Độc đáo “sư robot” thời công nghệ 4.0 ở Nhật Bản

Thứ Tư, 21/08/2019, 20:59
Một ngôi chùa 400 tuổi ở Nhật Bản đưa vào sử dụng “sư robot” có tên gọi là Mindar. Vị sư robot thời công nghệ 4.0 này có thể thuyết giảng các bài giáo lý Phật pháp.


Một số người cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi cách thức tiếp cận của tôn giáo, trong đó có Phật giáo trong tương lai gần.

Tiếp cận thế hệ trẻ theo cách mà các nhà sư truyền thống không thể

Robot có kích thước như một người trưởng thành bắt đầu đưa vào sử dụng tại chùa Kodaiji ở Kyoto vào đầu năm nay. Mindar có thể di chuyển thân, cánh tay và đầu. Mặt, bàn tay, vai được bọc bằng silicone giống như da người. 

Một máy quay video nhỏ được lắp đặt ở mắt trái, giống như người máy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood. Nắm chặt hai bàn tay lại với nhau với giọng điệu trầm ấm, Mindar thuyết giảng các bài giảng Phật pháp về sự nguy hiểm của ham muốn, giận dữ, bản ngã trước nhiều phật tử.

Robot Mindar có thể thuyết giảng các bài giảng Phật pháp về sự nguy hiểm của ham muốn, giận dữ, bản ngã trước nhiều phật tử.

“Sư robot” được sản xuất với chi phí gần 1 triệu USD trong một dự án hợp tác giữa nhà chùa và Giáo sư nghiên cứu về người máy nổi tiếng Hiroshi Ishiguro tại Đại học Osaka. 

“Robot này sẽ không bao giờ chết, nó sẽ tiếp tục tự cập nhật và phát triển. Đó là vẻ đẹp của robot. Nó có thể lưu trữ kiến thức mãi mãi và vô hạn. Với trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi hy vọng nó sẽ phát triển trí tuệ để giúp mọi người vượt qua cả những rắc rối khó khăn nhất. AI đang thay đổi Phật giáo", sư thầy Tensho Goto nói.

Sư thầy Tensho Goto nói thêm, ảnh hưởng của tôn giáo đối với cuộc sống hàng ngày có dấu hiệu suy giảm ở Nhật Bản và ông hy vọng, Mindar có thể tiếp cận thế hệ trẻ theo cách mà các nhà sư truyền thống không thể. 

“Những người trẻ tuổi luôn nghĩ rằng, một ngôi đền là nơi tổ chức đám tang hoặc đám cưới. Tôi hy vọng, robot là một cách thú vị để tiếp cận những người trẻ tuổi, thay đổi suy nghĩ, thu hẹp khoảng cách giữa họ với Phật giáo. Chúng tôi muốn mọi người nhìn thấy robot và nghĩ về bản chất của Phật giáo”, sư thầy Tensho Goto nói.

Tuy nhiên, sư thầy Goto cũng nhấn mạnh rằng, việc sử dụng “sư robot” Mindar không phải là mánh lới quảng cáo để tăng thu nhập từ khách du lịch. Mindar cung cấp các bài giảng kinh điển bằng tiếng Nhật cho du khách biết tiếng Nhật, các bản dịch bằng tiếng Anh và tiếng Trung phục vụ du khách nước ngoài. 

“Những bài giảng dạy chúng ta cách vượt qua nỗi đau. Đây là nơi mà bất cứ ai tìm kiếm sự giúp đỡ đều có thể được đáp ứng. Mục tiêu của Phật giáo là giảm bớt đau khổ của con người. Xã hội hiện đại đặt ra nhiều vấn đề nhưng mục tiêu của Phật giáo không thay đổi trong nhiều ngàn năm qua”, sư thầy Goto nói thêm.

Những ý kiến trái chiều

Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Osaka cho thấy, nhiều du khách có phản hồi tích cực về sư robot Mindar. Một số người bày tỏ sự ngạc nhiên về vẻ ngoài giống như người thật của robot. 

"Tôi cảm thấy sự ấm áp không giống như chiếc máy hay robot thông thường", một trong những người được thăm dò nói. "Lúc đầu, tôi có cảm giác thiếu tự nhiên nhưng sau đó quen dần và cảm thấy thú vị. Những lời giảng dạy khiến tôi suy nghĩ sâu sắc về đúng, sai trong cuộc sống”, một người đi chùa khác trả lời.

Sự xuất hiện của “sư robot” Mindar nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Bên cạnh phản hồi tích cực, cũng có không ít phản hồi tiêu cực. Một số cho rằng, sư robot xuất hiện không thuyết phục vì “quá giả tạo". "Bài giảng không mang lại hứng thú cho người nghe. Biểu cảm của robot cứng nhắc, quá kỹ thuật", một người dân nhận xét.

Kodaiji cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích chủ yếu là từ khách du lịch nước ngoài vì cho rằng, “đã can thiệp vào sự tôn nghiêm của tôn giáo”. Phần lớn những phản hồi tích cực đến từ du khách Nhật Bản. Người phương Tây có vẻ khó chịu với sự xuất hiện của robot. Họ thậm chí còn so sánh  Mindar với quái vật của Frankenstein", sư thầy Tensho Goto cho biết.

Sư thầy Goto nói thêm rằng, rõ ràng là một cỗ máy không có linh hồn nhưng cái quan trọng là niềm tin vào Đức Phật, niềm tin đó không phải ở cỗ máy hay cái cây cụ thể. "Trí thông minh nhân tạo phát triển và mọi thứ cũng cần có sự thích ứng với những biến đổi. Chúng tôi hy vọng rằng, sự xuất hiện của robot sẽ chạm đến trái tim và tâm trí của mọi người”, sư thầy Goto nói.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.