Chuyện lạ thế giới

Thứ Tư, 03/05/2017, 18:24
Ayesha Aziz, 21 tuổi là nữ phi công trẻ nhất của Ấn Độ, sắp trở thành người phụ nữ đầu tiên của nước này bay vượt quá tốc độ âm thanh, trên một chiếc máy bay tiêm kích MIG-29 ở sân bay quân sự Sokol của Nga.


Gái trẻ bay vượt tốc độ âm thanh

Aziz từng được cấp bằng phi công hồi tháng 3 vừa qua, sau khi đạt 200 giờ bay. Năm 2011, khi mới 16 tuổi  Aziz đã được Câu lạc bộ bay Bombay cấp phép bay giành cho sinh viên. Một năm sau, cô hoàn tất một khóa huấn luyện không gian kéo dài 2 tháng tại NASA, và là một trong 3 người Ấn Độ được lựa chọn cho chương trình.

Aziz nói rằng nguồn cảm hứng của cô là nữ phi hành gia vũ trụ người Mỹ Sunita Williams, người từng giữ kỷ lục 7 lần đi bộ ngoài không gian của một người phụ nữ.

Nữ phi hành gia vũ trụ Mỹ Peggy Wilson đã phá kỷ lục của bà Williams,  với chuyến đi bộ ngoài không gian thứ tám vào ngày 30-3 vừa qua. (Phương Lan)

Nghề xếp hàng

Ở Ý xuất hiện một nghề mới: xếp hàng để bán lại chỗ.

Người phát minh nghề mới này là Dzhovanni Kafaro, 45 tuổi, chuyên viên truyền thông ở Milan. Ba năm trước, Kafaro bị mất việc làm. Không tìm được việc mới, ông đứng xếp hàng rồi bán lại chỗ cho người khác.

Mỗi năm kinh tế Ý mất khoảng 40 tỷ euro do mất thời gian xếp hàng. Kafaro nghĩ ra nghề xếp hàng và đăng ký với Bộ Lao động, được cấp phép, gọi là "kodisti".

Để trở thành kodisti, người nộp đơn hành nghề phải trải qua các khóa học đặc biệt trên mạng, điền thông tin vào các giấy tờ cần thiết. Sau khi nhận được giấy phép, phải đăng ký với cơ quan thuế và các cơ quan liên quan, chịu mức thuế tiêu chuẩn 25% trên giá 10 euro mỗi giờ xếp hàng.

Năm 2015 đã có khoảng 500 nhân viên làm nghề này, và đang không ngừng phát triển. Trung bình, mỗi kodisti kiếm được 1.500 euro /tháng. (Thanh Lan - theo kp.ru)

Ham tự sướng, té cầu

Một cô gái người Mỹ khi cùng nhóm bạn tham quan cây cầu Foresthill (cao nhất bang California) đã vào khu vực cấm và đi dọc theo các thanh sắt dưới dạ cầu để chụp hình "tự sướng", cô bị ngã từ độ cao 18 mét xuống đất. May mắn là cô sống sót, được trực thăng đưa tới bệnh viện gần đó cấp cứu. Cảnh sát nhắc nhở đường đi bộ dưới dạ cầu đóng cửa để bảo vệ người dân, kêu gọi người tham quan nhớ giữ an toàn cho bản thân.

Việc xâm nhập vào phần dưới dạ cầu là bất hợp pháp, nhưng không ngăn được những người cố tìm kiếm các góc chụp độc đáo để  chụp ảnh "tự sướng". Năm 2015, 10 người đã bị bắt vì đi dưới dạ cầu một cách liều lĩnh. Gần 100 người chết vì ngã hoặc nhảy khỏi cây cầu này để tự sát.(Minh Trí)

Khủng long chân bự

Dấu chân khủng long dài 1,75m vừa được phát hiện ở khu vực  Dampier vốn được cho là “Công viên kỷ Jura” ở vùng tây bắc nước Úc. Dấu chân này được cho là của một con khủng long ăn cỏ cổ dài sauropod. Dấu chân phá đổ kỷ lục dấu chân dài 1,15 m của một con khủng long ăn thịt được tìm thấy ở Bolivia hồi tháng 7-2016. Dampier, khu vực được cho là “Công viên kỷ Jura” của Australia nằm ở tây bắc nước này. (Thiện Ngôn)

Vẹt trồng cần sa

Hai cụ bà Carmina và Marusa người Tây Ban Nha cho rằng những con vẹt đã trồng cần sa trong vườn rau nhà của họ. Hai cụ đã quay  video sự khám phá của họ và tải lên YouTube,  đã có hơn 178.000 lượt xem.  Cây cần sa “vẹt trồng” sau đó đã bị chết trong một cơn bão. (Ba Minh)

Ăng-lê mê thịt dê

Theo báo Independent, người Anh bắt đầu thích ăn thịt dê non như một trào lưu. Hiện nguồn cầu thịt dê con đang tăng ở Vương quốc Anh. Thịt dê con khoảng 7 tháng tuổi ít chất béo, nhiều protein và giàu chất sắt.

Thịt dê chiếm 60% thịt đỏ thế giới, nhưng Anh là một trong số ít quốc gia không thường ăn thịt dê.

Cho đến khi cựu đầu bếp James Whetlor, là một trong những người đi đầu trong việc vận động dân Ăng-lê thôi phớt lờ thịt dê.

Năm 2012, ông Whetlor thành lập Công ty Cabrito (“Dê con” theo tiếng Tây Ban Nha) và từ đó ăn nên làm ra, mỗi năm bán được 10.000 dê con cho các tiệm ăn phục vụ theo mùa và các nhà hàng được đánh giá cao ở Anh. Dê con của Cabrito chủ yếu được nuôi trong chuồng, cho uống sữa bột.

Ông Whetlor phải kích thích nhu cầu ăn thịt dê non, một công việc chẳng dễ khi phải mời chào người ta thưởng thức món gì mới mà có thể so sánh được (về giá) với thịt cừu hữu cơ. Số dê con trước đây bị tiêu hủy ngay sau khi chào đời, vì là sản phẩm phụ của ngành vắt sữa dê. Hiện vẫn còn 40.000 dê đực con trong ngành vắt sữa bị loại bỏ lãng phí ở nước Anh vốn chỉ thích uống sữa dê và ăn phó mát dê nhưng không ăn thịt dê non. 

Ông Whetlor nói: “Thế giới ngày nay ngày càng không thể chấp nhận lãng phí lớn đến thế. Tất cả nhà nông đều muốn tìm ra một giải pháp và vì từng là một đầu bếp, tôi ở một vị trí độc đáo để đáp ứng nhu cầu ấy”.

Người Anh tò mò muốn thưởng thức thịt dê có thể mua từ nhà cung cấp thịt dê hữu cơ duy nhất ở Vương quốc Anh: Nông trại Bere Marsh ở thành phố Dorset do bà Fiona Grardin làm chủ. Năm 2010, bà quyết định nuôi 3 dê con vì trong vùng không ai biết gì về chúng, và bà cũng không muốn phải nghe hàng xóm “khuyên tôi phải làm thế này thế kia”.

Bà Grarddin chọn loại dê Boer vì chúng nhiều thịt, mông to và thân mình chắc, ngắn hơn loài dê cho sữa truyền thống. Năm 2016, chú dê đực Topknot Rooney của bà Grardin được cho phối giống với 30 “nàng” dê cái trong 2 tuần. Dự kiến đàn dê cái sẽ đẻ 60 dê con vào tháng 4 này.

Bà Grardin nói đàn dê con này sẽ được cho bú sữa mẹ, ngủ chung với nhau vào ban đêm và mỗi ngày được cho ra ngoài gặm cỏ từ 9 giờ 30 sáng, vì “chúng sẽ không chịu dậy sớm, và nhất là không thích bị ướt chân hoặc lấm bùn”.

Khi lũ dê con được 6 tháng tuổi, chúng đã đủ béo để ngả thịt. Bà Gradin đã nghĩ đến cái ngày kinh hoàng phải đưa vào lò mổ từng con dê non mà vợ chồng bà cùng đặt tên, cho những con yếu hơn bú sữa bình. Thịt của chúng được bán theo đơn đặt hàng đăng ký vào trang web của nông trại Bere Marsh.

Phúc Hy (theo Bloomberg)

PV
.
.
.