Tunisia đối diện nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ Ba, 27/07/2021, 07:51
Tổng thống Tunisia Kais Saied tối 25/7 (giờ địa phương) tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng Hichem Mechichi, giải tán chính phủ và đình chỉ hoạt động của Quốc hội nước này, một động thái được nhận định có thể sẽ khiến Tunisia đối mặt cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong một thập kỷ.

Theo Reuters, quyết định được ông Kais Saied đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp tại Phủ Tổng thống. Phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp, Tổng thống Saied cho biết sẽ tiếp tục đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một Thủ tướng mới do ông chỉ định. Tổng thống cũng khẳng định quyết định của ông dựa trên Điều 80 của Hiến pháp, nhấn mạnh đây là một phản ứng cần thiết trước tình trạng tê liệt của kinh tế và chính trị ở Tunisia trong nhiều năm qua, đồng thời trích dẫn một điều khoản nhằm tạm ngừng quyền miễn trừ đối với các thành viên quốc hội.

Người biểu tình đổ ra đường ủng hộ quyết định của Tổng thống Kais Saied. Ảnh: Reuters.

Theo kênh truyền hình Al Mayadeen, Quốc hội Tunisia sẽ bị đình chỉ hoạt động trong 30 ngày. Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi hàng nghìn người dân Tunisia đã tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp quốc gia Bắc Phi để phản đối đảng Ennahdha cầm quyền và Thủ tướng Mechichi, với những khẩu hiệu chỉ trích sự thất bại của chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trên thực tế, Tunisia đang gặp không ít khó khăn khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và đại dịch COVID-19. Quốc gia với 12 triệu dân đến nay ghi nhận gần 600.000 ca lây nhiễm và hơn 18.000 trường hợp tử vong vì COVID-19. Thủ tướng Mechichi tuần trước đã sa thải Bộ trưởng Y tế vì ứng phó kém trước đại dịch, khiến số ca mắc tăng vọt, song phản ứng này của Thủ tướng được cho là không đủ.

Theo Hiến pháp Tunisia, Tổng thống chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề đối ngoại và quân sự, nhưng sau khi chính phủ thất bại trong nỗ lực triển khai tiêm chủng vaccine, Tổng thống Saied hồi tuần trước đã phải yêu cầu quân đội chịu trách nhiệm ứng phó với đại dịch. Hôm 23/7, Tổng thống Kais Saied cũng buộc phải ra lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này thêm 6 tháng trong bối cảnh tình hình y tế tại Tunisia ngày càng xấu đi do sự bùng phát nhanh của dịch bệnh.

Trong đêm 25/7 (giờ địa phương), ngay sau khi tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng được đưa ra, đông đảo người dân Tunisia đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tunis để thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Saied. Đài truyền hình Tunisia đưa tin, Tổng thống Kais Saied sau đó cũng đã hòa vào đám đông ở trung tâm thủ đô Tunis đang tán dương quyết định của ông. Trong khi đó, ông Rached Ghannouchi - lãnh đạo đảng Ennahda cầm quyền, người đồng thời cũng là Chủ tịch Quốc hội Tunisia, đã ngay lập tức gọi quyết định của Tổng thống Saied là “một cuộc đảo chính phản cách mạng và hiến pháp”.

“Chúng tôi cho rằng các thể chế vẫn đứng vững, và những người ủng hộ đảng Ennahda cùng với nhân dân Tunisia sẽ bảo vệ cuộc cách mạng”, lãnh đạo đảng Ennahda nói. Đến sáng 26/7, ông Ghannouchi thậm chí đã kêu gọi nhóm người ủng hộ mình tiến đến tòa nhà Quốc hội để phản đối quyết định của Tổng thống, dẫn đến thế đối đầu giữa những người biểu tình của hai bên. Song Al Mayadeen đưa tin, quân đội Tunisia đã được triển khai nhằm ngăn không cho Chủ tịch Quốc hội Rached Ghannouchi vào trụ sở của cơ quan lập pháp này.

Sau cuộc nổi dậy dẫn đến sự sụp đổ của nhà độc tài Abidine Ben Ali, Tunisia đã thành công trong việc chuyển đổi thành một nền dân chủ, nhưng đất nước đã bị tàn phá bởi tham nhũng và khủng hoảng kinh tế. Chỉ trong 10 năm qua, quốc gia Bắc Phi này đã có 9 chính phủ và hầu hết các lần chuyển giao quyền lực đều diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, các tầng lớp chính trị đã bị phân tán sâu sắc và bị tê liệt do mâu thuẫn nội bộ, làm gia tăng sự bất bình về tình trạng kinh tế - vốn ngày càng trở nên khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Bất đồng chính trị nhiều năm qua tại Tunisia đã khiến nước này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả.

Diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi cũng là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này áp dụng Hiến pháp 2014 phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và quốc hội. Bất đồng hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ Thủ tướng Mechichi được cho liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - được nhìn nhận là cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà quốc gia châu Phi đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn. Những cải cách kinh tế mới nhằm đảm bảo khoản vay này có thể ảnh hưởng đến đa phần người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công.

Reuters cho biết, theo quy định, tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Tunisia sẽ được một tòa án hiến pháp giải quyết. Tuy nhiên, 7 năm sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, tòa án này đến nay vẫn chưa thể được thành lập do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán.

An Nhiên (T.H)
.
.
.