Nhà hàng “thách thức sự kỳ thị HIV/AIDS” ở Canada
Những đầu bếp đặc biệt
Joanne Simons, lãnh đạo Bệnh viện Casey House ở Canada nói rằng: "chúng tôi thực sự muốn thách thức sự kỳ thị vẫn tồn tại trong nhận thức của nhiều người dân về HIV. Ý tưởng về nhà hàng “Smash Stigma” xuất phát từ một cuộc thăm dò mới đây ở Canada cho thấy, chỉ có ½ số người tham gia khảo sát đồng ý chia sẻ hoặc ăn thức ăn do người nhiễm HIV chế biến. Ước tính, trung bình mỗi ngày có 7 người Canada bị chẩn đoán nhiễm HIV, giảm không đáng kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
14 nhân viên nhiễm HIV của nhà hàng đã được đầu bếp hàng đầu Toronto - Matt Basile tập huấn tay nghề. Thực đơn nhà hàng phong phú với những món ăn có hương vị từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đầu bếp Muluba Habanyama, 24 tuổi, mồ côi cha mẹ chia sẻ: "nếu họ còn sống, bố mẹ tôi sẽ không tin đây là sự thật.
Những đầu bếp đặc biệt của nhà hàng “Smash Stigma”. |
Tôi là một người nhiễm HIV và đó từng là bí mật của gia đình. Khi còn nhỏ, tôi đã rất buồn thấy những đứa trẻ khác xa lánh vì phát hiện tôi bị HIV. Tôi phải ăn thức ăn đựng trong đĩa giấy và cốc giấy khi những người khác được dùng bát, đĩa thủy tinh. Tôi thực sự bị tổn thương. Có thời điểm, tôi đã rơi vào trạng thái trầm cảm”.
Muluba Habanyama công khai thừa nhận mình nhiễm HIV vào năm 2014. "Rất khó khăn để đưa ra quyết định công khai tình trạng của mình với mọi người. Tôi chỉ biết rằng, tôi không bao giờ muốn đi vào bóng tối thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi rất lo lắng, không biết điều gì sẽ xảy ra khi phải đối mặt với dư luận xã hội”, Muluba Habanyama nói.
Đầu bếp Trevor Stratton, 52 tuổi cho biết, ông nhiễm HIV từ 27 năm trước và những gì phải trải qua không hề dễ dàng. "Hãy thử tham gia hẹn hò với “vai diễn” là một người nhiễm HIV, bạn sẽ hiểu cảm giác của chúng tôi. Tôi luôn tiết lộ mình nhiễm HIV, ngay cả khi hẹn hò trực tuyến. Ngay lập tức, đối phương nói rằng, họ không muốn nói chuyện với tôi nữa”, ông Trevor Stratton nói.
Mẹ của Stratton là một người Canada bản địa. Ông Stratton đã tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân bản địa về HIV/AIDS. “Tại Saskatchewan, tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS gia tăng trong những năm gần đây. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho xã hội. Hầu hết người nhiễm HIV/AIDS là người dân bản địa và phần lớn bị nhiễm HIV do sử dụng ma túy", Stratton nói.
Sự kỳ thị vẫn là rào cản lớn nhất trong cuộc chiến với HIV/AIDS
Stratton quyết định ứng tuyển vào vị trí đầu bếp của nhà hàng “Smash Stigma”. Ông nói, đây là “bước ngoặt” quan trọng để khẳng định mình, góp phần xóa bỏ sự kỳ thị trong xã hội. "Chúng tôi cần sự giúp đỡ, cần “đồng minh”. Mọi người cần nhận thức rõ ràng rằng, chúng ta là những người yếu thế đang bị tổn thương nghiêm trọng vì sự kỳ thị của mọi người”, Stratton nói.
Bên trong nhà hàng “Smash Stigma”. |
Joanne Simons cho biết, Bệnh viện Casey House mở cửa từ năm 1988. Khách hàng đầu tiên đến khám chữa bệnh tại đây với bộ đồ kín từ đầu đến chân vì sợ lây nhiễm HIV/AIDS từ bệnh nhân khác. “Mặc dù đã có những tiến bộ to lớn trong việc điều trị HIV nhưng sự kỳ thị vẫn tồn tại. Nhiều người vẫn cho rằng, thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm HIV là có thể mắc phải “án tử” này”, Joanne Simons nói.
Thông tin về nhà hàng “Smash Stigma” gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra và đây cũng là cơ hội để Joanne Simons đưa ra giải đáp về “những huyền thoại” còn tồn tại xung quanh HIV.
"Có người hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu đầu bếp nhiễm HIV bị đứt tay? Câu trả lời là: giống như bất cứ nhà hàng nào trên thế giới, khu bếp nấu của chúng tôi đều có dụng cụ sơ cứu, sát trùng, đảm bảo vệ sinh, không có gì đáng lo ngại. Có người hỏi về nguy cơ lây truyền. Câu trả lời là: không có nguy cơ nhiễm HIV khi chia sẻ bữa ăn… Các bạn biết đấy, sự kỳ thị vẫn là rào cản lớn nhất trong cuộc chiến HIV/AIDS”, Joanne Simons nói.