WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine AstraZeneca
- Phát hiện biến chủng COVID-19 ở Anh có thể kháng vaccine
- Giấc mơ 2021: Vaccine ngừa COVID-19 được tiêm đại trà
- Các quan chức y tế toàn cầu ủng hộ vaccine AstraZeneca
WHO ngày 15/2 chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai phiên bản vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca, qua đó "bật đèn xanh" để chúng sớm được triển khai trên toàn cầu thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do WHO khởi xướng, Reuters đưa tin.
Vaccine COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Ảnh: ITN |
Hai phiên bản vaccine AstraZeneca nói trên hiện đang được sản xuất tại nhà máy của AstraZeneca-SKBio, Hàn Quốc và Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Các nhà máy dược Ấn Độ và Hàn Quốc được cho là nơi sản xuất gần như toàn bộ lô vaccine AstraZeneca đầu tiên cho chương trình COVAX.
Việc được WHO phê duyệt cho thấy vaccine của AstraZeneca đã đáp ứng rất tốt các tiêu chí bắt buộc về độ an toàn cũng như chứng minh được hiệu quả của nó vượt trội so với rủi ro có thể gặp phải. Trước WHO, một số quốc gia đã tự mình phê duyệt vaccine của AstraZeneca.
Bước đi trên được tiến hành sau khi một hội đồng của WHO khuyến nghị rằng, vaccine của AstraZeneca có thể được sử dụng cả ở các quốc gia phát hiện người nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, dù các chuyên gia từng nhận định vaccine AstraZeneca có hiệu quả hạn chế với chủng virus này.
Tiến sĩ Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về vấn đề phân phối thuốc men, nhận định, các quốc gia nghèo, không có khả năng tiếp cận với vaccine nay đã có thể bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế và các nhóm dân số nguy cơ mắc bệnh, nhờ vaccine của AstraZeneca.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, tổ chức này đã sẵn sàng phân phối nhanh chóng vaccine tới các nước, song song với việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nhà phát triển vaccine COVID-19 không chỉ nộp hồ sơ xin phê duyệt tại các quốc gia giàu có, mà gửi hồ sơ tới cả WHO để cùng đánh giá mức độ an toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có mẫu vaccine ngừa COVID-19 của liên doanh Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.
Vaccine của AstraZeneca tuy có hiệu quả thấp hơn vaccine của Pfizer/BioNTech nhưng lại rẻ hơn và dễ phân phối hơn do nó có thể được bảo quản dễ dàng trong tủ lạnh thông thường. Theo AlJazeera, hơn 330 triệu liều vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm cho hàng triệu người dân các quốc gia từ cuối tháng 2.
Tại châu Á, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc nằm trong số các nước sẽ được nhận vaccine COVID-19 do AstraZeneca chế tạo.