Cổ vật ẩn giấu trong tượng cổ

Thứ Tư, 23/05/2018, 17:18
Nhật Bản là một quốc gia nằm phía Đông châu Á, đa số người dân nước này là tín đồ Phật giáo, do đó ở Nhật có rất nhiều đền thờ và chùa chiền với những bức tượng Phật đạt đến trình độ nghệ thuật cao được xếp vào loại nhất nhì thế giới.


Đặc biệt là lĩnh vực tạc tượng, các nghệ nhân nước này đã hoàn tất nhiều bức tượng đặc biệt tả chân bằng chất liệu gỗ rất khác biệt với nụ cười mỉm trên các gương mặt thay cho nét mặt yên tĩnh, hiền dịu của những pho tượng Phật chúng ta vẫn thường thấy.

Đền Hokkeji được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 8 khi Phật giáo trở nên rất phổ biến. Vào thời kỳ đó, Nara là một trong những trung tâm Phật giáo tại Nhật. Trong đền có pho tượng Phật Văn Thù Bồ Tát (Monju Bosatsu) đã trở nên nổi tiếng và mang nhiều kỳ bí khi ẩn giấu bên trong khoảng 180 cổ vật, bao gồm nhiều cuộn giấy và đồ tạo tác. 

Tượng Phật Văn Thù Bồ Tát là một pho tượng ngồi, với chiều cao khoảng 76cm. Theo văn hóa của người Nhật, đây là vị Phật tượng trưng cho sự thông thái, trí tuệ siêu việt. Văn Thù Bồ Tát thường được khắc họa với hình tượng một tay cầm cuốn kinh Phật và một tay cầm kiếm tượng trưng cho trí tuệ sắc bén, và cưỡi trên mình sư tử.

Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Nara cho biết họ đã khám phá ra kho cổ vật quý giá nằm bên trong bức tượng Phật Văn Thù Bồ Tát ước tính khoảng 700 năm tuổi nói trên bằng cách sử dụng phương pháp quét CT để kiểm tra. Những hình ảnh quét CT cho thấy bên trong pho tượng cổ có một khoảng trống chứa một số lượng lớn các đồ tạo tác. 

Cụ thể là ở phần đầu của bức tượng có khoảng 30 đồ tạo tác, phần thân tượng có khoảng 150 đồ vật được xếp đặt một cách vô cùng khéo léo. Điều này khiến nhiều người tò mò về bí ẩn kho báu bị lãng quên trong bức tượng Phật, không biết những đồ tạo tác ấy như thế nào, những cuộn giấy trong đó viết những gì, nó có ý nghĩa văn hóa lịch sử như thế nào, vì sao người xưa lại để nhiều đồ vật trong pho tượng đến thế, và làm thế nào mà các nghệ nhân tạc tượng lại có thể khéo léo để đặt kho đồ cổ này trong thân của tượng Phật...

Shigeki Iwata, Giám đốc nghiên cứu đặc biệt tại Bảo tàng Quốc gia Nara, nhận định: "Những đồ tạo tác bên trong đã khiến pho tượng thực sự đặc biệt. Phát hiện này có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử và là tài sản văn hóa. Những cổ vật này chắc chắn rất có ích cho quá trình nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học, tuy nhiên, có lẽ các chuyên gia sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi khó có thể tiếp cận "kho báu" này vì chúng được đặt rất cẩn thận bên trong pho tượng cổ”.

Giới chức địa phương tin rằng các đồ tạo tác chưa bao giờ bị xáo trộn vì nằm bên trong bức tượng trong suốt mấy trăm năm qua. Dù trước đó có nhiều ý kiến cho rằng có rất nhiều món đồ cổ nằm ẩn sâu trong lòng bức tượng, nhưng đây là lần đầu tiên các đồ vật được phát hiện, hơn nữa lại được phát hiện bằng phương pháp quét CT. 

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách người xưa đặt kho đồ cổ này trong thân của tượng Phật. Hiện cũng không rõ liệu nhà chức trách có lấy cổ vật bên trong pho tượng ra hay không.

Monju Bosatsu (tượng Phật Văn Thù Bồ Tát) là bức tượng Phật nổi tiếng ở Nhật Bản, đã được lưu giữ nhiều năm trong ngôi đền Hokkeji. Bức tượng Phật cổ này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nara và dự tính cho mọi người chiêm ngưỡng tới hết ngày 27-5 tới.

Trần Đức Tân
.
.
.