Thực hư cây thần kỳ "3 gốc, 1 ngọn"

Thứ Tư, 21/05/2014, 11:22

Không biết "cây thần" có thể chữa được bệnh tật hay không, nhưng vào những ngày lễ tết, người ta kéo về đây nườm nượp, chen kín xung quanh gốc cây khấn vái cầu mong "phép màu" hiển linh. Câu chuyện về một cây bình thường bỗng có khả năng thần thánh cứ thế truyền từ người này qua người khác, năm này qua năm kia, bất tận như không có hồi kết…

Xung quanh mặt trước của cây đa "3 gốc, 1 ngọn thần kỳ" là nhiều bát nhang khói nghi ngút, đồ cúng để mọi người khấn vái, bên vòng trong là vô số gương, lược, nến sáp - cái thì đốt gần hết, cái thì còn nguyên vất la liệt ngay dưới đất…

Không biết "cây thần" có thể chữa được bệnh tật hay không, nhưng vào những ngày lễ tết, người ta kéo về đây nườm nượp, chen kín xung quanh gốc cây khấn vái cầu mong "phép màu" hiển linh. Câu chuyện về một cây bình thường bỗng có khả năng thần thánh cứ thế truyền từ người này qua người khác, năm này qua năm kia, bất tận như không có hồi kết…

Cây đa được "thần thánh hóa" chữa được bệnh và mang lại may mắn?!

Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Lào, cách trung tâm TP HCM khoảng 150km, nằm trên địa bàn ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Do được trời phú có được cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều người đã ví ngọn núi này như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa một vùng đồng bằng ở cuối đất Đồng Nai. Từ lâu tên của ngọn núi này mang trong mình khá nhiều giai thoại và có lẽ ngọn núi này càng ngày càng kỳ bí, linh thiêng hơn nhờ có "cây thần" ba gốc một ngọn tọa lạc nơi đây. Thời gian qua, người dân khắp nơi luôn đổ xô đến đây, nhất là vào những ngày rằm, ngày lễ để cầu mong được "cởi bỏ bệnh tật và xui rủi" khỏi người.

Một ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi vượt hàng ngàn bậc thang mới đến nơi "ngự" của cây thần. Dọc đường lên núi, có thể dễ dàng thấy nhiều hàng quán bày bán nhang đèn, gạo muối, bánh trái, vàng mã các loại… cho khách hành hương làm lễ cúng thần. Gốc cây kì dị hiện ra trước mắt khách hành hương cao sừng sững, vững chãi giữa triền núi. Đúng như lời đồn cây có ba gốc, mỗi gốc có đường kính hơn 1m và mọc ở một điểm cách nhau khoảng 1,5m. Tuy ba gốc mọc ở ba điểm tạo thành hình tam giác nhưng ở phần ngọn chúng nhập lại với nhau thành một cùng tỏa tán lá sum suê, rộng lớn.

Nhận thấy hình thù kì lạ của cây đa thu hút sự hiếu kỳ của khách tham quan, ban quản lý Khu di tích lịch sử-danh thắng núi Gia Lào đã cho xây hàng rào bao quanh để bảo vệ cây. Tuy vậy, một số người vì thích ngắm nhìn cây đã dừng lại nghỉ chân và thắp nhang. Căn cứ vào các tàn nhang còn sót lại, những người mê tín dị đoan tự đồn thổi cây đa "ba gốc một ngọn" là nơi trú ngụ của các vị thần linh nên bất kì ai cũng không thể đốn hạ.

Qua thời gian, với sự thêu dệt của nhiều người, cây đa ba gốc một ngọn có những giai thoại nghe đầy vị kỳ bí và có phần ma mị. Chẳng hạn như, cách đây hàng trăm năm, một đám người đã lục tục lên núi để đốn cây lấy gỗ, nhưng khi thấy cây này có hình thù khác lạ, phần lớn không ai dám đốn hạ. Tuy nhiên sau đó, một tên lâm tặc tỏ thái độ khinh thị đã lấy búa chặt vào thân cây, lạ lùng là lưỡi búa lại dội ra nên tên này sợ hãi không dám chặt tiếp. Và không lâu sau đó, tên này mất mạng vì bị đá đè…

Câu chuyện trùng hợp một cách kỳ lạ đã khiến nhiều người bán tín bán nghi cho rằng cây này có thần linh ngự ở trong, nếu xâm phạm cây là xâm phạm thần núi, nên đã đến thắp nhang, dâng lễ vật thờ cúng. Cứ thế, thông tin cây đa ba gốc, một ngọn có sơn thần hiển linh được truyền đi rộng rãi khiến người dân ở các nơi đem lễ vật đến cúng bái, thắp hương suốt ngày đêm.

Hàng ngày vẫn có nhiều người đến dâng lễ vật cúng bái tại gốc cây đa.

Và cũng từ việc đồn đoán cho rằng cây đại thụ có thần linh trú ngụ, nhiều người đã nhân đó “thần thánh hóa” tán tụng: "Thần mộc ngàn năm tuổi rất linh thiêng trong việc trục xuất tà khí, đặc biệt là các chứng bệnh nan y quái ác mà y học bó tay"!?

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc (58 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) cho biết, bà được người thân và một số bạn bè mách bảo về "cây thần" này nên đã gác lại công việc để tìm đến đây. "Tôi làm ăn buôn bán và gần đây phát bệnh tiền đình nặng nên khi biết “cây thần” và sự linh nghiệm của cây, tôi đã cùng mấy người thân thuê xe lên đây, biết đâu nhờ thần linh ứng nghiệm tôi lại khỏi bệnh hay làm ăn may mắn thì sao. Khi đến đây, tôi được mấy người chỉ cách mua lễ vật và khấn vái - đầu tiên là khai tên tuổi với cây rồi dùng lược chải đầu, cầm gương soi tà ma, đốt đèn cầy gọi hồn là mọi bệnh tật đều tiêu tan hết", bà Ngọc vui vẻ bộc bạch.

Cũng không không ngại ngần tâm sự với chúng tôi, chị Lê Bảo Linh (45 tuổi, ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết, hai mẹ con chị cùng đến đây để mong "thần cây" trục xuất bệnh tật khỏi cơ thể. Nhưng do không lường trước việc đường đi lên núi quá cao và khó khăn nên nhiều lần mẹ con chị phải dừng lại nghỉ ngơi, phải mất một thời gian khá dài, mẹ con chị mới tiếp cận được "thần cây".

Chị Linh thật thà cho biết: "Mẹ tôi mắt bị mờ, cột sống cũng bị thoái hóa mấy năm nay. Dù đã đi điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình mẹ tôi vẫn không khỏi. Khi nghe nói về cây ba gốc, một ngọn có thể gửi gắm vận hạn cho con người, tôi đã quyết định đưa mẹ mình lên đây khấn nguyện. Tôi nghĩ với lòng thành hướng về các vị thần linh trú trong thân cây, chắc chắn những lời thật tâm của hai mẹ con sẽ được tiếp nhận. Cầu mong cho mọi phiền muộn, bệnh tật trong người của mẹ tôi sẽ tan biến"…

Những chuyện xô bồ, trái tai gai mắt dưới gốc "cây thần"

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khách hành hương khi đến đây đều gặp một lực lượng "cò mồi" lân la đến dò hỏi, mồi chài làm lễ giải hạn, giải bệnh. Những người này thường tỏ vẻ rất hiểu biết về sự linh nghiệm của cây khi cho rằng cây có khả năng đuổi vận hạn cho con người. Nếu ai có bệnh tật, vận nghiệp gì xấu, cứ đến làm một lễ cúng "gửi" vào cây "thần" này là tất cả sẽ đâu vào đó. Đặc biệt, với những người có bệnh hiểm nghèo khi đến đây, ngoài lễ vật bánh trái, nhang đèn thì phải mua lược "chải" bệnh, gương "soi" tà ma, đèn cầy "gọi hồn" chắc chắn bệnh tật sẽ tiêu tan!? Chi tiết này đã lý giải việc ngay dưới nền đất sát bên ba thân cây là la liệt nhang, lược, gương soi, gạo, nến sáp xanh đỏ, tím vàng nhìn rất bề bộn.

Cứ thế từng lớp người đến đây gần như đều lặp lại những hành động như vậy với một mục đích giống nhau là cầu tài cầu lộc, cầu cho bệnh tật tiêu tan. Thật khó tìm cơ sở hay những trường hợp thực tế để chứng minh cho điều này. Tuy nhiên, với tâm lý người bệnh thì vái tứ phương và nhất là niềm tin tâm linh không thể giải thích rõ ràng được nên cho đến nay nhiều người vẫn tụ tập về đây hàng ngày. Đương nhiên, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên truyền giải thích nhưng có vẻ lòng tin của nhiều người vẫn không suy giảm.

Và cũng chính vì lòng tin tâm linh này mà một số kẻ có dụng tâm không tốt đã lợi dụng điều này để vẽ ra những việc không hay như vác thuê, cúng thuê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đội quân cúng thuê ở khu vực này cũng khoảng 50 người. Họ được chia thành hai nhóm riêng biệt, mỗi nhóm có một trưởng nhóm đứng ra giám sát hoạt động và móc nối với các chủ xe khách để biết số lượng người lên núi khấn vái.

Với mỗi nhóm, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên mời chào, tiếp đón khách. Mỗi khi đã "mồi chài" được khách, đội ngũ này sẽ "chỉ dẫn", vẽ ra nhiều lễ vật được cho là rất cần thiết cho quá trình cúng bái. Dĩ nhiên, giá bán của các lễ vật này cũng sẽ cao hơn bình thường. Theo đó, một người hội đủ lễ vật dâng lên "thần cây" ba gốc, một ngọn thường gồm 10 món. Mỗi món bình quân từ 5-10 ngàn đồng. Chưa kể tiền công cho người cúng thuê, người đứng phía bên trong làm công việc quét dọn, đốt rác do người cúng đưa ra…

Lẽ thường một người khi đến đây thường cúng cho người thân hoặc cúng cho cả nhà, như vậy, với mỗi người phải có một lễ vật riêng, tất nhiên, chi phí cho lễ vật cũng nhiều hơn… Nếu khách nào đổi ý không muốn mua lễ vật, hoặc đã chuẩn bị lễ vật từ trước, những kẻ cúng thuê này sẵn sàng to tiếng trách móc, chửi bới, thậm chí là đòi tiền dẫn đường.

Ngoài chuyện lễ vật thì bài bản khấn vái cũng được những người này chỉ dẫn khá rõ ràng và gần như những người hành hương đến đây đều tỏ ra tin tưởng, nghe theo lời chỉ dẫn về bài khấn của những người cúng thuê: "Sơn thần chư vị ba gốc một ngọn năm non bảy núi, núi rừng linh thiêng Chứa Chan - Gia Lào. Hôm nay là ngày lành tháng tốt, con có đi chùa viếng Mẹ đến nơi đây thắp nhang, cầu nguyện giải sao, giải hạn, nặng nề buồn phiền, khúc mắc, rối rắm, khó khăn, bệnh tật tiêu trừ, nghiệp chướng tiêu tan. Cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu cho gia đạo trên thuận dưới hòa, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, mạnh giỏi bình an".

Đó là chuyện cúng thuê, việc vác thuê cũng được đội ngũ này dùng nhiều chiêu trò để móc tiền người hành hương. Lẽ thường nhiều người đến đây là những người cao tuổi, có bệnh tật nên việc leo núi sẽ gặp nhiều khó khăn. Biết được điểm yếu này, đội ngũ vác thuê thường hù khách hành hương về đoạn đường đi lên dài hơn con đường thực tế khiến cho nhiều người ái ngại, nản chí. Chẳng hạn, con đường từ dưới chân núi lên tới cây đa ba gốc, một ngọn dài chừng 1,5km. Người leo núi bình thường phải mất ít nhất khoảng gần một tiếng đồng hồ chưa tính thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đám người vác thuê lại bảo rằng đường đi dài gấp đôi, vì thế nhiều khách hành hương đành phải thuê lực lượng này để mang vác lễ vật lên núi… Chi phí cả gói vác thuê và cúng thuê thường dao động ở mức từ 250-300 ngàn đồng/người, đó là chưa kể nhiều khách hành hương còn cho thêm một khoản nhiều ít tùy lòng mỗi người…

Theo chính quyền địa phương, để chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự tại khu vực này, lực lượng chức năng đã thường xuyên túc trực kiểm tra, giám sát, xử lý hành chính những kẻ hành nghề mê tín dị đoan. Đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu được thực tế, tránh vướng vào những chuyện mê tín dị đoan

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban quản lí di tích lịch sử-danh thắng cảnh núi Gia Lào cho biết: "Trước giờ không có bất cứ tài liệu nào cho rằng cây "ba gốc một ngọn" có tác dụng chữa bệnh, loại bỏ xui rủi. Đó thực chất chỉ là lời đồn thổi mang tính thêu dệt của một số kẻ có dụng tâm không tốt.

Thực tế, cây "ba gốc một ngọn" là một loài cây họ nhà đa sống bám trên cây dầu. Cây dầu bị hút hết chất dinh dưỡng nên đã chết từ lâu, nhường chỗ cho cây đa sinh trưởng. Lâu dần cây đa phát triển, ba chiếc rễ lớn thõng xuống trở thành ba chân trụ, rồi phát triển to lớn như ngày nay. Do cây đa gần chùa nên khách đến viếng chùa thường sang thắp nhang ở gốc đa. Không ngờ, người mê tín dị đoan tung tin đồn thổi, đơm đặt thành ra thực trạng như hiện nay…

Để hạn chế tình trạng này, phía Ban quản lí đã phối hợp với chính quyền địa phương lên tận nơi làm việc với các đối tượng tuyên truyền mê tín dị đoan nên thực trạng này đã được hạn chế tối đa. Thế nhưng, vào dịp lễ tết, một số kẻ vẫn cố tình phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng hoạt động trở lại".

Ánh Xuân - Đ.N.
.
.
.