Phát “sốt” với khả năng ngôn ngữ lạ kỳ của “thần đồng nhí” 16 tháng tuổi
Không giống với những “thần đồng nhí” khác ở Việt Nam, tài năng của Tuệ Nhi được bồi đắp từ sự giáo dục kiên trì, không mệt mỏi của người mẹ bằng phương pháp “đa giác quan” ngay từ trong trứng nước.
“Thần đồng” đi chưa vững
Tuệ Nhi có tên gọi yêu ở nhà là Jerry, sinh ngày 31/5/2013. Nhi là cô con gái đầu lòng của anh Nguyễn Ngọc Toàn và chị Vũ Phương Thảo (cùng SN 1984, ngụ phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng).
Căn nhà xinh xắn nằm trong ngõ Trại Lẻ, phường Kênh Dương dạo này tấp nập lạ. Hỏi ra mới hay: ngày nào cũng có bà con, hàng xóm, láng giềng đến chia vui cùng gia đình chị Thảo với mong muốn tận mắt chứng kiến khả năng nói, đọc diệu kỳ của Tuệ Nhi. “Mắt chữ o, mồm chữ a”, tôi cũng vô cùng sửng sốt khi được “mục sở thị” điều này. Tuệ Nhi có khuôn mặt bầu bĩnh, đáng yêu, nước da trắng, mái tóc tơ đen nhánh. Vì mới 16 tháng tuổi nên giọng nói của Nhi vẫn còn khá ngọng nghịu.
Sau khi rót trà mời khách, chị Thảo đon đả dẫn tôi đi “tham quan” một vòng nhà ở. Phòng khách là nơi gia đình kê một chiếc bàn nhỏ, trên có bày rất nhiều cuốn sách thiếu nhi, từ điển con vật, truyện cổ tích. Kế cạnh, “đồ nghề” phục vụ cho việc dạy Nhi học được chị Thảo sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng: hộp đựng hạt bưởi, hộp chữ số, thẻ chữ tiếng Việt, Anh, Nhật, Trung, thẻ số, thẻ in màu hình đồ dùng….
Phía bên trong gian bếp xinh xắn là những hình thù ngộ nghĩnh, những biển báo giao thông đường bộ, những từ tiếng Anh kèm ảnh sinh động… được cắt dán tỉ mỉ trên tủ lạnh, máy giặt. Cầu thang cũng được bố trí để dán những bức tranh ảnh hình động vật, củ quả ngập tràn màu sắc. Phòng ngủ của “thần đồng” được trang trí bằng rất nhiều bức tranh nổi tiếng của Việt Nam cũng như thế giới. Màu sắc rất bắt mắt và tinh tế.
Ngày đầu tiên chị Thảo phát hiện được khả năng “diệu kỳ” đó là hôm cả nhà đi chợ Cát Bi (phường Cát Bi, quận Hải An) chơi, lúc này Tuệ Nhi chưa đầy 13 tháng tuổi. Qua quầy hàng ăn, bỗng Tuệ Nhi đọc từ “bánh khọt” trên biển rồi cười như nắc nẻ. Cả đoạn đường dài về nhà chốc chốc em nhắc lại tiếng “bánh khọt" xong lại cười có vẻ đắc thắng lắm.
Chiều tối cùng ngày, chị Thảo cứ thấy Nhi lẩm bẩm “thịt chó”, xong lại quay ra cười. Chị phải quay ra quan sát xung quanh xem có chữ “Thịt chó” nào không, ai ngờ, ngẩng mặt lên thì thấy quán thịt chó vừa bật đèn của chiếc biển quảng cáo.
Vài ngày sau, trên đường về quê ở huyện Vĩnh Bảo, chị Thảo tiếp tục “giật mình” khi nghe con nói các chữ “In màu các loại”, “Thuốc thú y”. Chưa kịp quay ra quan sát hàng quán ngoài đường, chị lại ngỡ ngàng khi Nhi tiếp tục lên tiếng “Cầm đồ”, “Trao đổi mua bán”… Thì ra, đó là những dòng chữ trên các tấm biển hiệu quảng cáo dựng bên đường.
Không chỉ có vậy, bé còn đọc vanh vách số đếm từ 1 đến 100. Về tới nhà, họ hàng, làng xóm lần lượt đến “thử tài” và ai nấy đều trầm trồ thán phục khả năng kỳ lạ biết đọc sớm này của bé.
Trong số sách vở được mẹ sắm sửa cho, Tuệ Nhi thích nhất là quyển “Cổ tích Việt Nam”. Bé cầm cuốn sách gần che hết nửa người nhỏ bé của mình và cất tiếng đọc rất nhanh. Đọc truyện chán, Nhi quay sang vơ lấy đống thẻ chữ tiếng Nhật, Anh và đọc làu làu. Nhi phát âm từ: nose, close, english, green, brow… rất chuẩn, tuy nhiên giọng còn nhỏ và ngượng nghịu. Được lúc, Nhi chạy lại chiếc máy giặt, mân mê ngắm nghía biển báo giao thông đường bộ.
Cầm các thẻ tiếng Trung trong tay, chị Thảo nựng yêu để Nhi đọc. Ngượng ngùng với người lạ, Nhi cứ tủm tỉm cười rồi lại giấu mặt sau lưng mẹ. Chị Thảo phải mất một lúc tán thưởng: “Hoan hô Nhi của mẹ! Nhi ơi, cố lên” và vỗ tay, Nhi mới đọc tiếng Trung kia thật to và cười khanh khách. Với mỗi thẻ chữ, Nhi đọc đi đọc lại và biểu cảm theo đúng ý nghĩa thực của từ như: đọc từ “eye” thì bé nhấp nháy mắt, từ “lip” thì bé nhoẻn môi cười…
Ba ngoại ngữ Anh, Nhật, Trung, bé học theo sự hướng dẫn của mẹ. Lúc này, bé chưa đầy 16 tháng tuổi và chân bước đi vẫn chưa thực sự vững chãi.
Dạy con từ khi còn trong bụng
Do bố Tuệ Nhi thường xuyên bám biển nên chị Thảo hay kể chuyện, đọc thơ và cho bé nghe nhạc cổ truyền, nhạc thính phòng ngay từ khi mới mang bầu. Chị kiên trì tạo sự tương tác, giao lưu giữa hai mẹ con cho đến khi Tuệ Nhi chào đời.
Mẹ của “thần đồng nhí” chia sẻ, câu chuyện hạnh phúc trên bắt nguồn từ phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Khi Tuệ Nhi còn chưa ra đời, chị quyết định nuôi dạy bé thành một người thành đạt.
Bé Tuệ Nhi. |
Trải lòng mình, chị Thảo tâm sự, may mắn lớn nhất của chị là biết đến cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vũ với nội dung cuốn sách về phương pháp giáo dục bé Lưu Diệc Đình. Diệc Đình được học bổng vào nhiều trường đại học khi mới 18 tuổi và quyết định chọn vào trường Havard. Rồi cứ thế chị say mê với những cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” hay “Cách dạy con của các bà mẹ Do Thái”…
Chắt lọc rồi áp dụng cho Jerry, hai tháng đầu tiên, chị kiên trì cho con nhìn hai màu đen trắng để luyện sự tập trung. Tháng thứ 3, chị bắt đầu dạy bé các con số và một vài từ đơn giản. Cứ tưởng chừng mọi nỗ lực trên chỉ là sự tập dượt ban đầu cho bé. Ai ngờ, kết quả mĩ mãn chị nhận được là: 7 tháng tuổi bé biết nhận diện mặt chữ và số; 10 tháng thì bé bắt đầu biết nói, đến 13 tháng thì bé đã đọc được 170 chữ. Cho đến hiện tại, Nhi đọc được tất cả các chữ.
Chị tiết lộ mình không hề dạy con từng chữ riêng lẻ trong bảng chữ cái. Vậy nên nếu để từng chữ cái một thì Nhi không đọc được. Nhưng điều kỳ lạ là bé lại có khả năng ghép các âm, vần với nhau để đọc thành tiếng hoàn chỉnh.
“Mình làm nghề “thầy đồ” dạy chữ, số gần 1 năm nay rồi. Trong đó, khoản việc chiếm khá nhiều thời gian là viết thẻ chữ, số. Riêng quốc kỳ của 50 quốc gia, mình “đầu tư” luôn một chiếc máy in màu về trợ giúp. Với Jerry học là chơi. Cháu luôn thích khám phá những âm lạ, những điều mới từ việc đọc. Nhiều lúc Jerry phải cố gắng mãi mới phát âm được những từ khó như rẽ phải, rẽ trái, khúc khuỷu, khuya khoắt… Nhưng cháu rất kiên trì và thích thú, nói đi nói lại như say mê lắm”, chị Thảo tâm sự.
Để có được thành công này, chị không ít lần cảm thấy hoang mang bởi có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc giáo dục sớm cho con. Người thì tán thưởng nhưng người lại lắc đầu vì sợ làm vậy, bé sẽ bị “nhồi nhét”, bị áp lực… rồi đánh mất tuổi thơ trong trẻo của mình. Nhưng nhìn thành quả con gái đọc sõi tiếng Việt khi tròn 1 tuổi, chị mới yên tâm rằng đã thành công ngoài mong đợi và vững vàng thêm với phương pháp của mình.
Theo lý giải của chị, từ khi biết từ “nóng, lạnh”, bé nói từ “nóng, lạnh” khi có cảm giác ấy. Bé vừa mở 1 quyển sách và vừa nói: “mở” cùng lúc…“Đó chính là học đa giác quan. Bé không học vẹt mà hiểu rõ ràng nghĩa của từ. Tuệ Nhi vẫn chơi đùa bình thường: vẫn được đi chăn bò, bơi lội, đi vườn trẻ, đi thể dục hay chơi cả những trò dân gian như nu na nu nống, đánh chắt, đánh chuyền…
Ngày ngày, mình cho con đi công viên hoặc đi bộ thể dục trong vòng 2 tiếng, còn lại, việc học chỉ chiếm 15 phút. Thay vào thời gian quấy khóc như mấy bạn thì con dành vào học chữ và số”, chị Thảo chia sẻ.
Hiện tại, chị Thảo đang làm kế toán của 1 doanh nghiệp, nên phần lớn thời gian dạy con, chị bố trí vào buổi tối. Còn lại, Nhi được bà nội chăm sóc ở nhà và tuân thủ theo đúng lịch học hằng ngày mà chị Thảo đã đề ra.
Chuyên gia nói gì?
Đem câu chuyện trên trao đổi với Tiến sỹ Đoàn Minh Tự, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Hải Phòng, ông khẳng định: Trường hợp Tuệ Nhi cần phải được nghiên cứu kĩ hơn trước khi có kết luận là “thần đồng”. Tuy nhiên chỉ riêng việc bé có những khả năng đặc biệt kể trên cũng là một vấn đề rất đáng để nghiên cứu về trí tuệ ngôn ngữ và logic.
Và hơn ai hết, chị Thảo hiểu rằng Tuệ Nhi vẫn cần được sống trong vòng tay nhân ái của cha mẹ, vẫn cần được quan tâm, an ủi, vỗ về… Vợ chồng chị cũng không quá cuồng vọng về con, chỉ mong con phát triển đúng hướng, giữ mãi sự ngây thơ, phù hợp với lứa tuổi. Mặc dù không biết tới đây bé sẽ giành được thành công ở lĩnh vực nào, nhưng bà mẹ 8X này cho biết con đường đi đến thành công đó chỉ có một là: nhận thức đúng mục tiêu, kiên trì không mệt mỏi.