Kỳ lạ qua sông bằng cáp treo giữa thủ đô

Chủ Nhật, 14/09/2014, 19:00
Chuyện người dân liều mình qua sông bằng cáp treo tự chế cứ tưởng chỉ ở những miền sơn cước nghèo khó, thế nhưng hơn 1 năm nay giữa Thủ đô người dân (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) đã tự chế cáp treo qua sông với mục đích giảm sức lao động. Giải phóng sức lao động, hiệu quả kinh tế là điều không ai phủ nhận. Thế nhưng sự an toàn của cáp treo tự chế này vẫn là câu hỏi lớn của dư luận đang đặt ra.

Sáng tạo từ bộ óc nông dân

Bãi giữa sông Hồng thôn Mai Châu được xưa nay vẫn được coi là khu đất màu mỡ bậc nhất. Thế nhưng cũng chẳng nhiều người tha thiết bởi đò ngang cách trở. Chỉ những người thuộc diện khó khăn mới phải toài mình ra đó để tăng gia sản xuất. Chẳng nói ai cũng tưởng tượng ra khi qua được khúc sông Hồng này khó khăn đến thế nào. Mùa nước lên cả khúc sông cuộn ngầu sóng, thuyền thúng nhỏ nếu không chắc tay chèo rất dễ bị dòng sông nuốt chửng.

Đến mùa khô, nước cạn lại chẳng thuyền bè nào qua được. Chị Thu chia sẻ: "Khó khăn lắm chú ơi. Đất thì tốt thật đấy nhưng qua lại vất vả, mùa mưa thì nguy hiểm nước chảy xiết lắm. Còn mùa khô thì đến thuyền tôn, thuyền thúng cũng ì ạch mãi mới qua được. Nhiều khi trồng được chuối, được hoa màu vận chuyển sang cũng khó, lại còn mang giống, phân bón sang nữa".

Hơn một năm nay thôn Mai Châu (Đại Mạch, Đông Anh) nổi như cồn với khả năng sáng tạo cáp treo qua sông của mình. Từ những chiếc thuyền thúng run rẩy qua sông nay họ lại ung dung ngồi trên những chuyến cáp treo sang bãi giữa làm việc. Họ vẫn thường đùa với nhau rằng: "Đây là sự sáng tạo của bộ óc nông dân". Từ khi có cáp treo qua sông, dân Mai Châu giàu lên trông thấy. Đơn giản là vì việc vận chuyển phân bón, nông sản qua lại nhanh hơn, thuận lợi hơn. Cáp treo đặc biệt này được người dân thôn Mai Châu tự chế sau những lần thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh miền núi. Chẳng khó khăn để gặp được ông Dư, người có công đầu trong việc sáng tạo ra phương tiện đặc biệt này.

Ông Dư kể: "Bà con ở đây vất vả quá. Chúng tôi luôn mơ có một cây cầu nhưng chắc là không bao giờ có. Trăn trở, đau đáu nghĩ sao phải giải phóng cho được sức lao động của bà con chúng tôi đã sáng tạo ra cáp treo này. Sau nhiều lần đi du lịch, thấy người ta sử dụng cáp treo để vận chuyển người và đồ đạc. Về nhà tôi đã họp bà con lại, bàn bạc lên phương án sáng tạo ra cáp treo này. Cả khúc sông của thôn chúng tôi cho đặt 3 chiếc, mỗi chiếc chi phí khoảng 20 triệu đồng. Các cáp được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 7-2013. Hiện tại vẫn hoạt động rất tốt và chưa bao giờ có vấn đề trục trặc gì".

Cáp treo được vận hành theo cơ chế hoạt động của một động cơ xe máy. Dây cáp treo được nối qua ròng rọc thẳng xuống động cơ giúp lợi về lực và quãng đường đi, như vậy sẽ di chuyển nhanh hơn. Tổng chiều dài của cáp khoảng 180m, lòng sông rộng gần 100m. Khi vận chuyển người và hàng hóa qua sông, chỉ cần 1 người đứng ở khu vực điều khiển và đạp nổ động cơ, sau khi động cơ hoạt động, người điều khiển dùng tay trái ga như xe  máy, tay phải dùng để điều khiển phanh cáp treo.

Để đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa, mỗi bên bờ được chôn 4 trụ bê tông sâu trên 2m chân đổ trụ khá kiên cố. Ông Dư nói: "Những tháng cao điểm vận chuyển cũng chỉ hết khoảng 20 lít xăng. Trông thô sơ như vậy nhưng chúng tôi vẫn phải thay dầu, tra dầu, thường là mỗi tháng 2 lần. Chúng tôi đã tính rất kỹ trọng tải của cáp, có thể chịu được khoảng 150kg nhưng để đảm bảo an toàn cho người và tài sản chúng tôi chỉ chở khoảng nửa trọng lượng cho phép".

Mỗi lần nước lên, đoạn sông này lại chứng kiến nhiều thuyền bị lật nên cáp treo hiện nay kiêm thêm chức năng vận chuyển người. "Lúc đầu nhìn cáp treo có vẻ không an toàn, chênh vênh lơ lửng giữa sông, ai cũng sợ. Thế nhưng nó đã hoạt động được 1 năm rồi, rất an toàn nên mọi người dần quen. Những lúc đi làm về mệt mỏi lên cáp treo sang sông thấy thật nhẹ nhàng, thư thái. Tuy nhiên cáp treo ở đây vẫn nhằm mục đích chủ yếu là vận chuyển hàng hóa" - chị Phụng (Thôn Mai Châu) nói.

Hiệu quả kinh tế cao nhưng hậu quả khó lường

Không thể phủ nhận, từ khi có chiếc cáp treo tự chế này, nhiều hộ dân thôn Mai Châu đã giải phóng được rất nhiều sức lao động. Bà Đàm Thị Thu cho hay: "Công xuất hoạt động của chiếc cáp treo này bằng năng suất làm việc cật lực của 50 người trên một ngày. Không chỉ đỡ tốn công mà chúng tôi cũng giảm sức người đi rất nhiều. Ngày trước, lúc chưa có cáp chúng tôi thường vận chuyển phân bón, cây giống từ bờ bên này sang bờ bên kia bằng thuyền. Đến mùa thu hoạch lại vận chuyển nông sản từ bờ bên kia sang bờ bên này cũng đều bằng thuyền tất". Cũng theo bà Thu chia sẻ thì không phải mùa nào đoạn sông này cũng có nước.

Vào mùa khô nước nhiều khi chỉ sền sệt, đi thuyền cũng khó. Năm nào hạn hán có khi sông trơ đáy nên bà con thường phải gánh. Cả ngày, người nào khỏe cũng chỉ gánh được vài chục buồng chuối đưa về bờ bên này để đem đi bán. Nhưng cũng có khi vào mùa lũ, nước chảy xiết khiến chiếc thuyền nan bé tí tẹo của bà con Mai Châu không đủ sức giữ thăng bằng. Chị Tâm chia sẻ: "Đã là dân sông nước như chúng tôi thì ai cũng biết bơi nên nếu chẳng may bị lật thuyền thì cũng không lo chuyện bị chết đuối. Thế nhưng nhiều khi nhìn những tải phân đạm, phân lân hay những buồng chuối của mình bị chìm thì tiếc lắm. Tiền cả mà".

Không chỉ vận chuyển hàng hóa, nông sản, nhiều khi bà con cũng dùng cáp treo để chở người. Lúc đầu, không ai dám cả gan trèo lên chiếc cáp treo lủng lẳng giữa sông. Thế nhưng sau khi được thử nghiệm bằng những chuyến hàng an toàn nên bà con đã bắt đầu tin tưởng vào độ vững chãi và chắc chắn của chiếc cáp treo tự chế. Hầu hết người dân nào ở Mai Châu lần đầu đu cáp cũng đều có cảm giác hồi hộp thót tim. Có người khi ngồi lên cáp, ra đến giữa sông dây cáp bị chùng xuống, cả người và ghế ngồi đều bị chìm xuống sông. Lúc đó thì chỉ còn biết bám chắc vào sợi dây cáp rồi chờ người đến "cấp cứu".

Khi được hỏi từ khi đưa cáp treo vào sử dụng (năm 2013) đã xảy ra tai nạn nào đáng tiếc chưa thì bà con Mai Châu đều khẳng định là chưa. Hầu hết người dân đều nói rằng, cáp chủ yếu được dùng để chở hàng hóa và đã được chính quyền xã xuống kiểm định chất lượng nên mới được phép đưa vào sử dụng. Bà Thu phản ứng: "Nhà nước cấp giống cho chúng tôi, khuyến khích chúng tôi sản xuất. Việc chúng tôi tự chế ra cáp treo chủ yếu cũng là để làm sao cho việc sản xuất đạt hiệu quả cao nhất chứ có phải chúng tôi định kinh doanh, thu phí gì đâu. Nếu bây giờ nhà nước mà nói chúng tôi tự phát rồi bảo là việc này nguy hiểm đến tính mạng sau đó không cho sử dụng nữa thì có lẽ chúng tôi sẽ lại vất vả như xưa. Mà nói thật là người dân cũng chả có hứng thú mà làm việc nữa. Vì nếu tính công ra thì lãi lờ chả đáng bao nhiêu".

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì chiếc cáp treo tự chế mà một số hộ dân Mai Châu đang sử dụng rất thô sơ. Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu cứ tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài vẫn sẽ không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Thế nên cũng không thể vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua sự nguy hiểm tiềm ẩn.

Trao đổi với ông Lê Minh Đức, Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh: Khu vực bãi giữa của thôn Mai Châu có diện tích rất lớn, đây là khu đất rất màu mỡ, tuy nhiên lại rất khó khăn cho bà con bởi cách bờ vài chục mét. Đây là khu đất được địa phương tạo điều kiện cho dân mở rộng canh tác tăng gia sản xuất. Việc người dân sử dụng cáp treo vượt rạch sang bãi đã có từ 2 năm nay và đã được UBND xã Đại Mạch báo cáo. Cáp treo này là do người dân tự bỏ tiền ra làm để vận chuyển phân bón, nông sản như: chuối, ngô, bưởi, táo…

Tuy nhiêu việc qua sông của bà con còn tự phát, chưa ai sử dụng phao hoặc phương tiện bảo hộ khác. Đây là bãi đất bồi không phải đất định cư lâu năm, nước sông dâng lên theo mùa, vì thế xây dựng cầu là điều không thể. UBND huyện đã từng cảnh báo việc qua sông như vậy là nguy hiểm và có chỉ đạo UBND xã trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và quản lý. Cụ thể những khi nước lũ về bà con phải đặc biệt cảnh giác khi qua sông bằng cáp treo.

Phong Anh
.
.
.