Thương hiệu "gia tộc 6 ngón" ở Brazil

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:37
Gia đình Da Silva sống ở ngoại ô Brasilia, Brazil bị ảnh hưởng của một loại gen di truyền nên 14 thành viên trong gia đình có 12 ngón tay và 12 ngón chân. Tuy nhiên, thay vì mặc cảm, tự ti về sự khác biệt này, các thành viên gia đình Da Silva đã tạo nên thương hiệu "gia tộc 6 ngón" khi một số thành viên tự tin tham gia đội bóng ở vị trí thủ môn hoặc chơi piano điêu luyện.


Ngón tay, ngón chân "thứ sáu" là tài sản, không phải sự cản trở

Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, khi phát hiện con cái mình có dị tật nào đó trên cơ thể đều dễ rơi vào tình trạng suy sụp. Tuy nhiên, với gia đình Da Silva lại khác. Họ cảm thấy tự hào khi có đến 14 trong tổng số 23 thành viên trong gia tộc được sinh ra với 12 ngón tay, 12 ngón chân.

Gia đình De Silva, được biết đến nhiều ở thành phố Brasilia với tên gọi "gia tộc sáu ngón", tất cả đều tin rằng, những ngón tay, ngón chân "thứ sáu" mà tạo hóa ban cho các thành viên trong gia đình là một tài sản, chứ không phải là sự cản trở. Có những thành viên trong gia đình nuôi dưỡng ước mơ trở thành nghệ sỹ dương cầm tài năng hay thủ môn cừ khôi.

Các thành viên trong gia tộc De Silva cảm thấy tự hào khi sinh ra có 12 ngón tay, 12 ngón chân.

Sylvia, một thành viên của gia đình De Silva nói rằng, "có 6 ngón tay trên một bàn tay, sáu ngón chân trên một bàn chân không bao giờ là vấn đề trở ngại đối với chúng tôi. Chúng tôi thích thú, tự hào vì sự khác biệt này".

Chia sẻ với các phóng viên, Guilherme, 7 tuổi nói rằng, "điều thú vị nhất khi có sáu ngón tay trên một bàn tay là cháu có thể giữ được rất nhiều thứ cùng một lúc". Với nghệ sỹ dương cầm tương lai Maria thì "điều tốt nhất khi có sáu ngón tay là cháu có thể chơi nhiều phím hơn trên cây đàn piano cùng lúc".

Thủ môn tiềm năng Joao Assis vui vẻ nói rằng, "cháu có thể bắt được bóng trong nhiều tình huống mà người khác không thể. Đối với cháu, việc bắt bóng, giữ bóng trở nên dễ dàng hơn. Với 12 ngón tay trên hai bàn tay, quả bóng khó có cơ hội trốn thoát".

Theo các thành viên trong gia đình thì ông nội Assis là người có công lớn trong việc biến "gia tộc 6 ngón" thành thương hiệu và điều đáng tự hào."Ông Assis đã biến "gia tộc sáu ngón" thành một thương hiệu có giá trị. Ông đã viết một cuốn sách và bàn tay sáu ngón của ông được in ngay trang bìa. Ông đã sáng tác nhạc và làm nhiều việc tốt cho gia đình và xã hội. Biểu tượng "gia tộc sáu ngón" đã trở thành niềm tự hào của chúng cháu", cháu nội Joao Assis nói.

Hội chứng di truyền polydactyly

Thành viên mới nhất của gia đình, cậu bé Vinicius cũng có sự khác thường như nhiều người thân khác. Gia đình hy vọng rằng, khi lớn lên, Vinicius có thể sử dụng tốt đôi bàn tay của mình như anh họ Joao Assis là thủ môn rất cừ hay chị họ Maria Morena có thể chơi đàn piano rất điêu luyện.

Anh Alessandro, cha của bé Vinicius nói, "đây là một điều mà các gia đình khác không có được. Bàn tay, bàn chân 6 ngón khiến chúng tôi nổi bật trong đám đông".

Bàn tay anh Alessandro có sáu ngón, trong khi bàn tay vợ anh - chị Katia có 5 ngón như những người bình thường khác. Điều đó có nghĩa là, con anh chị sinh ra có khả năng mang gen có 6 ngón tay là 50/50. Cậu con trai đầu lòng của anh chị là Guilherme sở hữu bàn tay, bàn chân sáu ngón. Khi mang thai, cặp vợ chồng này cũng hy vọng con trai thứ có đặc điểm tương tự.

Joao Assis De Silva mong muốn trở thành thủ môn. Joao Assis cho rằng, với đôi bàn tay thừa ngón, anh có thể bắt và giữ bóng chắc hơn so với những người khác.

"Chúng tôi biết Vinicius là một bé trai khi đến tuần thứ mười ba của thai kỳ. Từ lúc đó, chúng tôi luôn hy vọng thằng bé có bàn tay sáu ngón", chị Katia nói. Anh Alessandro cho biết thêm, "từ khi Vinicius chào đời, chúng tôi nhận thấy rằng, chức năng hoạt động những ngón tay của con thật hoàn hảo. Thằng bé đã cố gắng lấy mọi thứ. Tất cả các ngón tay đều hoạt động bình thường".

Được biết, hội chứng di truyền khiến người sinh ra có nhiều ngón tay và ngón chân được gọi là polydactyly. Hội chứng di truyền polydactyly tương đối phổ biến với tỷ lệ 1/3.000 ca sinh nở. Các nhà khoa học cho rằng, tỷ lệ trẻ sinh ra mang gen đột biến này cao hơn trong một số khu vực nhất định trên thế giới.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.