Jakarta: Thành phố chìm nhanh nhất thế giới
- Một số dự án thành phố nổi kỳ lạ
- Calakmul: Thành phố 2 kim tự tháp và 3 viên đá
- Bảy ngày ở thành phố khó sống nhất thế giới
Jakarta nằm trên vùng đất đầm lầy, bên cạnh là Biển Java, và có đến 13 con sông chảy qua. Lũ lụt thường xuyên xảy ra ở Jakarta và theo các chuyên gia, ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng điều khủng khiếp nhất là thành phố rộng lớn này thực sự đang biến mất khỏi mặt đất.
10 năm chìm 2,5m
Heri Andreas, người đã nghiên cứu lún đất của Jakarta trong 20 năm qua tại Viện Công nghệ Bandung, cho biết: “Khả năng Jakarta bị ngập chìm không phải là vấn đề đáng cười. Nếu bạn xem xét các mô hình của chúng tôi, bạn sẽ thấy đến năm 2050 khoảng 95% Bắc Jakarta sẽ bị ngập”.
Điều này đã xảy ra rồi, Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm và đang tiếp tục chìm sâu thêm 25cm mỗi năm ở một số nơi, cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu với các siêu đô thị ven biển.
Jakarta bị chìm trung bình 1-15cm một năm và gần một nửa thành phố hiện nay nằm dưới mực nước biển, ảnh hưởng rõ ràng nhất là ở Bắc Jakarta. Cụ thể tại quận Muara Baru, toàn bộ tòa nhà văn phòng của một công ty đánh bắt cá đều bị bỏ hoang vì nước ngập lênh láng mà không thể thoát đi đâu được. Hay chợ cá ngoài trời chỉ cách đó 5 phút lái xe cũng trong tình trạng ngập lụt tương tự.
Ridwan, một cư dân Muara Baru thường xuyên ghé thăm chợ cá, nói: "Các lối đi giống như sóng, uốn cong lên xuống, dù mọi người vẫn đi lại được nhưng có thể bị xô ngã bất cứ lúc nào".
Bắc Jakarta trước đây từng là thành phố cảng và thậm chí nó còn có cảng biển Tanjung Priok, một trong những cảng biển đông đúc nhất của Indonesia. Với vị trí thuận lợi có sông Ciliwung chảy vào biển Java, vào thế kỷ 17, thực dân Hà Lan đã chọn nơi này để phát triển thành một trung tâm nhộn nhịp của họ. Song ngày nay các doanh nghiệp cảng ở đây đã kém phát triển, dân cư ven biển có cuộc sống nghèo khó vì tình trạng bị nước nhấn chìm dần...
Cô Fortuna Sophia sống trong một biệt thự sang trọng nhìn ra biển. Việc chìm nhà của cô không thể nhìn thấy ngay lập tức, nhưng cô nói rằng các vết nứt xuất hiện trên tường và cột trụ cứ 6 tháng một lần nên cô phải thường xuyên kêu thợ đến sửa chữa. Còn những người thợ bảo trì nói rằng các vết nứt do sự dịch chuyển của mặt đất.
Cô Fortuna Sophia sống ở đây được 4 năm nhưng hồ bơi của cô đã tràn ngập nhiều lần. Cô nói: "Nước biển chảy vào và bao phủ toàn bộ hồ bơi. Chúng tôi phải di chuyển tất cả đồ đạc lên tầng một".
Đáng báo động
Phần còn lại của Jakarta cũng đang chìm, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Ở phía Tây Jakarta, mặt đất bị chìm khoảng 15cm mỗi năm, khoảng 10cm ở phía Đông, 2cm ở miền Trung Jakarta và 1cm ở Nam Jakarta. Các thành phố ven biển trên toàn thế giới bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao và do biến đổi khí hậu gây ra.
Mực nước biển dâng cao xảy ra do sự giãn nở nhiệt - nước mở rộng do nhiệt thừa - và sự tan chảy của băng cực. Tuy nhiên, tốc độ mà Jakarta đang chìm, theo các chuyên gia, là đáng báo động. Nguyên nhân một phần là do người dân khai thác quá mức nguồn nước ngầm.
Khi nước ngầm được bơm ra, vùng đất phía trên nó chìm xuống như thể đang ngồi trên một quả bóng xì hơi - và điều này dẫn đến sụt lún đất. Tình hình càng trầm trọng hơn bởi quy định lỏng lẻo cho phép hầu hết người dân, từ các hộ riêng lẻ đến các nhà khai thác trung tâm mua sắm lớn... khai thác mạch nước ngầm để phục vụ nhu cầu cá nhân của họ vì chính quyền không thể đáp ứng nhu cầu nước của người dân. Các chuyên gia xác nhận các cơ quan quản lý nước chỉ có thể đáp ứng 40% nhu cầu về nước của Jakarta.
Ông Hendri - một chủ nhà cho thuê ở trung tâm Jakarta, kiểu ký túc xá gọi là kos-kosan đã sử dụng giếng khoan trong 10 năm qua để cung cấp nước cho người thuê nhà, cho biết: "Tốt hơn là sử dụng nước giếng khoan thay vì dựa vào chính quyền. Một kos-kosan như thế này cần rất nhiều nước".
Chính quyền địa phương gần đây mới thừa nhận những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác nước ngầm bất hợp pháp. Và đã bắt đầu có những đợt kiểm tra việc khai thác nước ngầm ở Jakarta.
Theo Thống đốc Jakarta Anies Baswedan thì mọi người nên có giấy phép, điều này sẽ cho phép các nhà chức trách đo lường lượng nước ngầm đang được khai thác. Các nhà chức trách cũng hy vọng rằng Great Garuda, một bức tường biển dài 32km được xây dựng trên Vịnh Jakarta cùng với 17 hòn đảo nhân tạo, sẽ giúp giải cứu thành phố chìm - với chi phí khoảng 40 tỷ USD.
Dự án này được Chính phủ Hà Lan và Hàn Quốc hỗ trợ để tạo ra một đầm phá nhân tạo, trong đó mực nước có thể được hạ xuống, cho phép các con sông của thành phố thoát nước. Tuy nhiên, liệu tường biển và đảo nhân tạo có thể giải quyết vấn đề sụt lún của Jakarta hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Ông Jan Jaap Brinkman, một nhà thủy văn học của Viện Nghiên cứu nước Hà Lan Deltares, cho rằng đầm phá nhân tạo chỉ có thể là một biện pháp tạm thời, và nó chỉ có thể giúp Jakarta thêm 20-30 năm để ngăn chặn sụt lún dài hạn.
Chấp nhận rủi ro
Giải pháp tối ưu mà mọi người đều biết là ngăn chặn việc khai thác nước ngầm và chỉ dựa vào các nguồn nước khác, chẳng hạn như nước mưa hoặc nước sông, nước máy từ các hồ chứa nhân tạo.
Ông Jan Jaap Brinkman nói rằng Jakarta phải thực hiện điều này vào năm 2050 để tránh sụt lún lớn. Nó không phải là một thông điệp mạnh mẽ và Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nghĩ rằng một biện pháp ít quyết liệt hơn sẽ được thực hiện.
Ông nói mọi người có thể trích xuất nước ngầm hợp pháp miễn là họ thay thế nó bằng cách sử dụng một cái gì đó gọi là phương pháp biopori - phương pháp đào một lỗ có đường kính 10cm và sâu 100cm xuống đất để cho phép nước được tái hấp thu vào đất.
Có một công nghệ để thay thế nước ngầm sâu tại nguồn của nó nhưng việc đó cực kỳ tốn kém. Tokyo sử dụng phương pháp này, được gọi là nạp tiền nhân tạo, khi nó phải đối mặt với sụt lún đất nghiêm trọng cách đây 50 năm. Chính phủ nước này cũng đã hạn chế khai thác nước ngầm và các doanh nghiệp được yêu cầu sử dụng nước khai hoang. Lún đất sau đó bị đẩy lùi. Nhưng Jakarta cần những nguồn nước thay thế để hoạt động.
Heri Andreas đến từ Viện Công nghệ Bandung, cho biết có thể mất đến 10 năm để làm sạch các con sông, đập và hồ để cho phép nước được bơm ở bất cứ nơi nào hoặc được sử dụng như một sự thay thế cho các tầng ngậm nước dưới lòng đất. Người dân Jakarta buộc phải chấp nhận cho tương lai của họ trong thành phố chìm này. "Sống ở đây là một nguy cơ", cô Sophia Fortuna nói. "Mọi người ở đây đều chấp nhận rủi ro đó".