Bản "mồ côi" sau cơn lốc ma túy

Thứ Hai, 04/01/2016, 18:00
Cơn lốc ma túy càn quét qua Chiềng Khừa (Mộc Châu, Sơn La), những người cha người mẹ dắt nhau đi tù, bỏ lại mái nhà xơ xác, tiêu điều, con thơ mồ côi, mẹ già lay lắt. Nhiều em gái lớn lên không dám lấy chồng vì những hệ lụy đau thương và nỗi ám ảnh thê lương từ "nàng tiên nâu".

Ma túy đi qua, nỗi đau ở lại

Mùa đông năm nay đến muộn, cái lạnh bớt khắc nghiệt hơn mấy năm trước, chiếc áo bông cũ kỹ của Vi Thị Hà không phải mổ ra nhét thêm vải vào nữa. Môi Hà đỡ tím tái, chân tay đỡ nhăn nheo và cái mũi không còn xổ dãi xanh lè khụt khịt. Duy chỉ còn nỗi cô đơn là chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn đứa trẻ lên 10 này. Nó đã bị trầy xước từ ba năm trước, khi cùng lúc cha mẹ nắm tay nhau đứng trước vành vóng ngựa.

Rồi cha bị tuyên tử hình, mẹ 18 năm tù cùng về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Bà nội ôm cháu vào lòng, mắt đờ đẫn không chảy nổi giọt nước mắt. Đây không phải lần đầu tiên bà Đinh Thị Lành chứng kiến cảnh con cái đeo cùm, đi dưới hàng rào Cảnh sát bảo vệ. Dường như cuộc đời bà sinh ra chỉ dành cho nỗi đau và sự chia ly. 10 năm trước, bà đã ngất lên ngất xuống tiễn chồng ra gò đất cuối đồi sau cơn sốc ma túy.

Những đứa trẻ lem luốc, đói rách ở bản.

Rồi vài năm sau, bà lại gói ghém quần áo cho đứa con trai đầu lòng đi cai nghiện. Nó cai xong về, lại tái nghiện, lại đi. Rồi cũng chết vì HIV. Đứa thứ hai lớn lên lấy vợ, sinh được cháu nội bụ bẫm dễ thương Vi Thị Hà, bà Lành đã có những giây phút vụt lóe hạnh phúc khi đón nhận đứa cháu đầu tiên của dòng tộc. Nhưng rồi vì tiền, vì lòng tham, vì sự u mê mù quáng mà đứa con trai của bà dẫn cả vợ đi buôn ma túy.

Bà Lành là một trong những phụ nữ đầu tiên gánh chịu nỗi đau ma túy ở xứ này. Gần hai thập niên trước, Chiềng Khừa là một vùng đất bình yên và đẹp thơ mộng. Dân bản Khừa chăm chỉ trồng sắn, khoai bên dòng suối Khừa hiền hòa, mát mẻ. Đùng một cái, ma túy tràn về, đàn ông, thanh niên trong bản kéo nhau đi làm thuê cho kẻ buôn, công việc nhàn hạ mà có nhiều tiền.

Rồi nhẩn nha, thử hút, thử chích một vài lần mà sức lôi cuốn thật khủng khiếp. Cái thứ "nàng tiên nâu" như mụ phù thủy, ám tận nóc nhà, quần nát nhiều mái ấm, lấy đi sức khỏe, mạng sống của những người đàn ông trụ cột trong gia đình. Bản Khừa tang thương, những ngôi mộ trẻ không ngừng lấn đất. Con nghiện vạ vật như xác không hồn khắp nơi. Kinh hoàng nhất là dịch AIDS, chồng lây sang vợ, vợ lây sang con, nhiều gia đình tiệt nòi tiệt giống vì ma túy.

Biết tin con bị bắt, bà Lành không còn giật mình thảng thốt nữa, cũng chẳng còn nước mắt để khóc. Bà lặng lẽ bế cháu đi gặp bố nó lần cuối, gặp mẹ nó để sau này hai mẹ con không quên mặt nhau. Sau lần được nhìn thấy bố mẹ ở chốn công đường, đêm nào Hà cũng hỏi bà: "Sao bố mẹ không được về nhà? Sao có nhiều chú Công an đi bên cạnh bố thế?".

Thường thì bà Lành sẽ trả lời: "Bố mày đi làm cho người ta lâu lắm mới về, còn mẹ mày đi chăm sóc bố". Năm nay học lên lớp 4 rồi nên Hà hiểu thêm nhiều chuyện, nghe người trong bản nói bố phạm tội phải chết, còn mẹ thì đi tù ở rất xa. Hà khóc từ đường về nhà, mếu máo hỏi bà có thật như người ta nói không? Bà Lành không vòng vo nữa, gật đầu thừa nhận.

Từ ngày hiểu chuyện, Hà không bao giờ hỏi về bố mẹ nữa, cũng ít nói chuyện với bà hơn và lặng lẽ một mình. Bà Lành ngày càng già yếu, nhưng không dám ốm, phải cố sống mà nuôi cháu, chờ cho mẹ nó ra tù mới dám chết. Mùa đông, bà ho khù khụ trong chiếc áo len chắp vá nhiều lớp nhưng vẫn cố ra vườn hái rau đi bán. Hai bà cháu chỉ trông chờ vào vườn rau và mấy luống hành cằn cỗi, chăm thật tốt để Tết năm nay có tiền ăn bánh chưng và thịt heo.

Từ ngày con trai chết, con dâu bị tuyên án, bà Lành đã chấp nhận nỗi đau, bởi bà hiểu, ở cái bản này, không riêng gì gia đình bà tan nát vì ma túy, không riêng gì con trai bà phải đền tội vì "cái chết trắng", mà còn nhiều đàn ông bị cuốn vào thứ "ma quỷ" chết người ấy đều chịu chung số phận. Không riêng gì con dâu của bà, mà nhiều người vợ cả đời hồn nhiên, trong trắng, chỉ vì những phút u mê đã sa lầy vào con đường tội lỗi, để lại những đứa con bơ vơ, lạc lối giữa cuộc đời.

Cơn lốc mà túy tràn về bản, những đứa trẻ như Hà không còn mùa xuân, không có tiếng nô đùa tuổi thơ. Những căn nhà vắng tanh, cô liêu phủ nỗi buồn u tịch cuối buổi chiều. Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa đã phải thẫn thờ thốt lên: "Ở đây đàn bà góa chồng, đàn bà đi tù nhiều lắm. Có người uất quá mà phát điên, phát dại rồi bỏ xứ ra đi. Tội nhất là mấy đứa trẻ, mồ côi và đói rách".

Những cuộc đời "mồ côi" biền biệt

Căn nhà cũ kỹ của hai anh em Vi Văn Dũng (22 tuổi) và Vi Thị Sen (18 tuổi) nằm ven con dốc lởm chởm đá của bản Tòng (xã Chiềng Khừa). Cha mẹ Dũng, Sen dắt nhau đi tù từ 5 năm trước về tội buôn ma túy. Dũng khi ấy đang học lớp 10 đã phải bỏ giữa chừng, còn em gái đang học lớp 6 cũng nối gót anh trai nghỉ học. Hai đứa trẻ bỗng chốc bơ vơ, không ai nuôi dưỡng bao bọc.

Con đường thơ mộng từ thị trấn Mộc Châu vào Chiềng Khừa.

Dũng đang là thanh niên trai tráng, có học hành, những tưởng sau cú sốc bố mẹ phạm tội sẽ khiến Dũng chán nản mà lao vào những nơi tăm tối. Nhưng Dũng đã vực dậy cuộc sống sau bi kịch gia đình bằng một ý chí và nghị lực vươn lên mạnh mẽ. Ngày đó, Dũng nghỉ học vì không có ai nuôi, không còn nơi nào bấu víu. Để có thể tồn tại, Dũng xin đi làm thuê, làm tất cả những việc người ta thuê để lấy tiền nuôi em gái.

Những ngày Tết, hai anh em được người dân xúm lại cho bánh chưng, cho thịt heo, cho quần áo. Hai đứa trẻ cứ thế lớn lên, hồn nhiên băng qua bao mùa đông rét buốt, băng qua tuổi thơ khốn khó và cô đơn. Bây giờ thì Dũng đã có việc làm ổn định ở một công ty vận tải Mộc Châu. Vi Thị Sen là một thiếu nữ xinh nức tiếng của bản, được nhiều thanh niên theo đuổi.

Sen đem lòng yêu một anh chàng ở bản Tông tận TP Sơn La, cách bản Tòng hơn trăm cây số đường đèo núi. Gặp nhau, yêu nhau đắm đuối nhưng Sen chưa về nhà bạn trai, không hề biết lý lịch trích ngang về gia đình, bản thân người yêu. Sen đâu biết, cha mẹ người yêu cũng đang "bóc lịch" trong trại giam, và người yêu là một con nghiện không có thuốc chữa. Anh ta trôi dạt khắp nơi, dấm dúi hút hít ma túy vì sợ Sen phát hiện.

Thông tin như sét đánh ngang tai, Sen nhốt mình trong nhà một tuần, khóc hết nước mắt. Ký ức về ma túy, nỗi đau dai dẳng vì phải sống cảnh mồ côi tràn lấp trong tâm trí của Sen. Vi Văn Dũng biết em mình yêu nhầm "con ma bột trắng", đã bỏ công việc về nhà khuyên can. Hơn ai hết, Dũng, Sen đều hiểu tương lai và hệ lụy tăm tối của ma túy. Hơn ai hết, họ đang sống và thẩm thấu nỗi đau khôn cùng ma túy đã gây ra, đã lấy đi người thân yêu nhất. Cuối cùng, Sen quệt nước mắt chia tay mối tình đầu.

Từ ngày đó, nhiều người để ý tán tỉnh nhưng Sen không dám yêu nữa. Sen bảo rằng, nếu có yêu ai chắc phải bỏ đi thật xa, tìm người ở vùng khác, vì ở đây ma túy càn quét khắp bản mường, len lỏi vào đời sống của thanh thiếu niên, thật khó mà cưỡng lại. Chẳng biết có chàng trai nào còn "trong trắng" với ma túy để mà yêu, mà lấy, mà yên tâm gắn cuộc đời.

Những người phụ nữ nhặt nhạnh những thứ từ rừng đem bán nuôi gia đình.

Sự lo lắng, dè chừng của em gái cũng là nỗi khổ của Dũng. Mang tiếng có cha mẹ đi tù vì buôn bán ma túy, Dũng lớn lên và hồn nhiên yêu đương. Nhưng mối tình đầu với một cô gái cùng bản đã bị gia đình bên kia phản đối, vì nhà đấy có người đi tù. Biết đâu, thằng con chả nghiện ngập rồi, sớm muộn cũng bị gông cùm.

Mối tình thứ hai của Dũng là một cô gái người Hà Nội, làm nhân viên một công ty du lịch ở Mộc Châu. Dũng yêu thương cháy bỏng, định dẫn nhau về ra mắt ông bà dưới Thủ đô, thì đùng một cái, bố mẹ cô gái biết gia đình Dũng đang phải gánh một bản án đen ngòm về ma túy, ông bà đã gọi điện lên té tát chửi Dũng và cấm cửa luôn.

Nhiều khi nghĩ tủi hổ, Dũng muốn dắt em gái bỏ xứ ra đi, đến một nơi nào thật xa cho khuất mắt thiên hạ, để không còn nghe sự miệt thị, lời phỉ báng vì có cha mẹ đi tù. Nhưng còn núm đất của tổ tiên, còn mồ mả của ông bà. Và còn ngày về đoàn tụ... Dẫu sao thì đó cũng là bố mẹ đã dứt ruột sinh ra mình, có trách móc, thù hận thì cũng chỉ làm đau đớn chính bản thân mình. Nghĩ vậy nên hai anh em Dũng cố gắng chăm chỉ làm việc, sống và chờ đợi ngày về của bố mẹ.

Chiềng Khừa những ngày giáp Tết, không gian mênh mông một màu sương trắng. Cái lạnh ngày càng rét buốt hơn, phủ xuống những mái tranh xiêu vẹo, chơi vơi khuất lấp giữa lưng chừng núi. Những đụn khói mỏng manh, leo lét cố rướn mình để bung ra khỏi gian bếp tù tối, nhuộm đặc bồ hóng. Và ngoài đường vắng hẳn bước chân vồn vã của trai làng, thay vào đó là những chiếc gùi còng lưng chở sắn, chở khoai, "chở" những cuộc đời "mồ côi" biền biệt. 

Ngọc Thiện
.
.
.