Thị trấn 80% dân sống dưới lòng đất

Thứ Hai, 19/03/2018, 13:12
Ở sa mạc miền Nam nước Úc xa xôi, nơi có nhiệt độ đạt tới 125oF (51oC) trong bóng râm, có một thị trấn gọi là Coober Pedy (nghĩa đen là "lỗ của người da trắng"), nơi người dân tự đào xuống đất để thoát khỏi cái nóng.


Coober Pedy là một công trình khai thác mỏ đá lớn nhất trên thế giới hiện nay và là một địa điểm đặc biệt, nơi có những ống khói vươn lên từ cát và những biển cảnh báo các lỗ hổng trong lòng đất.

Coober Pedy được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, như là kết quả của việc phát hiện ra đá quý opal có giá trị trong khu vực. Khai thác opal là một ngành công nghiệp khổng lồ ở Coober Pedy và nó được biết đến như là “thủ đô opal của thế giới”.

 Lịch sử của Coober Pedy có thể được bắt nguồn từ năm 1915. Vào năm đó, Cơ quan khảo sát New Colorado đã tiến hành tìm kiếm vàng ở phía nam Coober Pedy. Một nhóm bao gồm William và Jim Hutchison, cậu con trai 14 tuổi của ông cùng 2 cộng sự khác đã thành lập trại để tránh nóng sau nhiều ngày tìm kiếm không thành công. Vào ngày 1-2-1915, khi những người đàn ông đi kiếm nước, William nhìn thấy một vài mẩu opal trên mặt đất. Theo sau khám phá này, thị trấn Coober Pedy đã ra đời.

Ban đầu, Coober Pedy được đặt tên là Stuart Range Opal Field. Điều này nhằm vinh danh John McDouall Stuart, một nhà thám hiểm người Scotland, người châu Âu đầu tiên khám phá khu vực này của Úc vào năm 1858. Nhiều năm sau, năm 1920, nơi này được đổi tên thành Coober Pedy, một phiên bản tiếng Anh cho từ “kupa piti” của thổ dân, có nghĩa là “người đàn ông da trắng trong một cái lỗ”.

Kể từ khi William Hutchison khám phá ra những mẩu opal đầu tiên trong khu vực, Coober Pedy đã trở thành nguồn cung cấp đá quý lớn nhất thế giới. Một báo cáo năm 2016, cho biết có khoảng 70% lượng cung opal của thế giới đến từ thị trấn này.

Một tính năng độc đáo của Coober Pedy là nó gần như hoàn toàn nằm dưới đất. Những người khai thác đá opal ban đầu đã theo bước chân của Cơ quan khảo sát New Colorado lúc đầu xây dựng nhà ở của họ trên mặt đất. Họ đã cố gắng để thích ứng với khí hậu khắc nghiệt, rất nóng vào ban ngày và rất lạnh vào ban đêm.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ bắt đầu muốn chuyển xuống sống dưới lòng đất, nơi nhiệt độ sẽ không đổi, không quá nóng, hoặc quá lạnh. Theo một nguồn tin, nguồn cảm hứng này đến từ những người lính Úc trở về từ Mặt trận phía Tây sau Thế chiến I. Những cựu chiến binh này đã trải qua cuộc chiến tranh khu vực và áp dụng kinh nghiệm chiến tranh để cải thiện điều kiện sống trong ngôi nhà mới của họ. Các cư dân ở Coober Pedy cuối cùng trở nên có tay nghề cao trong việc xây dựng những ngôi nhà dưới lòng đất.

Trong những thập kỷ tiếp theo, vận may của Coober Pedy phụ thuộc vào giá opal trên thị trường. Ví dụ, trong thời kỳ Đại suy thoái, giá opal giảm mạnh, và sản xuất tại Coober Pedy hầu như đã dừng lại. Ngược lại, trong suốt những năm 1960, dòng người nhập cư châu Âu đã dẫn đến sự bùng nổ trong ngành công nghiệp, khai thác mỏ trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ và biến Coober Pedy thành một thị trấn khai thác hiện đại.

Từ đó, Coober Pedy đã dần phát triển thành một điểm đến du lịch. Các trang web quảng bá thành phố như một điểm nóng về du lịch trên internet, với các trang như “Ngôi nhà ngầm của Crocodile Harry”, ‘Phòng trưng bày ngầm” và “Mỏ và Bảo tàng Umoona Opal” được đánh dấu là địa điểm ưa thích. Ngoài tour du lịch thành phố ngầm và lưu trú tại các khách sạn dưới lòng đất, du khách cũng có cơ hội để tham gia vào “noodling” hay “fossicking’, tức là tìm kiếm opal trong đống đổ nát.

Và tính độc đáo của thị trấn ngầm cùng cảnh quan nơi đây đã thu hút sự chú ý của các nhà làm phim. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất đã có những cảnh quay ở đây là “Mad Max Beyond Thunderdome” năm 1985, với sự tham gia của Mel Gibson. Những phim khác như bộ phim hài “Adventures of Priscilla”, “Nữ hoàng Sa mạc”, bộ phim truyền hình thực tế “Top Gear” năm 1994…cũng thực hiện nhiều bối cảnh quay tại đây.

Trần Thắng
.
.
.