Những cuộc săn phù thủy thời hiện đại

Thứ Tư, 05/08/2020, 19:17
Hơn hai thế kỷ kể từ ngày châu Âu chấm dứt săn lùng những người bị vu oan là phù thủy, chuyện đó vẫn xảy ra hàng ngày tại lục địa đen. "Phù thủy" ở châu Phi bị đối xử như thế nào? Những người may mắn thoát nạn đã sống sót ra sao và điều gì khiến những người vô tội phải mang danh phù thủy?


Ký ức kinh hoàng

Trong các thư tịch cổ được ghi lại ở Mỹ và các nước châu Âu, nạn săn phù thủy đã chấm dứt từ cuối thế kỷ 18. Một người phụ nữ có tên Cory cùng 7 người khác là những "phù thủy" cuối cùng bị hành hình tại Mỹ vào ngày 22-9-1692. Sau thời điểm xử tử công dân Thụy Sĩ Anna Goldi vào ngày 13-6-1782, châu Âu cũng không ghi nhận thêm người nào bị kết án là phù thủy nữa.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nạn săn phù thủy đã hoàn toàn chấm dứt trên toàn thế giới. Bên kia bờ Địa Trung Hải, hàng ngày vẫn có không ít phụ nữ tại châu Phi bị kết án là phù thủy. Nếu không chạy trốn khỏi nơi đang sinh sống, điều duy nhất chờ đợi họ là cái chết. Trong trường hợp xấu nhất, một số người thậm chí còn bị hành hình công khai ngay trước mặt gia đình, người thân.

Vào ngày 16-3 vừa qua, Nam Phi ghi nhận một vụ án mạng kinh hoàng. Nạn nhân là một phụ nữ 83 tuổi bị người trong vùng gièm pha là phù thủy. Trong đêm kinh hoàng, một nhóm người xông vào trong nhà tấn công bà rồi dìm nước đến chết. Thi thể bà còn bị chúng thiêu rụi cùng ngôi nhà. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có đúng một thanh niên bị liệt vào danh sách nghi phạm gây án.

Phần lớn "phù thủy" là người cao tuổi, khiến họ càng dễ tổn thương trước các cuộc săn lùng.

Tháng 5-2019, một người phụ nữ 78 tuổi tại Nam Phi có tên Ntombizodwa Toto-Madikizela cũng bị sát hại vì mang danh phù thủy. Những thành viên còn lại trong gia đình bà, bao gồm 13 đứa trẻ, may mắn thoát chết khi những kẻ gây án phóng hỏa ngôi nhà. Đáng chú ý là 2 vụ án mạng trên đều xảy ra ở cùng một ngôi làng có tên Majuba, thuộc ngoại ô quận Sterkspruit và đây không phải chuyện hy hữu.

Những kẻ tự nhận mình là "thợ săn phù thủy" hành động theo một kịch bản chung. Chúng tìm đến những gia đình đông thành viên rồi nói người lớn tuổi nhất trong nhà là phù thủy. Khoảng một nửa nạn nhân là phụ nữ và có những người bị sát hại ngay trước mặt người thân như bà Madikizela. Sau khi giết nạn nhân, "thợ săn phù thủy" phóng hỏa thi thể họ cùng cả ngôi nhà như những giáo đồ mê tín thời Trung cổ từng làm.

Quá khứ và hiện tại

Trong thời kỳ châu Âu tiến hành những cuộc săn phù thủy ở thời Trung cổ, điều tương tự cũng xảy ra ở châu Phi. Khác biệt duy nhất là chúng vẫn liên tục xảy ra với sự ghi nhận của các học giả. Vào năm 1900, nhà văn John Joseph Kilpin Fletcher từng viết một cuốn sách và đề cập đến những hủ tục mê tín dị đoan tại Madagascar: "Một nhóm tín đồ Công giáo trói những người bị vu là phù thủy vào cột rồi thiêu sống họ. Trong đám lửa, các phù thủy vẫn liên tục cầu nguyện".

Trong nhiều thế kỷ, người châu Phi tin phù thủy là những kẻ bị quỷ ám. Họ có thể là bất cứ ai, đàn ông, phụ nữ hoặc trẻ em. Phù thủy phải bị tiêu diệt càng sớm càng tốt, nếu không chúng sẽ gây họa cho làng. Dấu hiệu nhận biết một phù thủy là khi một vài người sống xung quanh họ mắc bệnh nan y hoặc đột ngột qua đời, thế nên những "thợ săn phù thủy" đôi lúc là chính những người thân sống bên cạnh nạn nhân.

Tháng 6-2000, một phụ nữ 70 tuổi ở Nam Phi bị sát hại vì kẻ khác gièm pha bà là phù thủy. Nguyên nhân xuất phát từ việc một người hàng xóm với bà phải nhập viện vì lao phổi và em họ người kia quả quyết khẳng định bà đã "bỏ bùa" anh mình. Vào buổi sáng ngày xảy ra vụ án mạng, hung thủ đến gõ cửa nhà nạn nhân, hỏi thăm vài câu rồi bất ngờ tấn công. Một bé gái ở cùng nạn nhân cũng bị tên này sát hại cùng ngày.

Cũng trong tháng 6-2000 tại Nam Phi, một người đàn ông đã dùng súng bắn chết người hàng xóm là một phụ nữ 51 tuổi vì nghĩ bà là phù thủy. Tại cơ quan điều tra, hung thủ khai hắn làm vậy để trả thù mụ "phù thủy" khiến hắn mất đi cậu con trai duy nhất trong một vụ tai nạn. Đáng chú ý là nạn nhân và thủ phạm còn có mối quan hệ họ hàng xa, nhưng điều đó vẫn không khiến hắn ngại ngần cầm súng đến nhà sát hại người cô của mình.

Tính rộng ra, trung bình mỗi năm ở Nam Phi luôn có 50-60 người thiệt mạng do bị quy chụp là phù thủy. Bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương, bao gồm cả việc tuyên án cao nhất cho hung thủ, án mạng do săn phù thủy vẫn xảy ra phổ biến ở châu Phi. Vậy đâu là nguyên nhân đằng sau hàng loạt cuộc săn phù thủy thời hiện đại? Càng đào sâu vào từng vụ án, cảnh sát và các nhà khoa học lại khám phá thêm những sự thật đáng buồn khác.

Lạc giữa thế giới hiện đại

Sterkspruit là một vùng đất hẻo lánh ở Nam Phi và dân cư chủ yếu bao gồm người bản địa. Tỷ lệ người mù chữ ở đây rất cao và thu nhập bình quân đầu người cũng rất thấp. Họ không sống quần cư trong một vài khu vực nhất định mà chia ra thành từng cụm dân cư nhỏ ở những vùng hẻo lánh. Hạ tầng thông tin nghèo nàn, đường sá đi lại khó khăn, cộng thêm số lượng phương tiện di chuyển hạn chế biến nơi đây trở thành một ốc đảo lạc hậu giữa thế giới hiện đại.

Không đi học, không được đào tạo về kiến thức và pháp luật, thế nên phần lớn người dân tại Sterkspruit không có niềm tin vào khoa học. Họ một mực bám vào những hủ tục lạc hậu và tập quán địa phương làm kim chỉ nam trong lối sống hàng ngày, đến mức hiện tại họ vẫn tin sét đánh là do thần linh hoặc phù thủy gây ra. "Phù thủy bỏ bùa để gây ra sét đánh lên người dân trong vùng, chắc chắn là vậy", một người dân làng quả quyết.

Các tín đồ sùng đạo thường bị nghi ngờ là phù thủy

Cơ sở vật chất nghèo nàn và trình độ y tế hạn chế còn khiến Sterkspruit có số người đau ốm rất cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong vì bệnh tật tăng đột biến so với các khu vực lân cận. Càng có nhiều người mắc bệnh, dân địa phương càng tin việc này do phù thủy gây ra, từ đó họ tiến hành những cuộc săn phù thủy. Những người phụ nữ lớn tuổi, thấp bé và có mái tóc dài màu đen thường là đối tượng bị săn lùng nhiều nhất, bởi vì họ mang vẻ bề ngoài tương tự phù thủy trong truyền thuyết.

Một hành động khác khiến phụ nữ lớn tuổi gặp tai bay vạ gió với cáo buộc "phù thủy" xuất phát từ việc họ thường xuyên thực hiện những nghi lễ tôn giáo tại nhà.

Tệ nạn xã hội và thiếu thốn tình cảm gia đình cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ săn phù thủy tại châu Phi. Phần lớn hung thủ nằm ở độ tuổi từ 25 đến 30 nhưng có nhiều năm sống trong cô độc, cách xa gia đình. Họ thường mất cha mẹ từ sớm, lại không có điều kiện cắp sách đến trường nên thiếu người chỉ dạy, bảo ban. Cộng thêm việc thường xuyên uống rượu, hút thuốc, chỉ một lần chuếnh choáng hơi men cũng đủ khiến họ nghĩ mình là một "thợ săn phù thủy" và phạm tội.

Trong một số trường hợp hy hữu hơn, ngay cả những người có học cũng tham gia săn phù thủy, nhưng để phục vụ mục đích cá nhân của họ. Những đối tượng này quy chụp một người nào đó làm phù thủy để chiếm đoạt phần đất đai, tài sản của nạn nhân một cách hợp pháp thông qua cuộc săn phù thủy. Trong những vụ việc như vậy, kích động những đối tượng ít học dễ dàng hơn nhiều so với tranh chấp trước tòa.

Hải Sơn (tổng hợp)
.
.
.