Áo giáp từ... Tôm hùm

Thứ Hai, 18/03/2019, 10:37
Mới đây, các nhà khoa học của Đại học RMIT đã khẳng định rằng, vật liệu từ... tôm hùm chính là loại vật liệu tối ưu nhất để giải quyết tất cả những nhược điểm trên của áo giáp.


Áo giáp là loại áo làm bằng chất liệu đặc biệt, có sức chống đỡ với binh khí hoặc nói chung với những vật gây tổn hại, nguy hiểm cho cơ thể. Mặc dù nó đã cứu hàng ngàn binh sĩ khỏi đạn của súng ngắn và súng trường..., nhưng cũng đồng thời làm tăng rủi ro cho người mặc vì sự thiếu linh hoạt, làm giảm khả năng và sự tập trung, cũng như làm hao tổn năng lượng nhiều hơn để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thông thường thì những bộ giáp càng linh hoạt thì khả năng bảo vệ càng kém.

Mới đây, các nhà khoa học của Đại học RMIT đã khẳng định rằng, vật liệu từ... tôm hùm chính là loại vật liệu tối ưu nhất để giải quyết tất cả những nhược điểm trên của áo giáp. 

Với loại vật liệu này, chúng ta sẽ có một bộ giáp bảo vệ cực kỳ tinh xảo, rất chắc chắn mà lại vô cùng linh hoạt. Nó không chỉ mạnh, mà còn mềm và co giãn được. Người mặc có thể di chuyển các bộ phận cơ thể một cách dễ dàng, cho dù họ bơi trong nước, đi bộ trên mặt đất hay chạy để thoát khỏi nguy hiểm, giống như phần màng của một con tôm hùm trên cạn.

Cụ thể phần màng mềm bao phủ các khớp và bụng của tôm hùm là một chất liệu cứng như cao su công nghiệp, dùng để chế tạo lốp xe hơi và vòi nước. Khi có động tác cắt nhanh vào màng không hề ảnh hưởng đến độ đàn hồi của nó. Các nhà nghiên cứu cho biết màng mềm có cấu trúc độc đáo bao gồm hàng chục ngàn lớp giống tấm ván ép. Các sợi cấu tạo của những lớp đó giúp màng mềm tiêu tán năng lượng khi gặp áp lực, giúp nó có khả năng chịu thiệt hại tốt.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts và Harvard tin rằng có thể sử dụng phần màng này để sản xuất loại giáp bảo vệ mới, linh hoạt hơn cho con người. Loại giáp này được thiết kế để che chắn và bảo vệ các khớp như đầu gối và khuỷu tay. Những phát hiện này của các nhà nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Acta Materialia.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một phát hiện lớn cho sự phát triển trong sản xuất và thiết kế các loại giáp bảo vệ. Lớp màng mềm này của tôm hùm đã giúp chúng tồn tại trên Trái đất hơn 100 triệu năm. Nếu ta có thể làm áo giáp từ những loại vật liệu này, người sử dụng có thể vận động các khớp một cách thoải mái và an toàn hơn”, ông Ming Ming Guo, giáo sư phát triển nghề nghiệp của Công ty cơ khí tại MIT, nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng kiến thức học được từ màng mềm của tôm hùm đã làm sáng tỏ việc thiết kế các vật liệu mềm tổng hợp nhưng lại mạnh mẽ và bền bỉ. Nó thực sự đáng tin cậy để sử dụng trong điều kiện cơ học khắc nghiệt. Ta hoàn toàn có thể sản xuất bộ giáp linh hoạt có thể bảo vệ toàn thân mà không bị hạn chế khả năng vận động của các chi. 

Ngoài ra, vật liệu có cả sức mạnh và tính linh hoạt của màng tôm hùm này cũng có thể được sử dụng trong kỹ thuật robot và kỹ thuật mô. Không giống như lớp vỏ giống xương ở ngoài của loài giáp xác, màng mềm của tôm hùm vẫn là một bí ẩn.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển giáp bảo vệ từ tôm hùm, ông Ming Ming Guo cho biết điều này thật tình cờ. Nó xuất hiện khi ông thưởng thức món tôm hùm và nhận thấy rằng màng trong suốt trên bụng chúng rất khó nhai.

Nếu trong tương lai có xuất hiện những bộ giáp từ tôm hùm thì chắc chắn đây sẽ là một bộ giáp bảo vệ cực kỳ tinh xảo và vô cùng linh hoạt.

Hồng Định
.
.
.