Peru:

Nhà tù giúp phạm nhân chuộc lỗi qua các "bộ cánh"

Thứ Năm, 21/04/2016, 13:30
Xưởng may trong nhà tù San Pedro, Peru luôn chật cứng máy may với những âm thanh phát ra từ máy khâu, kéo cắt vải… nhộn nhịp và tất bật. Cứ vài tuần một lần, tù nhân lại nhận được đơn hàng mới với phong cách khác nhau.


Carlos Uribe (67 tuổi), người đang thụ án 15 năm tù vì tội buôn bán ma túy, cho biết: "Chúng tôi cần những đối tác, những người tin tưởng để giúp chúng tôi chuộc lỗi lầm, kiếm tiền phụ giúp gia đình và khiến bản thân cảm thấy hữu ích, chứ không phải là những người vô dụng", hãng AP tháng 4/2016 cho hay.

San Pedro nằm ở quận San Juan de Lurigancho của thủ đô Lima, là nhà tù lớn nhất của Peru. Với hơn 11.000 tù nhân được nhốt trong một không gian thiết kế cho 2.500 người, sự nhồi nhét này dẫn tới tình trạng quá tải, ngột ngạt. Nhiều nghi phạm bị nhốt trong nhà tù mà chưa biết bao giờ được kết án. Tù nhân đang thụ án tại đây với những tội danh khác nhau. Nhiều người đang cố gắng chứng tỏ sự hối cải bằng những việc làm hữu ích.

Santos Arce Ramos đang thụ án 18 năm tù vì tội trộm cướp, anh đang cẩn thận cắt từng mảnh vải tại một xưởng may ở San Pedro. Với sự trợ giúp của nhà thiết kế Pháp Thomas Jacob, các tù nhân tại 2 nhà tù ở Peru đã tung ra các sản phẩm mang thương hiệu thời trang Pieta. Những phận đời bị xem là ngoài rìa xã hội đang tìm cách chuộc lỗi qua các sản phẩm quần áo làm đẹp cho đời.

Các phạm nhân đang gia công quần áo.

"Công việc may đo này giống như một trò chơi xếp hình, khá thú vị" - Arce (46 tuổi) nói, khi anh đang xếp từng miếng vải trên bàn làm việc. Acre là một trong số 30 tù nhân tại nhà tù San Pedro và một nhà tù nữ ở thành phố Santa Monica đang may các bộ trang phục cho hãng Pieta. Đây là thương hiệu thời trang do nhà thiết kế Jacob sáng lập năm 2012, chuyên về các sản phẩm thời trang mang phong cách đô thị: áo phông, áo khoác, áo vest đen, trắng và xanh…

Jacob nảy sinh ý tưởng sáng lập thương hiệu thời trang Pieta khi một người bạn dạy tiếng Pháp cho các tù nhân ở San Pedro mời anh tới đây cùng cô. Phấn khích với chuyến thăm này, Jacob đã đề nghị với các quản lý nhà tù cho phép anh mở một xưởng may tạo việc làm cho các phạm nhân. Sau đó, Jacob đã bỏ việc tại thương hiệu thời trang nổi tiếng Chanel, Pháp để toàn tâm toàn ý cho công ty thời trang mới của mình.

Jacob đặt tên cho thương hiệu của mình theo một tác phẩm điêu khắc của bậc thầy thời Phục hưng ở châu Âu là Michelangelo, mô tả Đức mẹ đồng trinh đang đưa nôi Chúa hài đồng. Jacob nói: "Tên Pieta tượng trưng cho bước cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn phục sinh, sự tái sinh của một con người là bất diệt. Đây cũng là hy vọng cho những tù nhân ở San Pedro. Nhà tù được xem là mặt tối của nhân loại, nhưng đã truyền cảm hứng cho tôi. Chỉ trong một năm sau khi thành lập, các tù nhân đã "cho ra lò" những sản phẩm chất lượng".

Thương hiệu thời trang Pieta do nhà tù San Pedro tạo ra.

Jacob tự thiết kế các mẫu trang phục, còn tù nhân cắt và may. "Ý tưởng được nảy sinh hoàn toàn trong khuôn khổ nhà tù" - Jacob nói khi một nhóm tù nhân đang may bộ sưu tập 2016, sẽ được bán trên mạng với giá 35 USD/chiếc. Mỗi tuần, Pieta sản xuất được khoảng 100 chiếc áo phông và trong 3 năm qua, hãng này đã bán được hơn 12.000 sản phẩm. Xưởng may trong nhà tù San Pedro chật cứng máy may và cứ 2 lần/tuần, Jacob lại chuyển các mẫu thiết kế của mình tới cho họ may. Các tù nhân được hưởng phần trăm từ mỗi sản phẩm.

Có thể nói, thương hiệu Pieta ngoài cống hiến cho xã hội vẻ đẹp, sự duyên dáng thông qua những bộ trang phục cá tính, phong cách, thì nó cũng toát lên khía cạnh nhân đạo.

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.