Sở thích… đốt nhà của cặp vợ chồng ở miền Tây:

Bệnh lạ chưa có lời giải

Thứ Ba, 03/02/2015, 07:00
Đang yên ổn làm ăn thì đùng một cái, cả hai vợ chồng Nguyễn Văn Trưng (tên thường gọi Tý, 40 tuổi, ngụ ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) rủ nhau "phát bệnh" lạ. Trong vòng ba năm, họ đốt thành tro hai căn nhà và toàn bộ đồ dùng sinh hoạt. Vợ chồng dắt ba đứa con ra bãi đất trống quây bạt ở, ngày ngày đào đất trồng cây cảnh và rau xanh. Hễ cây đang đâm chồi, rau đang xanh tốt thì họ cật lực phá nát, rồi lại hỳ hục trồng mới… Bệnh viện đánh xe tới tận nhà rước hai vợ chồng đi khám, nhưng đành bất lực quay về vì bị "con bệnh" vác dao dọa giết.

Sở thích… đốt và đập

Một cán bộ xã Ba Sao khẳng định, gia đình ông Tý có của ăn của để chứ không phải đói rách như bề ngoài. Không ai hiểu nguyên nhân vì sao họ lại đập phá, đốt hết nhà cửa cùng các vật dụng trong nhà. Từ một căn nhà sàn hai tầng làm bằng gỗ bề thế ngự trị đối diện UBND xã, ông Tý đốt dần đốt mòn không còn một thứ gì. Đầu tiên, ông Tý dỡ ván ra đốt, sau đến cột, giường, tủ… Những thứ nào bằng gỗ được ông Tý ưu tiên đốt trước, đốt thành tro. Trong nhà ông Tý khi nào cũng nhóm sẵn một đống lửa thật to, cháy phừng phừng cả ngày lẫn đêm.

Đốt hết những vật có khả năng cháy, đến gạch vữa, thủy tinh, sắt, kẽm, ông Tý đập nát nhừ chất thành đống đổ ra vườn. Trong vòng vài tháng, căn nhà sàn của vợ chồng ông trở thành đống tro tàn. Hai chiếc xe mới toanh dùng để đi buôn và chở hàng, ông Tý cũng mạnh tay châm lửa đốt, chỉ còn trơ lại khung.

Không còn nhà để ở, vợ chồng con cái ông Tý dắt nhau về miếng đất nền của bà ngoại cho cách đó khoảng 100m, xây được căn chòi khoảng 8m2, chẳng khác nào chuồng heo. Bà Tím - vợ ông Tý kiếm chiếc xe đạp cót két đi bán rau ngoài chợ Ba Sao, còn ông Tý căng tấm bạt vệ đường hành nghề sửa xe.

Lều bạt, nơi ở của hai vợ chồng và 3 đứa con.

Làm ăn yên ổn được vài tháng thì hai vợ chồng "bảo nhau" tiếp tục "phát bệnh". Trong một đêm, tất cả những vật dụng trong nhà đều bị mang ra đốt, đốt bằng sạch, chỉ chừa lại quần áo để mặc. Vợ chồng ông Tý hành động âm thầm không để cho ai biết, mà nếu có người biết đến khuyên can cũng bị "hai con bệnh" chửi cho té tát. Ai đó cố lao vào ngăn cản, ông Tý liền vác dao dọa chém. Từ đó, chẳng ai còn quan tâm đến cặp vợ chồng kỳ quặc này nữa.

Không còn túp lều để chui ra chui vào, ông Tý ra sát mép đường che tấm bạt lên để ở. Từ ngày ở bạt, vợ chồng ông Tý có sở thích đào đất đắp nền. Diện tích 80m2 đất nền vốn dùng để cất nhà, họ hỳ hục đào ngày đêm, miệt mài, bền bỉ. Bây giờ thành một cái ao sâu hoắm, nước trong vắt nhưng ông Tý không thả cá mà để đó tắm giặt và lấy nước nấu ăn.

Dự án mở rộng nâng cấp tuyến tỉnh lộ liên xã của huyện Cao Lãnh đi ngang qua nhà, vợ chồng ông Tý rình mò chờ đêm đến vác cuốc ra đào đất, phá nát đoạn đường mới nâng cấp. Thậm chí những khúc cây dùng để kè nền đường nơi trũng cũng bị "thủ phạm" xới tung lên. Các đơn vị địa phương tổ chức mật phục đã bắt quả tang tại trận vợ chồng ông Tý đang hì hục đào đường. Sau khi bị lập biên bản, cảnh cáo, họ hứa không dám tái phạm nữa.

Quanh nhà trồng được ba hàng mía xanh tốt, chuẩn bị cho thu hoạch thì chỉ trong một đêm, vợ chồng ông Tý rủ nhau "phang" sạch, đổ đống ra mép đường cho thiên hạ… nhìn chơi. Ruộng rau tươi non mơn mởn vốn là nguồn thu duy nhất ông Tý thường chở đi bán mỗi ngày để lấy gạo ăn, một ngày đẹp trời, hai người bàn bạc phá nát, khỏi bán mua gì hết.

Chính trong thời gian sống cảnh lều bạt, nền ao ẩm ướt, bẩn thỉu thì bà Tím lại mang thai đứa con thứ ba. Bụng chửa ngang mặt nhưng bà vẫn chịu khó đạp xe đi buôn rau. Còn ông Tý ở nhà tiếp tục đào đất, rồi lại lấp đất, không ai hiểu mục đích của vợ chồng này là gì. Đến ngày trở dạ, vì sức khỏe bà Tím rất yếu, có dấu hiệu sinh non nên gia đình bên ngoại quyết định đưa đi bệnh viện Sài Gòn. Bà Tím trải qua ca mổ dài, mất sức, mất máu trầm trọng phải nằm ở phòng cách ly. Chờ một ngày không thấy vợ ra, lại bị nhân viên y tế ngăn cản không cho vào phòng cách ly thăm vợ, ông Tý tưởng vợ mình bị nhốt liền la hét, chửi bới rồi đập phá ngoài hành lang phòng hồi sức. Ông nằng nặc đòi trả lại vợ, nếu không sẽ đập phá hết.

Bệnh viện yêu cầu ông Tý ký vào giấy cam kết cho vợ xuất viện, có mệnh hệ gì gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ông Tý mừng ra mặt, thuê một chiếc ôtô đưa vợ về nhà trong tình trạng vết mổ còn rỉ máu. Con gái do sinh thiếu tháng vẫn phải nuôi trong lồng kính, bệnh viện không cho mang về. Nhưng không hiểu ông Tý chăm sóc vợ ra sao mà bà Tím đã phục hồi sức khỏe nhanh chóng, người đẫy đà trở lại. Tuần sau, ông Tý quay trở lại Sài Gòn đòi đứa con gái về.

Ông Tý hoàn toàn tỉnh táo khi nói chuyện và bà Tím đồng lòng với chồng làm những việc kỳ lạ.

Căn bệnh chưa có lời giải

Gia đình nội ngoại của vợ chồng ông Tý rất khá giả, họ đều ở xung quanh nhưng không ai dám tham gia vào cuộc sống của hai con người "ma nhập" này. Bà Cúc, mẹ ruột bà Tím thở dài: "Hai vợ chồng nó đồng lòng làm những việc kỳ lạ không ai hiểu nổi. Nó sống như vậy cũng chẳng cần gia đình, làng xóm giúp đỡ. Tôi thương ba đứa cháu, muốn gánh một phần chăm sóc nhưng thằng Tý không đồng ý".

Lúc đầu, nhiều người đặt ra nghi vấn, nguyên nhân khiến vợ chồng ông Tý phát bệnh "điên" là do mâu thuẫn đất đai, phân chia tài sản không công bằng. Sau khi đối chất, hóa ra không phải. Bà Cúc khẳng định: Gia đình phân chia đất đai ngay từ ngày vợ chồng Tý - Tím mới cưới, tất cả đều vui vẻ làm ăn. Thời gian đầu, vợ chồng Tý chăm chỉ, chịu khó làm lụng và có khối tài sản rất khá. Cuộc sống tương đối no đủ, hạnh phúc. Bản thân Tý không rượu chè, ăn chơi đàn đúm…

Nguyên nhân thứ hai là do họ mắc phải một loại bệnh mà theo giới y học nhận định là "Tâm thần phân liệt". Bệnh này có những triệu chứng lúc tỉnh thì bình thường nhưng lúc lên cơn thì không làm chủ được hành động. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều phát bệnh cùng một lúc và cùng có những biểu hiện như nhau. Họ đồng sức đốt đồ dùng và đập phá tài sản của chính mình làm ra. Cùng có sở thích đào đất, thích ở ngoài trời và không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía xã hội, ông Tý thẳng thừng tuyên bố: "Nhà tôi không nghèo, tôi có thừa tiền gửi ngân hàng. Tôi không cần mọi người phải cứu giúp".

Chính quyền địa phương nhiều lần mang gạo đến cứu đói nhưng ông Tý đều từ chối. Sau, hễ thấy bóng dáng người của xã đến là ông Tý đội mũ bỏ đi không thèm nói chuyện. Người lạ nào ngấp nghé ngoài cổng, giơ máy ảnh lên chụp hình, ông Tý nổi giận vác dao rựa dọa chém. Vậy nên, rất khó để tiếp cận vợ chồng họ để tìm hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện oái oăm này. Nguyên nhân vì sao vợ chồng này lại có hành động kỳ quặc vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Chúng tôi muốn tới nhà ông Tý thì phải có người dẫn đường. Nhưng cán bộ xã tới là ông Tý rất ghét, ông ta sẽ không chịu nói chuyện. Ông Phó Chủ tịch xã Ba Sao liền gọi cho Trưởng ấp 3 Nguyễn Văn Mười. Ông Mười là người tiếp cận được hai vợ chồng ông Tý.

Sau nhiều tháng trời đào đất, hai vợ chồng ông Tý biến miếng đất nền thành cái ao.

Trong cái lạnh se se buổi xế chiều, bà Tím lôi thằng con thứ hai xuống ao tắm, mặt mũi nó tím ngắt vì lạnh, nhưng vẫn cười toe toét khi có người cho quà. Phía trên tấm bạt nilon, ông Tý đang chơi với đứa con gái út. Cô bé bị sinh thiếu tháng, đen nhẻm, gầy rộc, mắt trắng bệch. Không cần quan sát kỹ cũng nhận ra tài sản duy nhất trong túp lều là mấy bao quần áo. Không có bát đũa, chỉ có một nồi cơm nấu củi đen xỉn, và nồi cá nục kho không đậy vung, nằm phơi nắng cạnh lu nước ruồi nhặng bu đen kịt.

Hỏi ông Tý sao lại sống thế này? Con cái ốm đau thì sao? Ông Tý trả lời một câu cụt ngủn: "Thích vậy". Rồi ông ta vùng vằng lấy chiếc mũ rách đội lên đầu, cầm con dao đi ra đống đất. Chúng tôi thoáng giật mình, chỉ sợ ông ta phát bệnh, "bổ" cho một cái vào người, như cảnh báo từ trước.

 Bà Tím trả lời câu hỏi bằng giọng tưng tửng: "Thì do bị bệnh nên không làm nhà được. Ở vầy quen rồi, lũ nhỏ không sao hết". Bà Tím còn nói rằng, bà bị bệnh phù mắt, năm ngoái còn mù tịt không nhìn thấy gì, đi bệnh viện chữa chạy mãi bây giờ lại sáng ra rồi. "Sao lại đập nhà, đốt hết đồ dùng? Giờ có người giúp xây nhà, bà có đồng ý không?" - chúng tôi hỏi tiếp. Bà Tím cười nhạt: "Không muốn dùng thì đốt. Bị bệnh nên không làm nhà được".

Có nói thế nào thì bà Tím cũng không đồng ý nhận hỗ trợ, bà một mực cho rằng mình bị bệnh nên không làm nhà được, cứ sống vậy thôi. Ngồi nói chuyện một lúc, ông Tý ở ngoài băm băm con dao xuống đất, mắt lừ lừ nhìn về phía chúng tôi, dấu hiệu có ý đuổi nên ông Trưởng ấp ra hiệu… rút lui.

Ông Lê Văn Vui - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao (Cao Lãnh - Đồng Tháp):

"Chính quyền xã rất đau đầu với trường hợp gia đình ông Tý, bà Tím. Vừa rồi có một Mạnh Thường Quân ở thành phố Cao Lãnh liên hệ với xã ngỏ ý muốn giúp đỡ xây cho vợ chồng ông Tý căn nhà, để các con họ đỡ khổ. Chúng tôi thông báo với vợ chồng ông Tý thì ông ấy bảo: "Xây là tôi đốt". Chúng tôi còn liên hệ được với bệnh viện, họ nhiệt tình điều hẳn xe và đội ngũ nhân viên xuống tận nhà đưa hai vợ chồng ông Tý đi khám bệnh, nhưng xe xuống tới nơi đành phải quay về vì gia đình bà Tím phản đối".

Ngọc Thiện
.
.
.