Phát hiện tượng nhân sư 2000 năm tuổi
Bức tượng nhân sư này có chiều cao 38cm và rộng 2cm, được cho là có từ thời Ptolemy, khoảng từ năm 305 trước CN đến năm 30 trước CN, tức cách nay hơn 2.000 năm, được phát hiện trong một dự án nhằm thông thoát nước ngầm tại đền Kom Ombo.
Nhân sư là sinh vật nổi tiếng trong thần thoại Ai Cập, đại diện cho quyền lực Hoàng gia Ai Cập, có thân sư tử và đầu người, được điêu khắc theo hình dáng một vị vua. Nhân sư Ai Cập thường mang khuôn mặt đàn ông trong khi ở Hy Lạp thường là nữ. Nhân sư Ai Cập được miêu tả là lương thiện và sở hữu sức mạnh vĩ đại. Chúng mang nhiệm vụ canh gác, bảo vệ và thường được đặt ngoài lối vào đền thờ như thể đang canh gác những nơi linh thiêng này.
Tiến sĩ Mostafa Waziri, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao của Ai Cập cho biết bức tượng nói trên thuộc về vị vua Ptolemaios V, cai trị Ai Cập từ năm 204 đến năm 180 trước CN, được tìm thấy ở phía đông nam của ngôi đền cổ Kom Ombo, cùng nơi 2 phù điêu bằng sa thạch của vị vua này đã được khai quật cách đây 2 tháng. Ngôi đền Kom Ombo được xây dựng dưới triều đại của con trai ông, Vua Ptolemaios VI.
Việc tìm thêm được bức tượng nhân sư mới này sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể tiết lộ những thông tin mới về các vị vua sở hữu chúng, giúp giới khảo cổ khám phá những bí ẩn về Ai Cập cổ đại, một trong những nền văn minh xa xưa nhất trên trái đất. Tổng giám đốc của Bảo tàng cổ vật Aswan, ông Abdel Moneim Saeed, nói rằng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu bức tượng nhân sư mới được phát hiện.
Trước đó, một bức tượng nhân sư khác ở thành phố Luxor, cách 112 dặm về phía bắc Aswan cũng được phát hiện khi các công nhân đang thi công dự án làm đường giữa khu đền cổ Karnak và Luxort. Bức tượng lớn với mình sư tử và đầu người này có thể xuất hiện khoảng năm 2.500 trước CN, dưới triều đại Pharaoh Khafre và có những điểm tương đồng với tượng nhân sư cao 20m, dài 57m đứng hiên ngang như lính bảo vệ Đại kim tự tháp Giza và các công trình khác trên cao nguyên Giza.
Hiện bức tượng này vẫn nằm trong lòng đất nhưng các chuyên gia đã chuẩn bị kế hoạch để đào lên, theo Mohamed Abdel Aziz, người đứng đầu Cơ quan quản lý cổ vật tại Luxor. Tuy nhiên, việc khai quật có thể cần thêm thời gian do tuổi của bức tượng và việc khai quật có thể làm hư hại nó sau hàng nghìn năm nằm trong lòng đất.
Rõ ràng Đại nhân sư ở Kim tự tháp Giza, ngoại ô Cairo là bức tượng nổi tiếng nhất nhưng vẫn tồn tại một số bức tượng nhân sư nhỏ hơn ở Luxor. Song, tất cả tượng nhân sư và Đại kim tự tháp Giza là số ít các công trình cổ đại Ai Cập không có thư tịch mô tả và ghi lịch sử ra đời.