Trung Quốc bị chỉ trích mạnh tại Shangri-La 15
- Những hành động khó hiểu của Trung Quốc trước Đối thoại Shangri-La
- Biển Đông trở thành tâm điểm của Đối thoại an ninh Shangri-La
- Đối thoại Shangri-La và vấn đề Biển Đông
- Biển Đông làm nóng Đối thoại Shangri-La
Mỹ chỉ trích Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự trên biển Đông. Trong khi đó, Nhật Bản và New Zealand thì phản đối việc Bắc Kinh cải tạo và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông, cũng như ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích vùng biển này (80%).
Phát biểu sáng 4-6 tại phiên toàn thể đầu tiên tại Shangri-La 15 (SLD 15) với chủ đề “Đối mặt với những thách thức an ninh phức tạp ở châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ bị các nước láng giềng xa lánh và xây nên “Vạn lý Trường thành tự cô lập” khi theo đuổi chính sách bành trướng ở biển Đông.
Ông Carter bày tỏ sự đáng tiếc khi ngày càng có nhiều mối lo ngại trong khu vực... về các hoạt động của Trung Quốc trên biển, không gian mạng và trên không phận khu vực.
Ông cho rằng, Trung Quốc đã có những hành động mở rộng chưa từng có tiền lệ, gây nên mối quan ngại về những mục đích chiến lược của Trung Quốc và lưu ý, chìa khóa của an ninh khu vực là tăng cường hợp tác quân sự trên toàn khu vực và tuân thủ các “nguyên tắc cốt lõi” như giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và phát triển một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”.
Ông cảnh báo: “Chỉ khi mọi người chơi theo cùng một luật, chúng ta mới có thể tránh phạm sai lầm trong quá khứ”. Từ đó, Bộ trưởng Carter nêu rõ, Mỹ “hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình, ổn định, thịnh vượng và đóng vai trò tích cực trong mạng lưới an ninh dựa theo nguyên tắc của khu vực”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tái khẳng định lập trường của Washington là không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông nhưng ủng hộ duy trì tự do đi lại trong khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Ashton Carter và Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris tại buổi họp báo trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La ngày 4-6. |
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đồng thời tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển, và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép để tất cả các nước trong khu vực này có thể hành động giống như Mỹ”.
Liên quan đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, Bộ trưởng Carter hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan), dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở biển Đông để không làm phương hại tới tình hình an ninh khu vực.
Phát biểu bên lề SLD 15, Đại tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã chỉ trích việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết (của PCA) về vụ kiện của Philippines, cho rằng, Bắc Kinh có nguy cơ gây nguy hiểm cho khu vực.
Theo ông Pavel, hành động như thế (phớt lờ phán quyết của PCA - PV) “trở thành ví dụ cho các nước khác, rằng quy định chỉ dành cho kẻ yếu và những kẻ mạnh có thể tự chọn giải pháp của mình”.
Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO khẳng định liên minh quân sự này sẽ có bước đi cẩn trọng với tuyên bố và động thái của Trung Quốc ở biển Đông “vì chúng tôi không rõ về ý đồ của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ bất cứ giải pháp hoà bình nào cho khu vực, dựa trên thương lượng ngoại giao và chính trị”. Tuy nhiên, NATO sẽ không can thiệp quân sự vào tranh chấp biển Đông, do tổ chức “không có cơ sở pháp lý” để làm điều này.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của SLD 15 với chủ đề “Quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á” vào sáng cùng ngày, mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc khi nói về các thách thức an ninh lớn trong khu vực nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, Tokyo lo ngại sâu sắc về những hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn, cũng như việc xây dựng các tiền đồn được sử dụng vì mục đích quân sự ở một số khu vực trong vùng biển tranh chấp.
Bộ trưởng Nakatani nhấn mạnh “các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và củng cố các thay đổi đó như một sự đã rồi sẽ làm chệch hướng đáng kể trật tự biển dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng quốc tế”, đồng thời khẳng định các hành động như vậy đặt ra thách thức đối với trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nakatani, hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ củng cố sự thịnh vượng của cả cộng đồng quốc tế, không chỉ riêng của khu vực, vì vậy “không quốc gia nào là người ngoài cuộc trong vấn đề này”.
Ám chỉ việc Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép hơn hàng nghìn ha đất ở biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee bày tỏ điều mà Wellington trông đợi là “Bắc Kinh phải làm rõ ràng mọi thứ”.
Trước những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà SLD 15 Ng Eng Hen, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, cho biết cảm thấy “khó chịu” khi diễn đàn an ninh khu vực này trở thành “nơi công kích lẫn nhau” thay vì là nơi tìm kiếm những giải pháp tích cực cho các cuộc tranh chấp.
Ông Tôn đề nghị chủ nhà Singapore cần có điều chỉnh hợp lý chương trình để diễn đàn này đạt được mục đích “giảm bớt xung đột, thúc đẩy hợp tác và giúp ổn định an ninh khu vực”.
Đáp lại lời đề nghị này, Bộ trưởng Hen nêu rõ Singapore có mục tiêu rõ ràng khi tổ chức diễn đàn, đó là thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng giữa các nước trong khu vực và quốc tế; SLD không nhằm gây tổn hại cho bất kỳ bên nào hay nước nào và mong muốn các bên liên quan chia sẻ và tăng cường hiểu biết lẫn nhau về vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Thảo luận ba bên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên Tại cuộc hội đàm ngày 4-6 bên lề SLD 15, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng hai người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani và Hàn Quốc Han Min-koo đã thảo luận về “cách thức tốt nhất” để tiếp cận CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng trước rằng sẽ không thay đổi trong việc theo đuổi chính sách phát triển kinh tế đi liền với phát triển năng lực hạt nhân. Ba nước cũng đã nhất trí gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên nhằm chấm dứt các vụ phóng tên lửa và những hành động khiêu khích khác của Bình Nhưỡng tại cuộc gặp ba bên cấp quan chức ngoại giao hôm 1-6, đồng thời đề xuất hỗ trợ các nước khác để thực thi hiệu quả các lệnh trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra liên quan tới vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa tiếp sau đó của Bình Nhưỡng. Minh Nhật (theo Kyodo, KBS) |