"Người rừng" có khả năng giao tiếp với muông thú

Thứ Hai, 28/03/2016, 14:00
Vốn là người tài hoa, thông minh, gia đình đầy đủ nhưng người đàn ông lập dị ấy quyết định chọn chốn rừng sâu làm nhà, ngày ngày uống nước suối, ăn ngô, sắn, quả dại. Không những vậy, ông còn có khả năng đặc biệt: Giao tiếp với muông thú. 


"Chỉ có ở rừng tôi mới được là chính mình. Những âm thanh tôi phát ra chúng đều hiểu cả, tất nhiên những gì chúng thể hiện tôi cũng hiểu. Nếu không có chúng làm bầu bạn chắc tôi buồn chết mất". Người đàn ông dị thường này tâm sự.

Khả năng giao tiếp với muông thú

Cánh rừng già ở bản Tra (xã Toàn Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) xưa nay nổi tiếng thâm u bởi những câu chuyện liêu trai người ta thêu dệt. Chính vì thế, chẳng mấy ai dám bén mảng đến đây dù ngày hay đêm. Nắng đã lên lưng chừng núi nhưng khắp cánh rừng vẫn chìm trong sương mù tĩnh mịch. Đâu đó chỉ có tiếng mõ trâu lốc cốc của các mế người Mường đi chăn buổi sớm.

Vẻ mặt vui mừng của ông Bình khi nói chuyện với muông thú.

Thấy người lạ, bà Bùi Thị Oi hỏi: "Các cháu không sợ à mà vào đến tận đây? Rừng này thiêng lắm đó, chỉ có ông Bình "người rừng" mới dám đi vào tận trong sâu kia thôi. Người ta bảo ở núi này là nơi tụ tập của những oan hồn. Đêm nào chả nghe tiếng khóc ai oán phát ra? Mà giờ này gặp ông ấy chắc được, tôi mới gặp ông mang gạo cho lũ chuột, chim, sóc ăn đó".

Theo chỉ dẫn của bà Oi, chúng tôi phải vượt qua một con suối, sau đó băng qua một quả đồi khá lớn mới tới được chân núi của ông Bùi Văn Bình, người được mệnh danh là "người rừng của bản Tra".

Túp lều nhỏ của ông Bình nằm chon von giữa lưng chừng núi. Thấy chúng tôi tới, ông Bình đưa ánh mắt đầy cảnh giác rồi hất hàm: "Định lên khuyên tôi xuống núi chứ gì? Có lên chơi thì lên thôi, khuyên răn làm gì cho mất công. Tôi không xuống đâu!".

Ông Bình sinh năm 1968, đấy là người thân trong gia đình nói vậy chứ ông có còn nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi đâu! Ông sống ở khu rừng già này nhiều năm rồi, không vợ con, hàng ngày chỉ ăn măng, quả rừng và bầu bạn với chim muông. "Đừng nghĩ tôi ở đây là khổ sở nhé, hàng ngày tôi được sống với rừng, được bầu bạn với muông thú đó là ân huệ của rừng ban cho tôi", ông Bình nói đầy lạc quan.

Người dân ở bản Tra vẫn thường gọi ông là "người rừng", là kẻ bị trời đày. Ngày ngày lên rừng lấy sắn, măng và đu đủ ăn không bị trời đày thì cũng là bị con ma rừng bắt lên chịu tội. Ông bảo, cũng nhiều lần xuống núi, hòa nhập với cộng đồng nhưng không được. Chỉ có trở lại rừng ông mới thấy lòng mình thanh thản, thấy khỏe ra và là chính mình.

Ông sống âm thầm  với chính cái bóng của mình nhưng tuyệt nhiên không có một ngày nào buồn. Thế rồi biết bao câu chuyện liêu trai được người ta dựng lên. Họ bảo rằng những đêm trăng sáng, người dân xung quanh nghe thấy ông cười một mình. Cười vẳng xuống đến tận bản, cười suốt đêm. Đó là lúc muông thú kéo về đông như trẩy hội.

Khu rừng nơi ông Bình sinh sống nhiều năm qua.

Đang say sưa kể cho chúng tôi những câu chuyện nơi thâm sơn cùng cốc, ông Bình sực nhớ ra là mình chưa cho "bạn" chồn ăn. Có tận mắt nhìn ông cho chồn hoang, cho lũ chuột rừng ăn mới thấy ông yêu chúng đến thế nào. Trong túp lều của ông Bình thứ quý giá nhất có lẽ là bao gạo.

Điều đáng nói bao gạo ấy không phải lương thực cho mình mà là cho chim chóc, muông thú ở cánh rừng này. "Bao gạo này là của chị Hải (chị ruột ông) mang tiếp tế cho tôi đấy. Chẳng bao giờ tôi nấu cơm ăn cả, số gạo này cho "bạn" chim, "bạn" nhím, "bạn" sóc… trong rừng ăn đấy. Các chú mới đến, các "bạn" của tôi sợ chạy hết, nếu ở đây vài ngày tôi sẽ cho gặp, giới thiệu luôn".

Trước đó, bà Bùi Thị Hải có kể, nhiều lần thuyết phục em mình hạ sơn nhưng đều bất thành. Biết không thể nên gia đình cũng đành lòng, hằng tháng có mang gạo lên tiếp tế. Lần nào về con bà Hải đều báo lại, cậu mình ăn hết nhẵn gạo. Mọi người nghĩ ông Bình ăn khỏe nên sau này đều cho thêm gạo. Mãi sau này mới vỡ lẽ ra, ông Bình mang gạo đi nuôi con nhím, đám chim, con chuột trong rừng.

Bà Hải kể: "Chú Bình có thể huýt sáo thôi là cả đàn chim kéo về gần nhà hót râm ran. Chú ấy thương muông thú trên rừng lắm, chẳng bao giờ ăn thịt, khi thấy chúng bị thương là tìm cây thuốc cứu ngay. Mấy con chuột rừng, sóc rừng chỉ sống quanh quẩn ở lều của chú ấy thôi. Đêm đến có khi còn vào tận giường ngủ cùng ấy. Chú ấy nghe tiếng chuột kêu, sóc kêu là biết chúng cần gì, đang đói, vui hay buồn".

Ám ảnh cuộc sống văn minh

Giờ đây, hễ thấy có người lên núi tìm mình, câu đầu tiên gặp khách ông Bình thường nói: "Đừng vận động tôi xuống núi, tôi không xuống đâu. Ở đây mới là nhà, mới được sống thoải mái. Xuống núi sợ lắm". Hỏi lý do vì sao mà ông lại bảo xuống núi sợ thì ông Bình nhăn mặt kể lại: "Cách đây mấy năm, cán bộ địa phương lên đây động viên tôi về nhà. Họ bảo về nhà sẽ được sống sung sướng, được hưởng văn minh. Ốm còn có người chăm sóc, đói sẽ có người cho ăn, lại còn được xem tivi hay lắm. Thế là tôi đồng ý về. Nhưng chỉ về được một ngày thôi là tôi lại trốn lên đây luôn".

Lý do khiến ông Bình bị ám ảnh cuộc sống dưới xuôi là vì trong ngày về ông đã gặp rất nhiều "tai nạn". Bao nhiêu năm sống với cây cối, muông thú, nay về bản ông Bình thấy cái gì cũng lạ. Hôm đó, anh rể của ông phóng chiếc xe máy từ cổng về, vì vội chạy vào nhà đi vệ sinh nên quên không tắt máy. Lần đầu tiên nhìn thấy một "vật thể lạ" ông cũng bắt chước ngồi lên, tay ông cầm vào tay ga.

Ngôi nhà trong rừng sâu.

Chiếc xe rú lên một tiếng rồi phi thẳng vào cái chuồng lợn trước mặt. Xe một nơi, người bắn một nơi. Chiếc xe máy bị vỡ tan mặt nạ, ông thì mặt cắt không còn giọt máu, người ngợm trầy xước hết. Thấy em bị thương khắp người, chị gái đưa ông vào nhà rồi lấy thuốc đắp vào. Thuốc xót, ông Bình nhảy tưng tưng, la hét ầm ĩ. Sau đó ông chạy thẳng ra ruộng lấy bùn, đất chát vào vết thương.

Nhìn hành động hoang dã của em, chị ông Bình rất hoảng. Thấy chị gái sợ, ông Bình cười sảng khoái trấn an: "Ở rừng em vẫn làm thế mà. Trên đó làm gì có thuốc đâu. Thần rừng mách đất rất tốt để chữa trị vết thương mà. Mỗi lần em bị ngã toàn lấy đất đắp vào, chỉ vài ngày sau là khỏi thôi".

Tối hôm đó, gia đình chị gái làm tiệc mừng ông trở về. Anh rể ông rót ra một cốc rượu to, cứ tưởng đó là nước lọc nên ông tu ừng ực. Chỉ khoảng vài phút sau ông lăn đùng ra chiếu, bất tỉnh, một lát sau thì ông Bình chồm dậy nôn thốc nôn tháo.

Mọi người trong nhà lại tưởng ông bị trúng gió nên bế ông lên giường nằm. Đêm đó, chả biết ông khua tay múa chân thế nào mà chạm phải sợi dây điện mắc quạt khiến ông bị giật điếng người. Quá sợ hãi, ông lồm cồm bò dậy, vơ vội túi đồ đạc còn chưa kịp dỡ ra chuồn thẳng lên rừng. Kể từ lần đó, không một ai có thể thuyết phục ông hạ sơn thêm một lần nào nữa.

Cũng theo lời người chị gái ông Bình, trước gia đình ông sinh sống tại xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, khi xây dựng thủy điện Hòa Bình gia đình ông phải di cư về xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình. Trong số các anh chị em trong gia đình, ông Bình vẫn được xem là nhanh nhẹn, thông minh nhất lại có tài ca hát. Lớn lên, ông Bình nổi tiếng là một thợ mộc tài hoa, nhiều nhà trong vùng muốn cất nhà sàn đều tìm đến nhờ ông làm cho.

Chị gái ông kể lại, một hôm ông Bình đi làm về người cứ thẫn thờ, không ăn uống gì, ai hỏi gì cũng không nói, miệng cứ lảm nhảm điều gì đó. Tình trạng ấy kéo dài tới mấy hôm sau rồi ông đột ngột biến mất. Gia đình tìm đâu cũng không thấy. Đến tận vài tháng sau, có người làng mách đã nhìn thấy ông Bình trong khu rừng sâu ở Kim Bôi. Khi gia đình tới, ông Bình đã biến thành một con người hoàn toàn khác, ngơ ngác và xa lạ. Lần đó, ông nhất quyết không theo người nhà về lại dưới xuôi.

Bà Hải rưng rưng: "Khổ lắm cô chú ạ, nhà có không ở, người thân có chẳng ở gần cứ sống một thân một mình trong rừng sâu. Ốm đau chẳng ai hay biết, ăn uống thì hoang dã như muông thú. Lên núi thuyết phục nhiều có khi nó còn đuổi mình về. Nhiều đêm trời mưa bão, rét mướt nghĩ đến em mà chảy nước mắt. Nó như bị trời đày vậy".

Kể từ đó tới nay, chỉ có duy nhất một lần ông trở về. Lần trở về "bão táp" ấy đã khiến ông ám ảnh và bảo sẽ cạch đến già không bao giờ về lại nữa. 

Phong Anh
.
.
.