Rô-bốt Rồng bay lượn như… rồng

Thứ Hai, 16/07/2018, 11:10
Các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản đã chế tạo thành công Robot Dragon có thể bay lượn và di chuyển linh hoạt trong không gian hẹp khiến người xem liên tưởng đến một con rồng.


Nhóm chuyên gia robot tại Đại học Tokyo chế tạo robot Dragon với khả năng bay trong thời gian ngắn và tái sắp xếp các bộ phận của mình, Futurism hôm 26-6 đưa tin. Nhóm tác giả 6 người gồm: Moju Zhao, Tomoki Anzai, Fan Shi, Xiangyu Chen, Kei Okada và Masayuki Inaba. Dragon đã được giới thiệu và gây chú ý tại ICRA 2018 tại Brisbane, Australia vào tháng 5 vừa qua.

Tên gọi "Rồng" (DRAGON) của con drone này thực ra là viết tắt cho "Dual-rotor embedded multilink Robot with the Ability of multi-deGree-of-freedom aerial transformatiON". Nó được thiết kế dựa trên mô hình những con diều hình rồng truyền thống - vốn có đuôi được ghép từ một chuỗi các con diều nhỏ, liên kết lại với nhau. Mỗi con drone nhỏ được trang bị một cặp quạt có khả năng tinh chỉnh theo lực đẩy vector theo bất kỳ hướng nào. Toàn bộ con drone lớn lấy năng lượng từ một viên pin gắn dọc theo xương sống.

Theo các nhà chế tạo Đại học Tokyo, Robot Dragon gồm 4 bộ phận chính kết nối với nhau nhờ các khớp chạy bằng pin. Mỗi bộ phận được trang bị 2 cánh quạt giúp nó có thể bay lơ lửng trên không. 

Robot này cũng có thể cảm nhận không gian xung quanh và tự xác định cần chuyển sang hình dạng nào để vượt qua một khu vực cho trước. Nó được vận hành bởi Intel Euclid (thiết bị điều khiển đóng vai trò như bộ não, có khả năng lưu trữ dữ liệu, nhận biết chiều sâu, cảm biến ánh sáng, cảm biến nhiệt độ, khí áp kế…).

 "Trong không trung, Dragon có thể chuyển động tự do và thực hiện nhiều thao tác hơn các robot khác", Phó Giáo sư Đại học Tokyo Moju Zhao, chia sẻ.

Việc chế tạo thiết bị bay tự lái hoạt động trong nhà gặp rất nhiều thử thách, trong đó có vấn đề di chuyển ở không gian hẹp. Các nhà phát triển thường đứng trước 2 lựa chọn, theo IEEE Spectrum. Thứ nhất là thu nhỏ thiết bị bay, nhưng chúng có thể quá yếu và không thực hiện được nhiều nhiệm vụ. Cách thứ hai là làm khung bảo vệ bên ngoài, nhưng điều này cũng sẽ hạn chế khả năng hoạt động.

Hiện Dragon chỉ có thể duy trì trạng thái bay trên không khoảng 3 phút. Tuy nhiên, robot này vẫn linh hoạt và có nhiều tiềm năng phát triển. Nhóm chuyên gia dự định tăng số bộ phận ghép nối lên thành 12 và thêm tay kẹp để robot cầm nắm và di chuyển vật thể. 

Trong tương lai, phiên bản tiên tiến hơn của Dragon có thể hoạt động ở những không gian nhỏ và nguy hiểm, hỗ trợ công tác cứu hộ. Nó sẽ tìm kiếm người sống sót trong tòa nhà bị sập hoặc di chuyển gạch vỡ nếu cần.

Với khả năng uốn lượn, chú rồng máy này có thể di chuyển dễ dàng ở các địa hình phức tạp hoặc trong một không gian hẹp. Mặc khác khi được trang bị thêm "cánh tay robot", Dragon có thể giúp thực hiện các công việc đòi hỏi sự linh hoạt và chính xác hơn. Đây được xem là thế mạnh của chú rồng máy so với các thiết bị khác phục vụ trong lĩnh vực cứu hộ.

Ngoài khả năng bay lượn, các nhà khoa học cho biết Dragon còn có thể đi bộ trên mặt đất nếu được trang bị thêm chân. Điều này giúp chúng tiết kiệm pin hơn trong một số trường hợp cần thiết. 

"Chúng tôi sẽ tiến tới thiết kế một mẫu 'nhiều chân' với 4 module liên kết cơ bản. Khi đó robot không chỉ có thể bay, nó còn có thể đi trên mặt đất. Nó sẽ giúp tiết kiệm năng lượng hơn. Những quyết định tự động hóa liên quan phương thức di chuyển tùy thuộc vào môi trường quả thực là một nghiên cứu rất thú vị. Mơ ước lớn nhất của chúng tôi là tạo ra một robot hình người bay được, giống như một Iron Man không người lái vậy", ông Zhao nói thêm.

Văn Ưng
.
.
.