Lời giải cho bức tượng rắn bí ẩn

Thứ Hai, 10/02/2014, 13:00

Hàng trăm năm nay sử sách nước ta tốn biết bao giấy mực để ghi chép lại kỳ án hồ Dâm Đàm (1096) thời Vua Lý Nhân Tông. Nỗi hàm oan thấu đất trời của Thái sư Lê Văn Thịnh cho đến bây giờ còn chưa sáng tỏ. Thế rồi ngót nghét 1000 năm sau người dân tìm được bức tượng cụ rồng với hình dáng "đầu cắn thân, chân xé mình" tại chính ngôi nhà của vị Thái sư này. Bức tượng như thể hiện nỗi oan khiên đau đớn của một bậc danh tài đất kinh Bắc này. Bức tượng bí ẩn cụ rồng được người dân xã Đông Cứu (Gia Bình, Bắc Ninh) coi như báu vật, như một kiệt tác điêu khắc hiếm có.

Nỗi hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh?

Đã hơn 900 năm trôi qua, "khóa sinh" Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Minh kinh bác học (năm 1075 là khoa thi đầu tiên từ khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được lập ở Thăng Long). Ông được vào dạy học cho vua, sau được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên chức Thái sư của triều đình. Ông được coi như một "nhân vật khổng lồ" với những công trạng hiển hách.

Chính những công trạng của mình Thái sư Lê Văn Thịnh luôn là vị "thánh sống", bậc "đại tài đại đức" của mọi thời đại. Cho dù năm 1096, Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh đã vướng vào một "nghi án" khó tin, đau đớn như ác mộng. Tội "thí nghịch": đi du thuyền trên hồ Dâm Đàm (hồ đầy sương khói, tức Hồ Tây ngày nay) với vua, trong sương bay khói tỏa, Thái sư Lê Văn Thịnh đã lắc mình hóa thành hổ dữ toan giết chết vua Lý Nhân Tông! Xét công trạng và tài năng quá lớn của Lê Văn Thịnh, vua ân giảm xuống kiếp lưu đày. Nghi án này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực suốt gần 1000 năm qua. 

Tượng đá, tạc hình một cụ rồng dữ tợn. Chiều cao khoảng 0,8m; mỗi chiều dài rộng áng chừng khoảng hơn 1m. Bức tượng đá kỳ lạ này đập vào người xem một cảm giác lạnh sống lưng nhưng vô cùng sinh động một nỗi oan khiên bất tận. Hàm răng cụ rồng to, sắc nhọn, tàn độc, phẫn uất cắn phập vào thân của chính mình. Tay chân cụ rồng lởm chởm nanh vuốt, như thể vận công lực bẻ quặt cái đuôi mình về phía trước xé cào, muốn cắn đứt cái phần thân, phần đuôi đem vứt bỏ. Một tay thì bấu lấy khúc thân bên đối diện, vuốt sắc cắm phập, cảm tưởng cụ rồng đang hành xác để cho hả giận.

Pho tượng này là một kiệt tác nghệ thuật độc đáo, thể hiện tài năng của những nghệ nhân thời Lý.

Dân gian gọi rất hình tượng: bức tượng ông rồng "miệng cắn thân, chân xé mình". Bà con ở đây thờ phụng rất cẩn thận và chu đáo, với nghi thức phủ vải điều và nhang khói suốt từ khi đào được bức tượng (năm 1993).

Những lời nguyền còn vang vọng, những câu chuyện dân gian thuyết phục, bà con tin: có thể chính Thái sư Lê Văn Thịnh đã cho tạc bức tượng đá độc nhất vô nhị và cực kỳ rùng rợn này để bày tỏ với nghìn đời sau nỗi oan khiên thấu chín cõi trời đất của mình; cũng có thể, người đời sau thương xót cho tài năng đức độ bị dập vùi của ông nghè Thịnh mà cho dựng tượng rồi "yểm" xuống đất nhà quan Thái sư (vì sợ nhà vua khép tội phản nghịch). Nỗi oan tận cùng, khi mà bức tượng tạc ông rồng có hai tai nhưng "tai thông tai điếc". Tai thông sâu hoắm vào trong não; tai còn lại điếc đặc, nông choèn. Cái tai điếc kín như lời nhắn gửi với vị vua u tối đã khép ông nghè Lê Văn Thịnh vào tội thí nghịch oan khiên.

Bức tượng vẫn còn là điều bí ẩn

Không hiểu sao cứ đến kỳ hội thập đình vùng trời Đông Cứu lại mưa mù! Lòng dân gọi đó là nỗi oan khiên của Thái sư thấu đậm đất trời. Ông bị đày đi biệt sứ cho đến nay đã 915 năm không được minh oan. Công lao của ông được nhân dân đời đời còn nhớ. Tin hay không tin vào sử sách, tại sao hàng trăm năm trước nhân dân nhiều làng đã lập đền thờ người và long trọng tổ chức lễ hội linh đình vào ngày 6-2 âm lịch. Công và tội của ông, chỉ nhân dân mới có lời giải.

Ngôi đền thờ Thái sư nằm thanh tịnh, uy nghi dưới chân núi Thiên Thai, cả đình và chùa đều đi chung một cổng tam quan bề thế. Người dân nói, nơi đây chính là nhà của Thái sư Lê Văn Thịnh sống trước khi đỗ đạt ra làm quan. Thật kỳ lạ, chúng tôi được gặp bà Nguyễn Thị Sổ (70 tuổi), vợ của ông Nguyễn Đức Dinh, người đã phát hiện bức tượng đá ở lối lên chùa. Bà Sổ kể, khoảng năm 1992, khi chồng bà cùng một số người trong thôn thu dọn lối lên, ông đã lấy cuốc bới nhẹ đất, càng bới càng thấy khối đá hình thù kỳ lạ. Mọi người thấy thế hò nhau đào bới, bức tượng dần hiện ra trước mắt.

Biết đây là bức tượng quý lại được đặt trong khuôn viên đền thờ Thái sư, mọi người chỉ nhẹ nhàng dùng vật dụng thô sơ đào quanh. Phải mất hơn 1 tuần đào liên tục, pho tượng mới lộ thiên hoàn toàn. Tất cả làng sững sờ trước hình thù của bức tượng, điều đặc biệt đầu tượng hướng về phía thành Thăng Long. Ngay sau đó trai tráng trong làng được huy động cả trăm người để khiêng pho tượng lên. Thế nhưng mọi người dùng hết sức mạnh nhưng bức tượng không hề lay động. Thấy lạ, cụ thủ từ lúc đó là cụ Phan Đình Phô thắp hương, xin âm dương xin ý kiến ngài.

Kỳ lạ thay, sau đó những thanh niên trong làng chỉ ghé vai là nhấc được bức tượng này lên. Cụ Nguyễn Đức Đam (hiện là thủ từ đền Thái sư) chia sẻ: "Lúc đó tôi còn trẻ, là một trong những người trực tiếp khênh bức tượng đó lên. Quả là chưa làm lễ thì không cách nào nhấc được bức tượng đó lên, sau khi được "ngài" đồng ý, cứ như có người nâng giúp. Chúng tôi chỉ ghé nhẹ vai thôi cũng nâng được bức tượng cụ rồng lên sân đền".

Ngay sau khi pho tượng đá kỳ lạ được khai quật, lúc đầu người dân đặt tại sân đền thờ cũng và gọi là "ông rồng". Năm 2009, UBND tỉnh Bắc Ninh chọn đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là một trong 4 di tích trọng điểm của tỉnh để tu bổ, tôn tạo chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lúc này pho tượng mới được xây dựng miếng riêng, gọi là miếu Xà Thần. Miếu đặt ngay cạnh đình, nhìn về hướng đình.

Cho tới thời điểm này, ý nghĩa của bức tượng là gì vẫn đang được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đàm luận, chưa có hồi kết. Còn PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, người xưa, thông qua tượng thường phải có một ý nghĩa diễn giải nào đó. Nhưng với tượng tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh cho tới nay vẫn chưa hiểu được. Còn nói nó hàm ý cho nghĩa nghĩa câu chuyện oan sai của Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ là dân gian đồn thổi, và chỉ xuất hiện sau khi tìm thấy tượng năm 1991.

Với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Giảng viên Trường Đại học KHXH & NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: "Động thái "mồm cắn thân, chân xé mình" đúng là đầy ấn tượng. Với người hiện đại, trông sinh động và dễ sợ. Còn tại sao lại là hình tượng đó thì tùy thuộc vào bức tượng dùng để làm gì. Nếu là đặt dưới giếng thì đó có thể là cầu cho mạch nước tuôn trào, biểu tượng máu rắn là mạch nguồn cho sự phì nhiêu của đất đai phổ biến trên thế giới.

Nếu là trấn yểm thì có thể đọc nó là hành vi tự hủy hoại. Có thể đọc nó theo nhiều cách. Còn việc nói nó thể hiện hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ xuất hiện sau năm 1991 (thời điểm tìm thấy tượng - PV). Còn trước đó không có bất kể sử sách hay câu chuyện truyền miệng nào kể lại. Có thể xem nó là một bảo vật điêu khắc quốc gia vì tính cổ xưa, tính độc đáo, sự kì lạ và tính sinh động, biểu cảm nó đem lại".

Phong Anh
.
.
.