Cảnh sát Kenya giải cứu thành công hàng trăm cô gái trước hủ tục cắt xén âm vật

Thứ Ba, 22/12/2015, 15:00
Cảnh sát Kenya cho biết, đã giải cứu thành công hàng trăm cô gái trẻ trước hủ tục cắt xén âm vật (FGM) trong thời gian gần đây. FGM được biết đến như một hủ tục vô cùng đau đớn mà những cô gái trẻ phải trải qua trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Sự nỗ lực của chính quyền Kenya đã giúp nhiều cô gái thoát khỏi hủ tục này.

Các quan chức Kenya cho biết, chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương đã được huy động để đẩy mạnh chiến dịch chống lại việc thực hiện hủ tục FGM vốn đã tồn tại rất lâu trong các bộ tộc ở nước này. Cảnh sát Kenya đã giải cứu hàng trăm cô gái trẻ khỏi nạn cắt xén âm vật trong thời gian gần đây. "Sự tăng cường vai trò của các nhà hoạt động xã hội, chính quyền các cấp, nhất là tại các địa bàn vùng sâu vùng xa - nơi hủ tục FGM diễn ra phổ biến đã mang lại kết quả đáng ghi nhận", một quan chức cảnh sát Kenya cho biết.

"Trong ba tuần qua, chúng tôi đã thực hiện tám vụ bắt giữ. Số vụ bắt giữ này bằng tất cả số vụ bắt giữ được thực hiện trong năm 2014", Alasow Hussein, một quan chức ở Marakwet - địa phương mà hủ tục FGM vẫn đang diễn ra phổ biến cho biết. "Chúng tôi cũng đã giải cứu hàng trăm cô gái trẻ thoát khỏi nỗi đau về thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, công việc vẫn còn rất bộn bề vì kỳ nghỉ dài ở phía trước", ông Alasow Hussein nói tiếp.

Một bé gái "thất thần" sau khi trải qua nghi lễ FGM.

Christine Nanjala, người đứng đầu đơn vị chống lại hủ tục FGM của chính phủ Kenya cho biết, cảnh sát đã làm việc chặt chẽ với lãnh đạo và nhà quản lý địa phương trong năm qua để biết thông tin chính xác khi nào lễ FGM được tổ chức. "Cảnh sát đang nỗ lực tuyên truyền để mọi người biết rằng, FGM là bất hợp pháp. Ngày càng có nhiều người bị bắt giữ vì liên quan đến hủ tục FGM", Nanjala nói.

Giáo sư John Longanyapuo, đồng thời là một thượng nghị sĩ ở West Pokot cho biết, ngày càng nhiều cô gái ở Kenya được giải cứu khỏi hủ tục kinh hoàng và có thời gian tập trung học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ về mọi mặt, khẳng định vị thế của phụ nữ trong cộng đồng. "Tôi tự hào về những gì mình đã làm được. Ngày càng nhiều cô gái trẻ được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Sau đó, họ quay trở lại cộng đồng với công việc thường nhật và gia đình của mình. Phụ nữ Kenya ngày càng được đánh giá cao vì có học thức", thượng nghị sĩ Longanyapuo nói.

Tartar, một giáo viên trung học ở khu vực West Pokot đã đưa những cô gái trẻ chạy trốn khi vào mùa diễn ra hủ tục FGM. Prisillah Kamau, hiệu trưởng của ngôi trường nơi Tartar giảng dạy cho biết, Tartar cùng các đồng nghiệp trong trường đã rất nỗ lực trong việc đấu tranh chống lại hủ tục FGM. Tartar đã cho các cô gái số điện thoại di động của mình và nói rằng, hãy gọi cho cô nếu cần sự giúp đỡ.

"Chúng tôi đã nói cho các nữ sinh về tác hại của hủ tục FGM, cũng như khuyên họ cố gắng học tập, được vào đại học, kiếm việc làm để được xã hội tôn trọng và tự do. Tuy nhiên, một số nữ sinh nói rằng, họ gặp nhiều áp lực khi trở về nhà. Bố, mẹ họ bắt phải thực hiện nghi lễ FGM. Có những nữ sinh quay trở lại trường học sau khi trải qua lễ FGM. Chúng tôi đã giải thích, khuyến khích họ tiếp tục học tập, nâng cao trình độ", Kamau nói.

Theo truyền thống, những cô gái Kenya trước khi bước vào tuổi trưởng thành đều phải trải qua lễ FGM. Theo đó, âm vật của các cô gái sẽ bị cắt xén bằng một lưỡi dao cạo mà không sử dụng bất kỳ thuốc gây tê nào. Lễ FGM diễn ra vào tuần thứ ba của tháng 12. Đây là thời điểm mà các học sinh ở Kenya được nghỉ học dài, kéo sang năm mới. Thời gian nghỉ dài cũng giúp các cô gái có thời gian chăm sóc vết thương sau khi trải qua FGM.

Hơn hai tuần qua, ở Kuria và Marakwet, các buổi lễ FGM đã diễn ra sớm hơn thường lệ. Các nhà hoạt động nhân quyền đã đưa tin về buổi lễ kinh hoàng trên các mạng truyền thông xã hội. Có báo cáo cho hay, một số cô gái trẻ được đưa vào bệnh viện trong tình trạng ngất xỉu vì mất máu, trong khi hàng trăm cô gái đang bị dồn xếp hàng dài hai bên đường chờ đến lượt trải qua nghi lễ đau đớn.

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, quá trình đấu tranh chống lại hủ tục FGM là chặng đường dài ở phía trước, chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. 

"Nghi thức trước khi bước vào tuổi trưởng thành của những cô gái trẻ đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân qua nhiều thế hệ và không dễ dàng thay đổi. Áp lực từ truyền thống cũng như quan điểm của ông bà, bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc xóa bỏ hủ tục FGM", ông Hussein nói. 

Hiệu trưởng Kamau cũng cho rằng, chống lại hủ tục FGM không hề dễ dàng: "Hủ tục đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của người dân. Chúng ta có thể tác động đến nhận thức của các nữ sinh, nhưng rất khó thay đổi quan điểm của ông bà, cha mẹ các nữ sinh".

P. Tường (tổng hợp)
.
.
.