Bé gái biết đọc từ 13 tháng tuổi và câu chuyện "thần đồng"

Thứ Hai, 03/11/2014, 15:00

Mới 16 tháng tuổi, giọng nói vẫn còn ngọng nghịu nhưng bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi đã đọc chữ thông thạo. Bé còn biết phân biệt được các dấu cộng, trừ, nhân, chia… và nói được một số từ tiếng Anh, Trung, Nhật dù chỉ mới là học thuộc lòng. Tất những khả năng trên, một phần nằm ở sự nhận biết ngôn ngữ từ sớm của bé cùng với sự giáo dục kiên trì của người mẹ. Nhưng khi được hỏi, cả bà lẫn mẹ của bé Tuệ Nhi đều khẳng định, bé không phải thần đồng…

Sự tận tâm của người mẹ

Câu chuyện về cháu bé Nguyễn Ngọc Tuệ Nhi biết đọc khi mới 16 tháng tuổi dường như đang là chủ đề nóng của người dân khu vực Kênh Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng. Bố mẹ của bé Nhi là anh Nguyễn Ngọc Toàn và chị Vũ Phương Thảo. Ngay từ lúc kết hôn, chị Thảo đã nghĩ đến chuyện sẽ dạy con từ sớm bằng các phương pháp khoa học nên khi mang bầu, chị đã tìm tòi nghiên cứu cách nuôi dạy trẻ từ sách và một số phương tiện thông tin. Rồi một ngày, cầm trên tay cuốn sách "Em phải đến Harvard học kinh tế" của tác giả Lưu Vệ Hoa và Trương Hán Vụ, chị Thảo như bị lôi cuốn vào phương pháp giáo dục trẻ được viết trong sách.

Sau khi chắt lọc những thông tin tìm kiếm được, chị Thảo đã định hướng được cách giáo dục con ngay từ khi mang bầu bé Nhi bằng phương pháp thai giáo. Do chồng thường xuyên đi công tác xa nhà nên phần lớn thời gian mang bầu, một mình chị Thảo tương tác với con bằng việc cho bé nghe nhạc, nghe kể truyện… Có những khi, chị Thảo chỉ cần vỗ nhẹ tay vào bụng theo nhịp của bản nhạc, bé ở trong bụng cũng cảm giác được và tương tác lại với mẹ. Về vấn đề dinh dưỡng khi mang bầu, chị Thảo tâm sự rằng chị cũng ăn uống như bao bà mẹ khác, không có gì đặc biệt lắm.

Khi bé Nhi ra đời, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế và sự tiếp nhận của con, chị Thảo đã sử dụng phương pháp phát triển đa giác quan nhằm kích thích khả năng nhận thức và giúp bé nhận biết thế giới xung quanh thông qua những trò chơi, buổi dã ngoại của hai mẹ con. Chị Thảo cho biết, mỗi ngày khi đi làm về, chị cùng bé Nhi đi dạo hai tiếng để chỉ bảo con cách nhận biết thực tế. Rồi thi thoảng vào ngày chủ nhật chị lại cho con đi Chợ Hàng, một phiên chợ đặc biệt chuyên bán các loại thú nuôi, cây cảnh, chim… ở Hải Phòng. Ở đây, chị cho bé Nhi tiếp xúc, học hỏi và cảm nhận thực tế qua việc phân biệt các con vật, cây cối và nhiều thức khác. Những lần về quê ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), chị Thảo cũng cho bé Nhi theo để con được tiếp xúc với cây cỏ, không khí thôn dã mà ở thành phố không có, đó cũng là một cách để phát triển sự nhận biết. Ngoài ra, bé Nhi còn được mẹ cho đi bơi từ nhỏ, cảm nhận sự vật trực tiếp bằng cách cầm nắm và chơi những trò chơi đơn giản mà chị Thảo nghĩ ra. Bằng những phương pháp này, bé Nhi đã tiếp nhận những điều mới mẻ một cách hứng thú.

Bé Nhi đang thể hiện tài đọc chữ.

Áp dụng những phương pháp trên để dạy con trẻ một cách tốt nhất đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng rất lớn của người mẹ. Chị Thảo chia sẻ rằng, người mẹ nào cũng yêu và dành nhiều tình cảm cho con. Chị luôn dạy con bằng cả sự say mê, dùng tình yêu thương con và phương pháp khoa học để giúp bé Nhi phát triển. Cách dạy con ấy của chị Thảo không chỉ thuyết phục được ông bà nội, ngoại mà còn khiến nhiều người dân sống ở nơi ấy phải thán phục. Bà của bé Nhi cho biết, vào thời điểm chỉ mới 6-7 tháng tuổi, bé Nhi đã phân biệt được bên nào là chữ, bên nào là số. Khi bà để một bên số, một bên chữ rồi cho bé chỉ, bé đã chỉ đúng. Nhưng khi đó, nghĩ rằng cháu còn quá nhỏ, còn chưa biết nói nên có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đến 10 tháng tuổi, bé Nhi bắt đầu tập nói và đến 13 tháng tuổi bé đã nhận biết được những chữ cái. Là người mẹ dạy con với cả tấm lòng, chị Thảo cảm nhận được bé Nhi rất thích khi đọc chữ. Mỗi khi đi đường nhìn thấy những tấm biển quảng cáo, bé Nhi lại đọc rồi tủm tỉm cười. Đó cũng là niềm vui của người mẹ khi nhìn thấy khả năng và sự phát triển của con thơ.

Không phải thần đồng?

Gặp bé Nhi, thực sự tôi không có ấn tượng nhiều lắm, bởi bé nhìn không khác những đứa trẻ đồng trang lứa là mấy ngoài đôi mắt sáng và vẻ ngoài lanh lợi. Cho đến khi cầm cuốn truyện thiếu nhi chữ to ở trong nhà, giở một trang bất kì bé Nhi vẫn có thể đọc được hết cả câu dài chục từ dù giọng đọc còn ngọng và bi bô theo cách trẻ nhỏ thì tôi mới nhận ra bé Nhi thật sự khác với những đứa trẻ 15-16 tháng tuổi. Ngoài ra, bé Nhi còn có thể đọc bất kì chữ gì mà tôi viết ra, dù đó là những câu, từ mới không có trong quyển truyện trên. Chị Thảo cho biết bé biết vận dụng và có trí nhớ khá tốt. Trong quá trình dạy con, chị không hề dạy bé cách ghép chữ nhưng khi biết các mặt chữ bé lại có khả năng đọc tất cả các chữ ngay cả những từ hoàn toàn mới. Đặc biệt, bé còn có khả năng đọc được những từ khó phát âm như khiết, luyến quyến, khúc khuỷu, khuya khoắt… Chị cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với bạn bè, người thân về cách dạy con. Nhiều mẹ chia sẻ cũng đã áp dụng phương pháp dạy con đúng hướng nhưng cũng không đạt được như bé Nhi. Đó có thể là sự khác biệt về nhận thức ngôn ngữ và khả năng tiềm ẩn ở mỗi bé.

Đồ chơi của bé Nhi là sách và các con số.

Ngoài việc thể hiện sự vượt trội trong nhận thức ngôn ngữ, bé Tuệ Nhi cũng rất tình cảm, thấy mẹ đi làm về là choàng tay ôm cổ nũng nịu "mẹ ơi, con yêu mẹ". Có lẽ những khả năng đọc, nhận biết mới chỉ là những thành công bước đầu trong việc dùng những phương pháp khoa học để dạy con này. Chị Thảo cho rằng: Những thứ phản khoa học thì không bao giờ có hiệu quả, mà đã có hiệu quả tốt thì chỉ có thể là khoa học và khoa học một cách tuyệt đối. Nhiều chuyên gia đã nhận định với khả năng hiện tại, chứng tỏ bé Nhi có một trí nhớ rất tốt và điều đó thể hiện tính hiệu quả của phương pháp đa giác quan. Việc áp dụng phương pháp này cho con trẻ từ sớm, qua các trò chơi, nhận biết tự nhiên, không bị gò ép là một hướng đi rất đúng đắn. Trường hợp của bé Nhi có thể nói là vượt trội so với trẻ cùng trang lứa, rất hiếm gặp hay chúng ta thường gọi là "thần đồng". Nhưng khi nói chuyện với người thân của bé Nhi, nhắc đến hai chữ này ai cũng lắc đầu bảo không phải. Bà của bé cho biết: "Cháu không phải thần đồng đâu, chỉ là cô bé bình thường thôi. Nhiều người cứ bảo cháu là thần đồng nhưng tôi thấy tất cả nằm ở cách dạy của mẹ cháu hết, khả năng của cháu chắc cũng có nhưng chỉ một phần thôi…".

Câu chuyện buồn về "thần đồng"

Khi nói đến "thần đồng", việc gia đình bé Nhi chẳng ai dám nhận cháu mình đáng được gọi như thế dù cháu đã biết đọc khi 13 tháng tuổi lại khiến tôi nghĩ đến "số phận" của một số người từng được gọi là "thần đồng" trước đây. Có lẽ vì áp lực bởi hai chữ này hay giáo dục không đúng cách, những "thần đồng" năm ấy giờ đây còn tỏ ra thua kém các bạn đồng trang lứa.

Điển hình như trường hợp anh T.N.S (Quảng Ninh), cách đây nhiều năm S. được coi là "thần đồng'' khi mới 2 tuổi. Ngày đó, S. là tâm điểm của báo chí và gia đình anh cũng nhận được nhiều thư từ gửi về để góp ý các phương pháp nuôi dạy, nhằm phát triển khả năng. Tuy nhiên, không những không phát triển được mà theo gia đình thì anh S. còn có gì đó không bình thường. Ngày còn nhỏ gần như anh S. không có bạn, đến lúc lớn chỉ chơi với vài người. Ngoài ra còn rất kén ăn, đến năm lớp 9 mà gia đình vẫn phải chăm như một cậu bé lớp 1. Khi học đến lớp 10, cô giáo chủ nhiệm lớp từng phản ánh, giờ ra chơi S. thường leo lên đồi ngồi trầm ngâm một mình thay vì nô đùa cùng các bạn. Học lớp 11, S. chỉ thích học vi tính và ước mơ sau này sẽ trở thành một cử nhân tin học.

Người nhà luôn theo sát quá trình phát triển của bé Nhi.

Một trường hợp khác là B.A (Hà Nội), trước đây từng được nhắc đến như một "thần đồng" ngôn ngữ và toán học khi mới tròn 3 tuổi. Về việc học tập, gia đình B.A từng cho biết rằng về môn Toán thì em vẫn học tốt nhưng trình bày cẩu thả. Còn Tiếng Việt thì lại rất kém, cả phát âm lẫn diễn đạt đều rất khó khăn. Ngày trước khi đi học, B.A còn rất ít tiếp xúc với các bạn, mãi sau này mới cải thiện được, hòa đồng và tiến bộ hơn. Tuy nhiên B.A không có biểu hiện nào của một cháu bé có khả năng đặc biệt, kể cả khả năng tính toán cũng như môn Văn. Nhiều lúc đi học trên lớp, B.A không thể diễn đạt được ý định nói của mình, phải nhờ đến trợ giúp của cô giáo.

Ngoài ra, vẫn còn một vài trường hợp khác chưa nói tới nhưng có một điểm chung là những "thần đồng" được nhắc đến ở trên đều phải chịu khổ trước cái "danh" mà người khác gắn cho mình. Như cháu B.A, từ khi được tung hô là "thần đồng", đi đến đâu người ta cũng xúm lại để đặt câu hỏi, phép tính cho cháu giải và xem đó như một niềm thích thú. Có thể việc được gặp một "thần đồng" quả thật rất khó, nhưng chính việc đối xử, giáo dục không cẩn thận lại khiến nó trở thành áp lực cho những cháu đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nghĩ lại những điều đó, cũng dễ hiểu được rằng vì sao gia đình bé Tuệ Nhi lại không muốn gắn cho con, cháu mình cái mác "thần đồng" đến vậy...

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.