Kỳ bí khu mộ cổ của quan lang xứ Mường

Thứ Tư, 10/07/2013, 12:20

Nằm hoang lạnh giữa những vạt ngô, mía thuộc xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Khu nghĩa địa đá Đống Thếch bao đời nay ẩn chứa những điều huyền bí. Người ta nói rằng đây là khu địa linh, chôn cất xác của dòng họ Đinh Công - danh gia vọng tộc của xứ Mường Động. Khi mai táng, khu mộ này được các quan lang dùng trinh nữ yểm bùa và tẩm thuốc độc khiến cho những kẻ gian trộm mộ hứng chịu những quả báo kinh hoàng. Thế nhưng trải qua hàng trăm năm khu di tích khảo cổ mang tầm cỡ quốc gia này đang bị xuống cấp do tình trạng đào bới cổ vật, thiếu kinh phí tu sửa.

Vùng địa linh của quan lang xứ Mường

Tọa lạc trên ngọn đồi cao nhất, được bao quanh là ngút ngát những vạt ngô, vạt đậu. Khu mộ Đống Thếch với những cột đá xanh cao ngạo nghễ đầy quyền uy, chứa đựng biết bao điều kỳ bí. Nắng tháng 6 miền sơn cước cũng không giảm đi được sự ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi tiếp cận khu mộ đá này.

May mắn chúng tôi được ông Bùi Văn Binh (70 tuổi), người đã từng 10 năm trông nom khu mộ đá cổ này dẫn đường chỉ lối. Ông Binh kể, đây là khu vực cực kỳ linh thiêng của xứ Mường Động. Là vùng núi non hình miệng rồng, chính vì thế các quan lang đã lựa chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng nhằm giữ long mạch cho con cháu đời sau được thịnh vượng.

Hàng trăm ngôi mộ ở đây đều là dòng dõi họ Đinh Công, thuộc hàng "danh gia vọng tộc" lúc bấy giờ. Tất cả các ngôi mộ đều được chôn tạo hình với những cột đá. Tùy vào cước sắc, quyền uy mà cột đá to hay nhỏ, nhiều hay ít được chôn. Ông Binh chia sẻ: "Những khối đá này được các quan lang mang về từ Thanh Hóa, nó được chọn lựa rất kỹ càng, biểu hiện của sự quyền uy, bề thế của các dòng họ quan lang xứ Mường".

Tương truyền, người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Mường Động này là bà vợ thứ ba của vua Hùng. Bà rời bỏ hoàng cung quyền quý, dắt theo hai người con lên đây khai hoang lập bản, tạo nên vùng đất trù phú. Khi mất đi, ba mẹ con đã hóa thành ba ngọn núi dáng rồng chầu về hướng kinh đô. Vì thế cứ vào dịp tết, các bản Mường dắt trâu, bò lên khu vực Đống Thếch mổ thịt làm lễ.

Khu mộ đá Đống Thếch.

Theo những tài liệu của dòng họ Đinh Công, cụ Đinh Công Cương là người đã đặt nền móng cho sự phồn thịnh của dòng họ. Cụ Cương vốn là người Ngọc Lặc, Thanh Hóa, mồ côi cha, từ nhỏ đã đam mê võ thuật, binh pháp. Khi vua Lê hành quân qua đây bị giặc phục kích, trong lúc nguy khốn cụ Đinh Công Cương đã "múa giáo, phò vua". Để ghi công của ông, nhà vua đã phong công thần và ban cho ông chữ "Công", đổi tên đệm từ Đinh Văn thành Đinh Công và giao cho trấn giữ vùng đất Kim Bôi, Hòa Bình ngày nay.

Ông Binh kể tiếp: "Khi ông chết, người ta phải dùng hàng chục con voi về Thanh Hóa chuyển đá ra làm mộ, việc làm mộ ròng rã nhiều tháng mới hoàn thành". Dứt lời, ông Binh chỉ vào phiến đá cạnh ngôi mộ nói: "Đây là phiến đá ghi công của con trai cụ Đinh Công Cương là Đinh Công Kỷ. Ông Kỷ là một vị tướng giỏi được nhà vua phong đến chức Quận công. Khi chết được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa, đoàn người đưa tiễn có đến hàng ngàn người, tiếng khóc tiếc thương, tiếng cồng chiêng vang dội cả một vùng đất này".

Từ đó, dòng họ Đinh Công ngày càng hưng thịnh, quyền uy. Chỉ có những người làm quan trong dòng họ Đinh khi chết mới được chôn cất trong khu vực Đống Thếch. Hàng năm khu mộ này được trông coi vô cùng cẩn thận.

Trinh nữ được yểm cho mộ cổ

Theo những tài liệu của dòng họ Đinh Công ghi chép lại, dưới những ngôi mộ là những vật dụng sinh hoạt của các vị quan lang khi chết đi còn di chúc cho người hầu chôn sống các cô gái xinh đẹp còn trinh tiết bên mình. Những cô gái trinh tiết này ngoài nhiệm vụ hầu hạ cho chủ nhân còn được xem như những nữ thần giữ của. Các cô gái sẽ được tắm rửa sạch sẽ, ăn của ngon vật lạ, ngậm sâm sau đó đem đi chôn.

Sau này các ngôi mộ được khai quật, người ta phát hiện rất nhiều hình nộm người. Ông Binh kể: "Các hình người này đều được yểm bùa, ngâm trong chất cực độc, ai chạm vào chất độc sẽ ngấm vào người cho đến chết".

Ông Bùi Văn Binh kể lại sự tích khu mộ cổ.

Xưa kia, đây và vùng rừng núi âm u, ít người sinh sống, hầu như ánh nắng chẳng bao giờ lọt tới. Những câu chuyện huyền bí được dân bản thêu dệt và lưu truyền qua hàng trăm năm. Vào những đêm trăng sáng, ánh trăng lan tỏa khắp các thân cột đá tạo ra những hình thù kỳ quái, cộng với gió núi nghe tựa tiếng tù và kéo quân khi gần, lúc lại văng vẳng. Hễ ai trót đặt chân vào vùng đất thiêng này, xâm phạm bất cứ thứ gì đều bị dây quấn quanh người, các cột đá làm cho mê muội đầu óc không biết đường ra. Nếu không có người cứu chắc chắn sẽ vĩnh viễn biến mất.

Ông Binh cười bình thản kể: "Các cụ kể lại, có lần một đoàn người ngựa nghỉ chân ở những cột đá, sáng hôm sau người dân chỉ còn thấy hành lý và đàn ngựa nhởn nha gặm cỏ, không thấy bóng người đâu cả. Sau mới phát hiện đây là đoàn người đi tìm cổ vật".

Cụ Bùi thị Bội (80 tuổi) người dân xã Vĩnh Đồng kể với giọng đầy bí ẩn: "Ngày trước có gia đình đánh liều đem mộ người thân vào khu mộ cổ chôn cất, mong con cháu được lộc. Ai ngờ sau đó cả nhà đều bị điên. Sau phải mời thầy mo về cúng, chuyển mộ đi chỗ khác mới khỏi đấy".

Chính những câu chuyện huyền bí, liêu trai được người ta thêu dệt đã khiến khu mộ đá cổ này được bao chùm lên một sự linh thiêng, chìm nghỉm vào rừng thẳm. Mới đây khu vực "Thánh địa" này đã được đánh thức bởi đám đào mồ cuốc mả tìm cổ vật. Nguy cơ một khu di chỉ độc đáo của người Mường sẽ biến mất nếu không có sự chung tay của cơ quan có thẩm quyền.

Tan hoang một di chỉ độc đáo

Không hiểu vì lý do gì khoảng 10 năm nay khu nghĩa địa đá cổ lại không có người trông nom. Trong khi những tên trộm bạo gan ngày càng manh động, đào bới xâm hại tìm cổ vật. Khu mộ Đống Thếch mang giá trị văn hóa cao, khảo cổ lớn vậy mà đang trở thành một khu hoang phế.

Trên nhiều phiến đá còn ghi những văn tự bằng chữ Hán.

Năm 1974, Viện Khảo cổ đã khảo sát, nghiên cứu, khu mộ hầu như còn nguyên vẹn với hơn 100 ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá có khắc chữ Hán. Nhưng phải cho đến những năm 1984, công việc khai quật mới được tiến hành. Khi các nhà khảo cổ đến khai quật thì hầu hết các ngôi mộ đã được đào bới, nhiều hiện vật bị lấy trộm.

Ông Bùi Văn Binh buồn bã chia sẻ: "Cũng vì khó khăn nhiều người liều lĩnh đến khu vực này đào mộ tìm cổ vật. Sau thành phong trào, người người khắp nơi kéo đến đây, rồi dân làng cũng đua nhau đi đào. Rất nhiều cổ vật được mang đi rồi bán cho thương lái. Người dân đào được cái chum, vại, bát cũng chỉ bán vài chục ngàn, kiếm cân gạo thôi. Thậm chí người ta đào được trống đồng còn đập vụn ra để bán đồng nát. Trước đây khu vực Đống Thếch như một công trường ngổn ngang. Dân buôn đồ cổ tứ phương kéo nhau về đây ăn dầm ở dề hàng tháng chờ mua cổ vật".

Theo quan sát của chúng tôi, các tấm bia khắc văn tự bằng chữ Hán, ghi lại thân thế, công lao của người đã mất cũng bị lấy cắp. Trong hơn chục ngôi mộ nằm rải rác ở khu A và khu B, ngôi lớn nhất còn đến 18 cây cột đá xung quanh, ngôi nhỏ còn vài ba cột. Ông Binh chia sẻ: "Những ngôi mộ ở đây gần như đã được đắp lại, các cột đá cũng được dựng lại. Trước đây cơ quan chức năng đã rót kinh phí về để xây tường và cho phục dựng lại những phiến đá quanh mộ nhưng bây giờ cũng ít được đầu tư"

Ông Bùi Văn Hùng, Phó bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng cho biết: Nếu không có biện pháp chắc chắn khu mộ đá cổ sẽ không còn nữa. Mặc dù hằng năm bộ Văn hóa cũng cho người về khảo sát nắm tình hình nhưng chưa có đầu tư về kinh phí.

Xã chúng tôi lại là một xã miền núi nghèo nên không có nguồn kinh phí để chi cho người quản lý, trông nom. Hiện nay chúng tôi giao khu vực đất này cho Hội cựu chiến binh của xã để trồng trọt tăng gia, nhân tiện trông nom khu mộ luôn. Chúng tôi đang có đề nghị nhà nước cho dòng họ Đinh Công trông nom khu mộ cổ này. Vừa là để họ hương khói cho tổ tiên vừa để bảo vệ khu vực khảo cổ quốc gia.

Trước tình trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Hoàng Việt Cường đã về thị sát, lắng nghe đề xuất bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã thống nhất đề xuất xây dựng nhà lưu niệm, làm đường, bãi đỗ xe; xây dựng cổng khu mộ, trồng cây xanh, tuyên truyền, huy động sức dân tham gia bảo vệ giữ gìn khu di tích.

Tạo một khu di tích  mộ cổ Đống Thếch xứng tầm khu di tích khảo cổ cấp Quốc gia là vinh dự, tự hào không chỉ của người Mường Hòa Bình mà của cả dân tộc Mường.

Phong Anh
.
.
.