Đào trộm mộ, cả làng bất an
Trong đêm tối, những tên trộm to gan mang tới các loại dụng cụ như xe tải, máy xúc đến nghĩa trang thôn Thị Trung (xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để đào bới ngôi mộ cổ có hàng trăm năm tuổi của bà Chúa nơi đây. Sau khi "xong việc", chúng để lại trên bãi đất bị đào xới tan nát vài nén hương dang dở, thắp tạm bợ và xiên xẹo... Còn người dân, hằng trăm năm không một lần hương khói thờ cúng ngôi mộ nằm vất vưởng bên cạnh đường thì sau sự việc "cướp mộ" lại trở nên bất an và quan tâm hơn bao giờ hết!
Bí ẩn ngôi mộ cổ bị quên lãng
Sau khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân thôn Thị Trung, PV CSTC đã có mặt tại đây để nghe kể về vụ quật mộ xảy ra trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/11. Ông Đ.V.H kể lại: "Ngôi mộ nằm vất vưởng hai bên đường này đã có ở đây hàng trăm năm, từ đời này qua đời khác, dân làng cũng chỉ biết đó là mộ bà Chúa, còn thông tin chi tiết thế nào thì không ai biết rõ. Mặc dù thuộc khu đất nghĩa trang của xã nhưng cũng chẳng có ai hương khói, thờ cúng gì. Cho đến sự việc xảy ra khuya ngày 19 rạng ngày 20 thì dân làng mới xôn xao, lo lắng".
Theo nhiều người dân trong làng kể lại, áo quan trong ngôi mộ cổ "xấu số" này có 2 lớp làm bằng gỗ, lớp ngoài khoảng 8 - 10cm, dài 2,5m, rộng 50cm, cao 50-60m. Lớp trong mỏng hơn, dày chừng 3cm. Áo quan được đặt trong một cái bể rộng 2m, dài 4m, được làm bằng một hợp chất trộn lẫn đất và các chất kết dính khác. Những năm 79 - 80 của thế kỷ trước, ngôi mộ cổ này đã bị đào trộm một lần, khi đó kẻ trộm chỉ khoét một lỗ nhỏ ở góc quan tài to bằng chiếc mũ cối rồi thò tay vào mộ để mò cổ vật. Thế nhưng, đi ngược lại ước muốn của hắn, thứ moi lên được chỉ là nắm bã chè, vài thứ tơ lụa vải bông nên sau đó hắn chán nản bỏ đi. Sau này, lỗ hổng trên mộ được người dân đắp qua loa bằng một miếng đá.
Ông D., được xem là "pho sử sống" của làng thì cho rằng ngôi mộ cổ này là của bà Đặng Thị Huệ, vợ chúa Trịnh Sâm - theo nhiều tài liệu lịch sử chính thống thì đây là người đàn bà tuyệt thế giai nhân, gây ra bao điều tác oai tác quái, khuynh đảo một giai đoạn lịch sử. Nếu xét theo niên đại mà dân làng Thị Trung còn truyền miệng thì ngôi mộ này đã gần 300 tuổi, trùng hợp với thời vua Lê - chúa Trịnh (?!). Ông còn kể thêm rằng "Ngày trước có cố GS Trần Quốc Vượng về Thị Trung tìm hiểu. Nhưng sau đó ông mất nên không biết sự tình như thế nào".
Khu mộ cổ bị đào xới đã được rào lại. |
Qua quan sát tại khu đất bị đào xới, có thể nhận thấy ngôi mộ cổ này khá giống với hình thức mộ hợp chất đã từng phát hiện nhiều nơi ở nước ta (mà mộ bà Chúa Chén có niên đại 400 năm ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là một ví dụ điển hình). Dù đã bị khoét "mở" cách đây gần 40 năm, nhưng mùi hương vẫn còn lưu lại trong ngôi mộ. Điều đó dấy lên một nghi vấn đó là chủ mộ chắc hẳn đã được ướp bằng tinh dầu hoặc vật liệu quý, thứ chỉ dùng cho các bậc quyền quý trong triều đình. Xung quanh bãi đất, những tấm đá giống như bê tông màu vàng bị gãy vỡ, vứt vương vãi, đây có thể là phần được đúc liền khối vững chắc, phần bảo vệ ngoài cùng của ngôi mộ. Lẫn vào mớ đất là những sợi màu đen mà nhiều người dân cho rằng là tóc. "Còn phần quách gỗ dày khoảng 30cm và áo quan thì đã bị bọn trộm đưa lên xe tải chở đi", ông H. cho biết.
Như vậy, có thể khẳng định ngôi mộ cổ mà người dân thôn Thị Trung gọi là mộ bà Chúa này thuộc về một người quyền quý. Nhưng đây là ngôi mộ của vị vương phi nào và giá trị lịch sử như thế nào thì cần các nhà khảo cổ vào cuộc để tìm hiểu về niên đại và vết tích ghi chép về chủ nhân ngôi mộ.
"Cướp" mộ trộm tài sản
Quay lại với vụ trộm mộ trong đêm 19, rạng sáng ngày 20/11 ấy. Chỉ trong vòng ba giờ đồng hồ, gò đất nhỏ đã bị đào bới tung tóe, chiếc xe xúc phá tan bức tường hợp chất bao quanh bên ngoài ngôi mộ rồi lật từng tấm gỗ dày bên trong chất lên xe tải chở đi. Chị L, một người dân trong làng kể lại, lúc hơn 2h sáng chị đi hái rau về thì sự việc đã xong xuôi cả rồi.
Người dân thôn Thị Trung vô cùng bức xúc. |
Còn hài cốt trong ngôi mộ, bọn chúng có thuê một kẻ nghiện ngập cũng là người trong thôn đi mua về một chiếc tiểu sành sau đó nhặt vội vàng những mảnh xương lớn xếp vào đó rồi chôn lại. "Chúng tôi muốn chính quyền làm rõ việc này và tìm ra thủ phạm, không thể để sự việc xảy ra như vậy được. Nói không hay nhưng để bọn chúng như thế thì một ngày nào đó chúng lại đào mồ quật mả người thân mình lên cũng không làm được gì à", ông D bức xúc.
Ông Đ.V.H cũng là người chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh đào trộm mộ ấy cho biết: "Bọn chúng sau khi lấy hết những miếng gỗ thì thắp vài nén hương lên khu đất rồi kéo nhau đi. Trong lúc xe đi ra thì hình như có va quệt với một ngôi mộ của một người dân trong thôn nên người nhà có ra nói chuyện nhưng cũng không đả động gì đến ngôi mộ cổ vừa bị đào trộm...".
Nhiều người dân sống xung quanh đó cũng như những người đi hái rau về có biết việc đào trộm mộ này nhưng không ai dám lên tiếng. Bởi lẽ, những kẻ to gan kia dám đào mồ quật mả này thì còn điều gì chúng không dám làm? Ngay cả một số người dân khi cung cấp thông tin cho chúng tôi cũng không dám nói tên tuổi của mình, chỉ sợ những kẻ kia thuộc dạng côn đồ sẽ đe dọa đến kinh tế, tính mạng gia đình họ. Chỉ cho đến sáng hôm sau, một số người dân bức xúc trước sự hung hăng, táo tợn của lũ trộm mộ ấy mới lên báo cho chính quyền xã và huyện vào cuộc.
Lúc chúng tôi có mặt tại thôn Thị Trung thì vụ việc cũng diễn ra được vài ngày, khu đất bị đào xới được Công an địa phương rào chắn bằng cọc và dây. Cũng đã có một số nhà khảo cổ của địa phương và cán bộ bảo tàng Hưng Yên xuống thực tế nhưng do bị phá hoại quá nặng nên cũng chưa đưa ra được ý kiến ngay lập tức. Tuy nhiên, trước sự bức xúc của người dân nơi đây, Công an huyện Văn Lâm đã khẩn trương vào cuộc và triệu tập một số đối tượng có liên quan tới vụ việc này để lấy lời khai. Hy vọng rằng, những kẻ trộm mộ sẽ bị bắt giữ và xử phạt một cách thỏa đáng, xóa bỏ được những hoang mang dư luận ở nơi đây. Cùng với đó, những gì mà kẻ trộm đã mang đi sẽ được trả về đúng nơi của nó...
Những mảng tóc của xác ướp còn lại ở hiện trường. |
Dù bất cứ lý do gì, đã là hành vi táng tận lương tâm nếu không xử lý nghiêm theo pháp luật, hành động nguy hiểm này có thể tái diễn tại nhiều vùng quê khác, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm điều tra xử lý nghiêm. Tuy nhiên có điều đáng tiếc là hành động của nhóm đào trộm mộ diễn ra trong một thời gian dài nhưng những người dân khi phát hiện thấy đều không báo cáo chính quyền để ngăn chặn sớm, bây giờ cả làng xôn xao thì đã muộn.
Thông tin mới nhất từ Đội Cảnh sát Điều tra trật tự xã hội, Công an huyện Văn Lâm cho biết, nhóm đối tượng khai quật mộ gồm 8 người đã bị bắt tạm giam để điều tra. Qua lời khai ban đầu của các đối tượng, chúng được một người thuê để làm cái việc gọi là "đào mộ tổ" của nhà người ta. Đối tượng thuê này là ai, ở đâu thì cơ quan điều tra đang xác minh. Các đối tượng khai chúng đào mộ bằng tay sau đó thuê một cái máy xúc trong làng xúc ngôi mộ đó lên. Người điều khiển máy xúc chính là một người dân làng Thị Trung. Sau khi chúng đào mộ lên thì thấy hài cốt, liền đi mua tiểu sành bỏ tất cả xương vào đó rồi lấp đất chôn lại. Có nhiều thông tin cho rằng, chúng đào được hũ vàng, đào được cái này cái kia. Tuy nhiên, chỉ là lời đồn đại và chưa có căn cứ gì xác thực, khi hỏi dân thì chẳng ai thừa nhận chứng kiến việc đó cả. Nhóm đối tượng khai rằng chúng chỉ lấy đi mấy tấm ván quan tài mà thôi. Bà Lê Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND, phụ trách văn hóa xã Đình Dù: Sau khi nhận được tin báo của người dân, ngay sáng hôm sau chúng tôi xuống hiện trường xem xét sự việc. Vì sự việc đã diễn ra tối trước đó nên khi xuống cũng chẳng còn gì ngoài mớ đất đá lấp lại qua loa. Về ngôi mộ này, chúng tôi cũng được nghe những vị bô lão kể lại rằng đây là một ngôi mộ cổ, tuy nhiên cổ như thế nào và giá trị như thế nào thì chúng tôi không biết. Với lại cũng chẳng có vết tích, bằng chứng nào hoặc giấy tờ gia phả của làng để có thể từ đó mà làm căn cứ trình đơn lên cấp trên rồi nhờ người ta về khảo sát, điều tra. Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã cho người xuống phong tỏa hiện trường, chờ Công an huyện giải quyết. |