Ly kỳ hang quan tài "ma Xá" ở miền Tây xứ Thanh:

Đi tìm gốc tích người Xá từ những khúc xương bí ẩn

Thứ Sáu, 21/11/2014, 21:00

Nói đến hang quan tài, nhiều người tự đặt ra cho mình các câu hỏi: Liệu những cỗ quan tài kia thuộc bộ tộc nào?, tại sao trong hang vẫn còn xương người chết?. Phải chăng bộ tộc này bị giết nhiều người cùng một lúc?. Thời gian gần đây, người dân địa phương còn đồn thổi rằng trong hang "ma Xá" cất giữ vàng bạc, châu báu của Trung Quốc... Nhằm lý giải những bí mật trên, chúng tôi đã tìm về hang "ma Xá" thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) để tìm hiểu.

Khám phá hang "ma Xá"

Hang "ma Xá" nằm trên lưng chừng núi thuộc vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Theo các cụ cao niên ở trong bản thì tên gọi của hang đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, mãi đến những năm 1960, khi một số người đi lấy đất về để chế thuốc súng kíp thì họ mới phát hiện ra quan tài. Hầu hết những chiếc quan tài này đều có xương to và dài hơn người bình thường. Có ý kiến cho rằng đây là một bộ tộc di cư từ Trung Quốc sang, song vẫn chưa có ai tìm hiểu và khẳng định chắc chắn được điều này.

Trong những ngày công tác ở miền Tây xứ Thanh, chúng tôi được người dân trong xã Cổ Lũng giới thiệu về hang "ma Xá", bởi đây là nơi chứa rất nhiều quan tài. Vì muốn khám phá những bí ẩn chưa được giải mã, nên chúng tôi quyết định vượt núi để được tận mắt nhìn. Trước khi đi, chúng tôi phải chuẩn bị nước, cùng những vật dụng cần thiết. Men theo con đường quanh co bên những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Sau một giờ đồng hồ, xe chúng tôi mới đến được Bản Khuyn, cách trung tâm xã Cổ Lũng chừng 6km.

Những cỗ quan tài bí ẩn nằm ở trong hang.

Dừng lại trước cổng của một ngôi nhà sàn, anh Sơn (PV, người bản địa) hỏi đường vào nhà ông trưởng bản, thì bất ngờ hỏi trúng anh Lương Đình Thuấn đang giữ chức trưởng thôn ở trong bản. Sự ngẫu nhiên như đã được hẹn gặp từ trước, anh Thuấn vui mừng mời chúng tôi lên nhà. Qua cuộc nói chuyện, chúng tôi được anh chia sẻ về sự vất vả nơi núi rừng, bởi trong bản có gần 50% là hộ nghèo. Biết chúng tôi là phóng viên muốn tìm hiểu hang "ma Xá" nên anh Thuấn không làm mất thời gian nữa. Anh đi xuống bếp buộc con dao nắp vào một bên hông rồi nói vọng lên: "Hang xa đấy, phải mất một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Năm ngoái có một đoàn khách tây họ đi du lịch sinh thái, thế mà khi leo lên núi này không ai phải quay ngược lại".

Mặc dù vẫn biết đường xa lại nhiều dốc, nhưng vì muốn khám phá những điều bí mật đang còn chờ đợi ở phía trước nên sức mạnh nội lực của chúng tôi càng trở nên khỏe khoắn hơn. Vượt hết con dốc thứ nhất, tôi đã cảm nhận rõ sự mệt nhọc, bởi tim đập mỗi lúc một mạnh. Cảm giác mạch tuần hoàn trong máu đang phải làm việc với cường độ cao. Ngoái lại sau lưng thấy vẻ mệt mỏi của chúng tôi, anh Thuấn bảo: "Anh em đừng có ngồi nghỉ, nếu mà nghỉ là sẽ không có sức mà đi tiếp được đâu…". Đối với người dân tộc Thái, họ thường có quan niệm rằng phải nhìn thẳng về phía trước, nếu ngừng nghỉ thì ý chí sẽ không vững vàng để bước tiếp những con dốc cao hơn.

Chúng tôi bước theo anh Thuấn thì con đường phía trước vẫn còn là dốc cao, nhiều chỗ rậm rạp đến nỗi ánh mặt trời không thể chiếu xuyên thủng. Lên đến lưng chừng núi, thì bắt gặp một làn gió nhẹ thổi ngang qua khiến cho lớp da ửng đỏ của chúng tôi được tắm lạnh đến nỗi nổi cả gai ốc.

Lắng tai nghe ở phía đằng xa là những chú gà rừng đang gáy le te, xen lẫn tiếng tắc kè kêu trong kẽ đá. Vì chúng tôi đi vào buổi sáng nên không khí khá trong lành, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một vài người dân gùi lá đắng về nấu canh hoặc đưa xuống miền xuôi bán lấy tiền. Có người họ còn lấy được hằng yến mộc nhĩ tự nhiên mọc ra từ những thân cây gỗ mục nát. Tuy là vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Phù Luông nhưng những sản vật ở trong rừng vẫn còn rất nhiều...

Đang suy nghĩ và cảm nhận về thiên nhiên cho bớt đi sự mệt nhọc thì anh Thuấn nói vọng xuống: "Sắp đến nơi rồi, tý nữa anh em ta lên đây làm mấy chén rượu cho ấm bụng đã. Trên này có ông anh chăn nuôi dê, mới lên năm ngoái thôi, thế mà năm nay đã có gần bốn chục con dê rồi". Mặc dù mồ hôi trên trán đang rơi từng giọt, tuy nhiên nghe anh Thuấn nói vậy, sự mệt nhọc trong mỗi chúng tôi dường như dịu lại. Bởi vì đồng bào dân tộc họ luôn sống chan hòa, nên rượu luôn là những thứ để họ sưởi ấm tình người.

Một khúc xương tìm được trong hang "ma Xá".

Chúng tôi đi được một quãng đường dài thì ngôi lều nhỏ sát vách núi đã hiện ra, anh Lục Văn Tinh (chủ lều) thò đầu qua cửa sổ nói: "Năm phút nữa là đến "hang ma" thôi, các anh cán bộ lên lều nghỉ ngơi uống nước đã rồi mới đi. Anh Thuấn quay lại phía sau nói thêm: "Anh em phóng viên lên đây nghỉ ngơi cho mát đã, từ đây lên hang "ma Xá" cũng không còn bao xa nữa đâu".

Trên chòi là một không gian thoáng đãng, vật dụng được sắp xếp khá ngăn nắp. Để thiết đãi khách, anh Tinh đã thịt một con gà nấu với củ măng rừng từ trước. Ngồi nghỉ uống nước xong thì anh Tinh mới lấy bình rượu ngâm mật ong rừng rót ra mời khách: "Ở trên này không có điện chỉ dùng gió trời thôi, biết có đoàn phóng viên lên thăm nên chúng tôi đã chuẩn bị một con gà đồi rồi". Qua chén rượu thăm hỏi xã giao, câu chuyện ly kỳ về "hang ma" càng trở nên rôm rả, bởi ai trong chúng tôi cũng đều hưởng ứng nồng nhiệt. Do thời gian có hạn nên chúng tôi phải xin phép chủ lều lên hang trước, xong việc mới quay trở lại.

Những khúc xương bí ẩn trong "hang ma"

Trước khi vào hang, anh Thuấn dặn chúng tôi phải tuân theo những điều cấm kỵ như: cấm nói tục, hoặc những câu xúc phạm đến thần linh. Bởi hang "ma Xá" vẫn được xem là những nơi linh thiêng. Duy tâm và duy vật đang còn tồn tại hiện hữu đâu đó mà khó ai lý giải được. Đúng như những gì chúng tôi tưởng tượng, trên vòm hang luôn là những luồng gió lạnh thổi tạt vào. Theo anh Thuấn, vì vách hang thoáng cây cối nên gió trời mới thổi thốc vào lạnh lẽo như vậy.

Mặc dù rừng núi là nơi rậm rạp thậm chí hiếm khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên thủng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đứng ở vách hang thì vẫn có thể ung dung tự tại ngắm nhìn mặt trời mọc vào buổi sáng, hoặc khi mặt trời lặn vào buổi chiều. Theo sự quan sát của chúng tôi thì hang "ma Xá" là một vách núi có mái đá hình vòm cầu, độ cao từ hang lên đỉnh núi chừng 200 mét. Vòm hang uốn lượn theo thế rồng bay, mưa nắng bão bùng không hề ảnh hưởng đến chỗ táng quan tài. Chiều dài của hang chừng 300m, phía bên ngoài có vách ngăn bằng đá.

Bước chầm chậm sang chỗ quan tài, là liên tiếp những luồng gió lạnh thổi vào sau gáy, điều này khiến cho người đi sợ đến nỗi nổi cả gai ốc. Lúc này, hai chiếc quan tài dựng sát vách hang đã hiện ra trước mặt, số quan tài còn lại được chôn vùi xuống lớp đất mùn. Chúng tôi đang quan sát thế núi thì bất ngờ anh Sơn phát hiện ra một khúc xương tay khá to. Theo anh Thuấn thì đây chỉ là một mẩu xương nhỏ còn nằm lại, những khúc xương to hơn vẫn còn chôn vùi bên dưới lớp đất mùn. Để kiểm tra độ chính xác, anh Thuấn lấy một que nhọn chọc thẳng xuống dưới lớp đất (chừng 50cm) thì quả nhiên vẫn còn hàng chục bộ quan tài.

Đường lên hang "ma Xá".

Anh Thuấn nhớ lại: "Hồi còn nhỏ, khi tôi cùng người dân vào hang lấy mùn đất thì các cỗ quan tài này đều được xếp chồng lên nhau, khoảng cách giữa các lớp là 10cm. Điều đặc biệt là những chiếc quan tài này không hề có nắp đậy, bên trong được tạc theo hình vòm thuyền độc mộc". Theo anh Thuấn, loại gỗ để tạc ra những cỗ quan tài này là lõi "cây măn ngốt" (cây thuộc dòng họ gỗ lim), tuổi thọ của nó có thể lên đến hàng ngàn năm. Hiện gốc cây này được người dân phát hiện ngay ở phía trên đỉnh núi, đường kính lõi khoảng 80 đến 90cm. Khoảng cách từ hang lên đến gốc cây chừng 2km, tuy nhiên đường đi cực kỳ khó khăn.

Khi chúng tôi lấy thước đo thì các cỗ quan tài này đều có độ dài là 2,4m. Từ đó có thể khẳng định chắc chắn rằng, xương ống, xương tay và xương sườn hiện đang còn chôn vùi trong những cỗ quan này sẽ dài và to hơn người Việt Nam rất nhiều. Theo anh Thuấn, kỳ lạ là những chiếc quan tài này đều được phủ bằng một lớp vỏ ốc suối, trên cùng mới là đất. Bên trong quan tài không có vàng bạc hoặc bất cứ vật dụng gì đắt tiền đi kèm.

Thời gian gần đây, người dân còn đồn thổi rằng trong hang quan tài "ma Xá" đang cất giữ báu vật, vàng bạc. Chính vì điều đó mà những người dò tìm, buôn bán đồ cổ ở trong vùng họ đã nghe ngóng được thông tin

Hà Sơn – Minh Phượng
.
.
.