai nghiện ma túy Nẻo về, thuộc Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, đã chia sẻ về những “trải nghiệm” của mình với loại ma túy nguy hiểm này.

Anh M. cho biết, thời gian sử dụng ma túy đá của mình kéo dài gần 2 năm. Ban đầu, anh chỉ sử dụng heroin hay còn gọi là hàng trắng và chỉ biết đến ma túy đá từ những người bạn chơi cùng. Nghe nói ma túy đá có thể “phá” heroin, có thể giúp mình cai được loại hàng trắng này nên anh M. cũng gật đầu xin thử. 

“Khi đó tôi được giới thiệu là chơi loại này không nghiện, không vật như chơi “trắng”. Và đúng thật, thời gian đầu sử dụng ma túy đá, thích thì chơi, không thích thì nghỉ nên tôi đã nghĩ đến chuyện mình có thể bỏ được heroin nhờ ma túy đá…”, anh M. kể.

Các học viên trong buổi tư vấn tâm lý sau quá trình cai nghiện.

Nhưng càng ngày, tần suất sử dụng ma túy đá dày đặc hơn, dần dần anh M. đã bị lệ thuộc vào loại ma túy này từ lúc nào không hay. “Chơi đá” tất nhiên là sẽ ảo, nhưng theo trải nghiệm của anh M., đến khi “nghỉ” chơi khoảng 1 tháng vẫn còn trong trạng thái ảo thanh, ảo thị. 

“Trong tai tôi lúc nào cũng nghe thấy tiếng người thì thầm, lúc đấy sợ lắm, khủng hoảng đến mức phải kê một con dao xuống dưới gối mới dám lên giường. Còn lúc chơi thì không ngủ, có thể thức liền mấy ngày”, anh M. chia sẻ.

Có những lúc trong cơn ảo giác, người đàn ông này xách dao đi khắp nhà suốt cả đêm vì những tiếng động văng vẳng trong tai. Đến mức, một đêm anh gọi mẹ dậy nhiều lần chỉ để đi… bắt trộm. Vì những hiện tượng ảo giác ấy mà đầu óc của anh M. luôn căng như dây đàn, anh này cho biết, khi đó chỉ nhìn qua cũng biết là mình đã “chơi đá” bởi khuôn mặt lúc nào cũng căng thẳng. Chỉ khi nào tiếp tục sử dụng thì trạng thái căng thẳng đó mới chấm dứt.

Sau này, khi dừng cuộc chơi với “đá”, người đàn ông này mới nhận thấy độ nguy hiểm của loại ma túy này còn kinh khủng hơn heroin. Bởi sau 8 năm không sử dụng, anh M. tự nhận định mình vẫn có biểu hiện của người từng sử dụng ma tuý đá như méo mồm, hàm cứng, ngồi làm việc không thể tập trung quá 30 phút. Sự đeo bám ấy còn dai dẳng đến mức, có những lúc anh M. xuất hiện cơn “thèm nhớ”. 

Theo lý giải, vì đã từng sử dụng ma túy đá nên anh biết được tác hại nhưng cũng nhớ được những “phần thưởng” mà nó đem lại. Có thể khi gặp những vấn đề trong công việc, cuộc sống hay những bữa tiệc bạn bè vui quá, uống dăm ba chén rượu vào khiến mất kiểm soát thì mình sẽ nghĩ ngay đến “phần thưởng”, nghĩ đến cảm giác lúc mình sử dụng như thế nào.

Người “ngáo đá” có thể leo lên cột điện cao hàng chục mét do mất kiểm soát hành vi.

Hoang tưởng và sợ hãi

Anh Lê Kim Tuân, chuyên viên tư vấn đào tạo trị liệu tâm lý của PSD, cho biết ngoài câu chuyện của anh M., trong quá trình làm việc tại Trung tâm cai nghiện Nẻo về, cũng có nhiều trường hợp khiến anh phải cảm thấy đáng tiếc bởi họ đến với thứ chất độc này quá dễ dàng.

Đó là trường hợp của B.A.L (SN 1999, trú tại Hà Nội) một du học sinh, đẹp trai, thông minh và gia đình có điều kiện, sử dụng ma túy đá hoàn toàn là do sự tò mò khi giao lưu với đám bạn xấu. Sau quãng thời gian sử dụng ma túy đá, L. thường hay cáu gắt, đập phá đồ đạc trong gia đình khi bố mẹ đề cập đến việc cậu có sử dụng ma túy. 

Do ảo giác, lo sợ có người hại mình nên L. đã tháo hết camera, đồ điện tử trong nhà vì nghi ngờ có gắn chip theo dõi. Nhưng kinh khủng nhất đó là lần L. thả em của mình từ tầng 2 xuống vì nghĩ đó là con quỷ đầu thai vào nhà. Rất may lần đó, do có bố mẹ ở nhà nên người em không bị thương tích.

“Sau đó L. được gia đình dẫn đến trung tâm để tiến hành cai nghiện. Nhìn bức ảnh một thanh niên cao to, đẹp trai mà bố mẹ cậu ấy cho xem, không ai nghĩ người thanh niên với hai hốc mắt thâm quầng, cơ thể còn mỗi da bọc xương đến nghe tư vấn là cùng một người. Do dùng ma túy đá, không ăn không ngủ được dẫn đến việc cơ thể suy kiệt nhanh chóng”, anh Tuân kể.

Một buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy của PSD.

Do sử dụng ma túy đá thường xuyên, bị tàn phá nặng nề nên sau khi vào trung tâm cai nghiện được 6 tháng, L. vẫn có những biểu hiện “ngáo”. Có những đêm cậu bật dậy, liên tục ôm chân bạn cùng phòng và hét thất thanh “anh ơi cứu em”. Có đêm L. ngồi dậy sờ đầu mọi người, chúng tôi theo dõi camera thấy liền xuống hỏi thì cậu ấy bảo đang đi tìm… quả dưa chín rồi bổ ra mời mọi người. 

Những hành vi như của L. tại trung tâm cai nghiện cho người sử dụng ma túy đá không hề thiếu, theo lời kể của chuyên viên này, có người tưởng mình là Tề thiên đại thánh đòi tìm sư phụ, có người thì nghĩ mình có phép nên đòi nhảy từ tầng 3 xuống đất, còn có người cả ngày ngồi vô hồn, hỏi gì cũng chỉ biết cười…

Với mỗi biểu hiện khác nhau, bệnh lý khác nhau sẽ được điều trị khác nhau. Và đôi khi với các trường hợp đặc biệt sẽ phải tiến hành cách ly để không gây hại cho người khác. 

Theo chuyên viên tư vấn của PSD, việc sử dụng ma túy đá có nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau. Với người nhẹ thì chỉ thấy ảo thanh, ảo giác và dừng ở mức độ “nghi ngờ” giống như trường hợp của anh M. đã nói trên. Nhưng đến khi “ngáo đá” nặng, đó là gặp hoang tưởng, ảo giác, nghĩ bình bị đe dọa và nhìn người bình thường cũng thành một thứ khủng khiếp. Cùng với sự căm thù vô cùng tận do ảo giác tạo ra, thúc đẩy bản năng của con người khi gặp kẻ thù và bị dồn đến đường cùng nên đã xảy ra hành vi chống cự lại.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế về các bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp cho thấy, trên 77% bệnh nhân dùng ma túy đá bị loạn thần có hoang tưởng bị sát hại. Gần 45% bị “ảo thính”, nghe thấy tiếng đe dọa bên tai. Nếu dùng phối hợp với ma túy truyền thống và ma túy tổng hợp sẽ làm tăng số người có ý định tự sát. Trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần thì người bệnh tâm thần do ma túy đá là nguy hiểm nhất. Do bị hoang tưởng, ảo giác nên người nghiện thường hành động mất kiểm soát như: gào thét, chạy xe quá tốc độ, leo lên cột điện…

Để nhận biết người sử dụng ma túy đá, cần phải hiểu rõ về tác hại cũng như tác dụng mà loại ma túy này đem lại. Ví dụ như một người không hề ngủ mà vẫn có vẻ tỉnh táo và tràn đầy sinh lực, phải hết sức lưu ý khả năng người đó sử dụng ma túy đá.

Việc sử dụng ma túy đá lâu dài có thể dẫn đến lệ thuộc làm người sử dụng không thể duy trì được các hoạt động hằng ngày như trước đây. Chán ăn, giảm cân nhanh là dấu hiệu thường gặp ở người sử dụng ma túy đá. Cũng có thể nhận biết người nghiện ma túy đá qua vết bỏng trên môi hoặc ngón tay do thủy tinh hoặc ống kim loại khi sử dụng ma túy đá theo đường hút.

Nếu sử dụng ma túy đá đường tiêm chích, sẽ có dấu kim tiêm trên cánh tay. Chảy máu cam có thể là dấu hiệu của sử dụng ma túy đá theo đường hít qua mũi. Rối loạn hoạt động thể chất thần kinh như cực kỳ bồn chồn, có thể kèm có nhiều vết trầy xước hoặc vết khêu cậy trên da cũng là các dấu hiệu sử dụng.

Đã có nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà thủ phạm gây án trong cơn ngáo đá. Vụ án Dương Quang Bình trong cơn ngáo đá đã sát hại em rể là nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, tại nhà riêng tối ngày 18-2 vừa qua một lần nữa cảnh báo tác hại khủng khiếp của ma tuý đá với cộng đồng. 

Do đó, người nghiện ma tuý đá cần phải được cách ly khỏi gia đình, khỏi cộng đồng để cai nghiện và tránh hậu quả mà người nghiện trong cơn “ngáo” có thể gây ra với chính người thân, bởi một người nghiện ma túy đá cũng không khác gì người tâm thần.

Ma túy đá đang được người nghiện ưa chuộng vì nó đem lại cảm giác hưng phấn, gây khoái cảm, phấn khích, không còn cảm giác đói, mệt, thiếu ngủ…

Với người mới sử dụng liều thấp sẽ có biểu hiện tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng huyết áp và thân nhiệt, khô miệng, đổ mồ hôi, tiêu chảy, ăn kém ngon. Khi sử dụng liều cao, người dùng trở nên lắm lời, hiếu động, hung bạo, mất ngủ, không còn khả năng suy xét, tăng nhu cầu tình dục. Nhưng người sử dụng sẽ có những hành động kỳ quái do bị kích động. Sau đó là tình trạng thay đổi hành vi, tâm tính, luôn có cảm giác khó chịu. Nguyên nhân là do não bộ đã bị tổn thương do chất methamphetamine trong ma túy đá gây ra. Từ đó dẫn tới các hành vi hung bạo, liều lĩnh, mất kiểm soát không có triệu chứng báo trước hay còn được gọi là “ngáo đá”.

Việc đề phòng ma túy đá và người sử dụng ma túy đá cũng gặp nhiều khó khăn, do những người sử dụng chỉ có biểu hiện của việc thiếu ngủ, mệt mỏi, giống như một người làm việc căng thẳng, bị stress bình thường. Người nghiện ma túy đó có thể vượt qua cơn thiếu thuốc dễ dàng hơn so với những người nghiện heroin.

Hiền Trâm
.
.
.